✴️ Các phương pháp điều trị bướu giáp lan tỏa

Nội dung

1. Các phương pháp điều trị bướu giáp lan tỏa theo y học hiện đại

1.1. Với bướu giáp lan tỏa lành tính

Bướu giáp lan tỏa lành tính giai đoạn sớm có thể không cần phải điều trị mà chỉ cần theo dõi định kì. Đa số các trường hợp bướu giáp đơn thuần thể lan tỏa chỉ cần điều trị bằng thuốc hormon tuyến giáp sẽ cho kết quả rất tốt. Ngoài ra, nếu người bệnh phát hiện bướu sớm và đi khám bệnh ngay sẽ có kết quả tốt hơn vì để lâu quanh nhân sẽ có vùng xơ hóa không đáp ứng thuốc.

Cần đặc biệt lưu ý ở nữ giới tuổi dậy thì (12-18 tuổi) hoặc phụ nữ có thai, tuyến giáp hơi lớn ra dạng phình giáp lan tỏa chỉ là hiện tượng sinh lý, không có chỉ định mổ.

Bướu giáp lan tỏa mới

Phương pháp điều trị: Sử dụng hormon trị liệu nhằm ức chế tiết TSH. Liều Thyroxin cần thiết để đạt được sự ức chế này là từ 100-200µg/ngày

Cách thực hiện:

  • Hormon L-T4: sử dụng liều trung bình/ngày: 100-150µg, liều tối đa/ngày: 200µg
  • Hormon L-T3: sử dụng liều trung bình/ngày: 25µg, liều tối đa/ngày: 50µg
  • Hormon L-T4 + L-T3 (tỷ lệ 4:1): sử dụng liều trung bình/ngày: 100T4 + 20T3, liều tối đa/ngày: 180T4 + 45T3
  • Bột giáp đong khô: Liều trung bình ngày: 1-1.5g (USP) hoặc 0.05g-1.10g (Codex), liều tối đa/ngày: 2g (USP) hoặc 0.2g (Codex)

Thời gian điều trị: 

Cần điều trị ít nhất 6 tháng trước khi kết luận có kết quả hay không

Hiệu quả điều trị: Khoảng 60% trường hợp bướu giáp nhỏ lại tới mức bình thường

Lưu ý chăm sóc sau điều trị: Tất cả mọi trường hợp bệnh nhân đều cần uống thuốc đều đặn, đủ thời gian thì mới đạt được kết quả mong muốn

Bướu giáp lan tỏa lâu ngày

Điều trị tương tự như trên nhưng ít hơn hi vọng khỏi. Bướu giáp chỉ ổn định hơn chứ không thay đổi về khối lượng.

Tuy nhiên nếu bướu giáp to nhanh, gây chèn ép và mất thẩm mỹ làm giảm chất lượng cuộc sống thì nên phẫu thuật cắt bớt nhu mô giáp. Sau đó tiếp tục điều trị với hormon giáp.

1.2. Với bướu giáp lan tỏa nhiễm độc

Điều trị nội khoa

Sử dụng nhóm thuốc ức chế tổng hợp hormon giáp (thionamid)

Cách thực hiện:

  • Với nhóm thiouracil có thể bắt đầu liều cao chia nhiều lần, khi đạt bình giáp có thể dùng liều duy nhất buổi sáng. PTU 100-150mg/6h/ngày. Sau 4-8 tuần giảm 50-200mg chia hai lần/ngày
  • Với nhóm imidazol: dùng liều duy nhất buổi sáng bắt đầu 40mg/ngày trong 1-2 tháng sau giảm dần liều 5-20mg. Theo dõi FT4 và TSH

Thời gian điều trị:

  • Sau khi điều trị bình giáp (3-6 tháng) thay vì giảm liều thì thêm vào từ 50-100µg levothyroxin, nghĩa là khi dùng liều 5-10mg methimazol thường phối hợp 100µg L-T4/ngày từ 12-24 tháng. Sau khoảng thời gian này khi tuyến giáp bình thường trở lại thì ngừng kháng giáp và tiếp tục dùng Levothyroxin một thời gian, có tác dụng làm giảm kích thước tuyến giáp
  • Thời gian điều trị thuốc kháng giáp từ 6 tháng đến 2 năm

Biến chứng trong quá trình điều trị:

Khoảng 5% trường hợp có các biểu hiện tương đối đa dạng

  • Nhẹ: phát ban, mề đay, sốt, rối loạn tiêu hóa, mất vị giác, vàng da tắc mật, tăng Phosphat kiềm
  • Nặng: hội chứng Lyl, rụng tóc, Lupus, thiếu máu, đau đa khớp, đau nhiều rễ thần kinh, mất vị giác, thiếu máu
  • Giảm bạch cầu trung tính, đến khi lượng bạch cầu trung tính nhỏ hơn 1200mm3 thì phải ngừng, bởi vây cần theo dõi sát sao trong suốt quá trình điều trị
  • Mất bạch cầu hạt: khoảng 0.1% (khi dùng methimazol) và 0.5% (PTU) trường hợp, được xác định khi lượng bạch cầu <200mm3. Ngừng dùng thuốc kháng giáp và phải dùng kháng sinh ngay khi có biểu hiện này, nhất là biểu hiện nhiễm trùng, viêm họng. Điều trị bằng filgrastim (G – CSF)
  • Bởi những biến chứng như vậy mà cần theo dõi sát sao khi sử dụng thuốc kháng giáp: kiểm tra công thức bạch cầu định kỳ, kiểm tra FT4 và TSH, kiểm tra chức năng gan

Lưu ý một số tiêu chuẩn có thể ngừng thuốc kháng giáp:

  • Dùng kháng giáp liều rất nhỏ, sau một thời gian bệnh không tái phát trở lại
  • Thể tích tuyến giáp nhỏ lại (thể tích tuyến giáp bình thường dưới 18cm3)
  • Kháng thể kháng thụ thể TSH không tìm thấy trong huyết thanh sau nhiều lần xét nghiệm
  • Test Werner (+): độ tập trung I131 tuyến giáp bị ức chế khi dùng levothyroxin (T3)

Các phương pháp điều trị khác

Dùng chất ức chế vận chuyển Iod

Chất thiocyanat và perchlorat ức chế vận chuyển iod nhưng thường sử dụng bất lợi, nên chỉ áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt.

Iod vô cơ:

Khi phối hợp lugol cần sử dụng thuốc kháng giáp trước đó từ 1- 2 giờ

Cần khoảng 6mg Iodur là đủ ức chế tuyến giáp. Không sử dụng iod vô cơ đơn độc mà cần phối hợp với thuốc kháng giáp để đề phòng xảy ra hiện tượng thoát ức chế

Chỉ định hiện nay đối với iod vô cơ chủ yếu là:

  • Chuẩn bị ngắn ngày trước phẫu thuật cắt giảm tuyến giáp và điều trị cơn bão giáp
  • Trước đây người ta thường sử dụng iod trong nhiều tháng (khoảng trên 8 tháng). Hiện nay liệu trình sử dụng iod trung bình 10 -15 ngày
  • Chất iopanoic acid và ipodate sodium (ipodate 500 mg/ngày, sử dụng đường uống) làm ức chế T4 thành T3 và ức chế phóng thích T4, sau 24h ức chế T3

Dùng Lithium

Sử dụng cần vô cùng thận trọng với bệnh nhân có bệnh lí tim mạch và rối loạn chuyển hóa, nhất là mất nước liều dùng 300 – 450mg/8 giờ và duy trì nồng độ 1 mEq/l. Thường chỉ sử dụng khi bệnh nhân bị dị ứng với Thionamide hoặc iod.

Các phương pháp điều trị bướu giáp lan tỏa theo y học hiện đại

Glucocorticoide

Dexamethasone sử dụng với liều 2 mg/6 giờ có thể làm ức chế phóng thích hormone giáp

Thuốc chống đông

Khoảng 10 – 25% bệnh nhân Basedow có xuất hiện rung nhĩ, nhất là đối với bệnh nhân lớn tuổi. Warfarin dễ gây xuất huyết sau điều trị phóng xạ. Aspirin có chỉ định nhưng thận trọng nếu sử dụng ở liều cao (aspirine làm tăng FT3 và T4 do giảm kết hợp protein)

Thuốc an thần

Khuyến cáo sử dụng nhóm barbiturate tác dụng giảm lượng thyroxine do gia tăng thoái biến

Cholestyramine

Dùng 4 mg, ngày dùng 4 lần có thể giúp giảm T4

Carnitin

Tác dụng ức chế hormone giáp ngoại biên, cải thiện triệu chứng và hiệu quả trên lâm sàng

Rituximab

Là một kháng thể đơn dòng làm giảm lympho B ngoại biên vì thế giúp làm lui bệnh và giảm nồng độ TRAb

Điều trị Iode phóng xạ

Điều trị với I131 mục đích làm giảm thể tích bướu có thể áp dụng cho bướu giáp đơn quá lớn ở người lớn tuy nhiên chống chỉ định phẫu thuật hoặc những trường hợp bị tái phát sau khi phẫu thuật. Không áp dụng phương pháp này với người trẻ dưới 35 tuổi, cũng như trường hợp bướu giáp lớn sau xương ức, có thể làm sưng cấp tính tuyến giáp gây đè ép khí quản nặng hơn. I131 tỏ ra hiệu quả và an toàn đối với bướu giáp đơn thể nhiều nốt, tuy nhiên tỷ lệ suy giáp cao: 22%-40% trong 5 năm

Chỉ định:

  • Có thể từ 35 tuổi trở lên
  • Bệnh tái đi tái lại nhiều lần, không thể phẫu thuật
  • Khó khăn trong theo dõi (người lớn tuổi)
  • Suy tim
  • Dị ứng thuốc kháng giáp
  • Trường hợp suy tim, nhiễm độc giáp nặng, tuyến giáp có thể tích lớn (trên 100 gam), nên điều trị đạt được bình giáp trước khi điều trị iod phóng xạ.

Chống chỉ định:

  • Tuyệt đối trường hợp thai nghén

Điều trị phẫu thuật tuyến giáp

Thực hiện:

  • Chuẩn bị tốt với thuốc kháng giáp để đạt được bình giáp trước khi phẫu thuật để phòng cơn bão giáp
  • Phối hợp iod vô cơ một thời gian ngắn 1-2 tuần nhằm giảm tưới máu nhu mô thuận lợi cho phẫu thuật
  • Chuẩn bị bằng thuốc kháng giáp cho đạt bình giáp
  • Iod 40-80mg/ngày 2 lần trước hai tuần. Sau phẫu thuật cắt giảm tuyến giáp không sử dụng thuốc kháng giáp và iod
  • Prapranolol 40mg mỗi 6h dùng đường uống, liều có thể tăng sao cho tần số tim dưới 60 lần/phút và duy trì thêm 5-7 ngày sau phẫu thuật
  • Để lại mỗi thùy 2-3g nhu mô giáp

Chỉ định:

  • Bệnh tái phát sau nhiều lần điều trị
  • Tuyến giáp quá lớn
  • Cường giáp ở phụ nữ có thai đáp ứng kém điều trị nội khoa

Biến chứng và lưu ý sau điều trịi: Cần theo dõi sau mổ 4-6 tuần để phát hiện suy giáp (30-50%) hoặc cường giáp trở lại (3-7%). Suy giáp nhẹ tự hồi phục sau 4-6 tuần. Suy cận giáp khoảng 3%, liệt dây thần kinh quặt ngược

Điều trị bướu giáp lan tỏa bằng gây thuyên tắc động mạch tuyến giáp

Cách thực hiện: chất gây thuyên tắc là các hạt cấu tạo từ PVA kích thước 150-300mm. Gây thuyên tắc lần đầu chủ yếu dùng hạt kích thước 150mm, lần tiếp theo dùng hạt 300mm

Hiệu quả điều trị: giảm kích thước và chức năng tuyến giáp. Cải thiện tính tự miễn của tuyến giáp, điều chỉnh chức năng miễn dịch.

2. Một số phương pháp điều trị bướu giáp lan tỏa theo y học cổ truyền

2.1. Điều trị bướu giáp lan tỏa lành tính

Thành phần:

  • 50g rong biển
  • 100g gạo tẻ

Thực hiện:

  • Gạo tẻ vo sạch cho vào nồi 1 lít nước. Rong biển rửa sạch và thái nhỏ, cho vào nồi nấu cháo.
  • Để lửa to cho tới khi sôi thì giảm lửa, nấu nhừ.
  • Thêm vào chút muối cho vừa ăn.

Cách sử dụng: Ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối

Lưu ý:

  • Để ngăn ngừa bướu giáp lành tính, cần ăn những thực phẩm giàu iốt như: cá biển, rau cải xoong, rau dền, khoai tây…
  • Để giữ được iốt khi chế biến món ăn, chỉ nêm muối vào thức ăn khi vừa tắt bếp
  • Muối iốt không nên phơi nắng, rang nóng hoặc để trên gác bếp sẽ làm giảm tác dụng. Muối iốt đựng trong túi nilon nhỏ hàn kín để nơi khô ráo và không dự trữ quá 6 tháng.
  • Bắp cải chứa một hàm lượng nhỏ goitrin, có tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại là tác nhân gây bướu cổ. Vì vậy, người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải, hoặc ăn lượng vừa phải và phải chế biến kỹ

2.2. Điều trị bướu giáp lan tỏa nhiễm độc

Phù tuyến giáp đơn thuần được gọi là khí ảnh (bướu khí). Cường tăng tuyến giáp được gọi là nhục ảnh (bướu thịt).

Bệnh thuộc can khí uất trệ tân dịch không vận hành được, ngưng kết thành đờm, khí trệ lâu ngày dẫn đến huyết ứ, khí đờm ứ lại tập trung ở cổ tạo thành bướu cổ. Phép trị theo Đông y là hóa đờm nhuyễn kiên là chính, hỗ trợ ích khí dưỡng âm hóa ứ.

Một số bài thuốc sau đây có thể chữa bướu giáp lan tỏa nhiễm độc. 

Bài 1.

Toàn chân ích khí thang gia giảm:

  • 4g nhân sâm 
  • 8g mạch môn
  • 8g ngũ vị tử
  • 6g thục địa
  • 4g bạch truật 
  • 4g ngưu tất
  • 2g phụ tử chế 

Chủ trị:

  • Bướu cổ sưng to có cảm giác đè ép lưỡi khi nói
  • Thở ngắn
  • Mặt hơi phù
  • Lưỡi hơi đỏ
  • Mạch huyền hoãn

Nguyên nhân do âm dương bất hòa nên phép trị phải phù dưỡng âm như trên.

Bài 2.

Nhị trần thang gia vị:

  • 15g bán hạ
  • 12g phục linh 
  • 10g trần bì
  • 15g côn bố
  • 15g hải tảo
  • 4g bạch giới tử
  • 5g sinh cam thảo
  • Sắc uống ngày 1 thang.

Chủ trị bướu cổ, tim đập hồi hộp, yếu mệt tự ra mồ hôi, chóng đói, gầy, tay run, mắt hơi lồi.

Nguyên nhân do đờm kết ở cổ, hỏa bốc lên trên, đờm hỏa quấy rối gây nóng gắt, dễ đói, gầy.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top