✴️ Các triệu chứng của estrogen cao là gì?

Estrogen là một loại hormone sinh dục có vai trò thiết yếu đối với cơ thể. Mức độ bất thường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra nhiều vấn đề khác nhau. Ví dụ, nồng độ estrogen cao có thể gây tăng cân, tâm trạng thấp và hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) nghiêm trọng ở phụ nữ.

Estrogen cũng có ở nam giới nhưng với số lượng nhỏ hơn nhiều so với nữ giới. Mức độ estrogen vượt quá ngưỡng bình thường có thể gây rối loạn cương dương.

Mức estrogen tăng và giảm ở một mức độ nhất định là điều bình thường, nhưng sẽ là nghiêm trọng nếu mức độ này luôn tăng cao.

 

Các triệu chứng của nồng độ estrogen cao

Mức độ estrogen cao ảnh hưởng đến nam và nữ khác nhau.

Phụ nữ

Ở phụ nữ, có quá nhiều estrogen có thể gây ra các tình trạng như:

  • Tăng cân, đặc biệt là tích tụ mỡ quanh bụng và eo.
  • Kinh nguyệt không đều
  • Hội chứng tiền kinh nguyệt rõ ràng hơn bình thường
  • Mệt mỏi
  • U xơ tử cung
  • Xơ tuyến vú
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Tâm trạng thấp hoặc cảm thấy lo lắng

Các triệu chứng khác có thể xảy ra bao gồm:

  • Đầy hơi
  • Đau đầu
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Rụng tóc

Nam giới

Ở nam giới, việc có quá nhiều estrogen có thể gây ra:

  • Nữ hóa tuyến vú
  • Rối loạn cương dương
  • Vô sinh

Theo một nghiên cứu năm 2018 về estrogen và ảnh hưởng của nó đối với cơ thể

Estrogen là một loại hormone quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển tình dục của nam và nữ.

Loại hormone này giúp điều chỉnh mức cholesterol, duy trì sức khỏe của xương và ảnh hưởng đến tâm trạng. Ở nữ giới, hormone này cũng ảnh hưởng đến tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh.

Có ba loại estrogen chính:

Estradiol: Đây là dạng estrogen mạnh nhất và nồng độ cao nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các bác sĩ sử dụng dạng estrogen này như một chất giúp đánh giá sức khỏe buồng trứng.

Estrone: Là loại estrogen chính ở nam giới. Đây cũng là dạng estrogen chính của phụ nữ sau khi mãn kinh. Buồng trứng, nhau thai, tinh hoàn và mô mỡ sản xuất estrone từ androstenedione hoặc androgen.

Estriol: Nhau thai tạo ra loại estrogen này, loại estrogen này đạt đến mức cao nhất trong thời kỳ mang thai và tăng dần theo tuổi thai.

Khi mức độ estrogen tăng hoặc giảm có thể ảnh hưởng đến nhiều khu vực của cơ thể, bao gồm hệ thống sinh sản, da, tóc, xương, cơ, não và mô vú. Biến động hormone này cũng có thể gây ra những tác động này ở nam giới.

 

Nguyên nhân nào gây ra sự gia tăng estrogen?

Có nhiều nguyên nhân gây ra sự gia tăng estrogen bao gồm:

  • Cơ thể sản xuất quá mức estrogen
  • Rối loạn chuyển hóa estrogen
  • Thay đổi trong quá trình bài tiết estrogen

Bất kỳ điều nào ở trên đều có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố. Ở phụ nữ, sự lấn át của estrogen xảy ra khi lượng estrogen cao so với lượng progesterone trong cơ thể (progesterone là một trong những hormone sinh dục nữ chính khác).

Nhiều yếu tố có thể góp phần vào sự lất át của estrogen, bao gồm:

Béo phì: Thừa cân có thể dẫn đến lượng estrogen cao hơn do thực tế là các mô mỡ sản xuất estrone.

Căng thẳng: Căng thẳng làm tăng mức cortisol. Khi mức cortisol duy trì ở mức cao liên tục, hormone này có thể làm suy giảm mức progesterone, có thể có tác động kích thích estrogen.

Uống rượu: Uống rượu quá mức làm tăng nồng độ estradiol và khiến cơ thể khó chuyển hóa estrogen hơn.

Rối loạn hệ khuẩn đường ruột (Dysbiosis): Rối loạn vi khuẩn đường ruột xảy ra khi có quá nhiều loài vi khuẩn có hại hoặc không có đủ loài có lợi trong ruột già. Một số loại vi khuẩn đường ruột có thể làm giảm khả năng cơ thể loại bỏ lượng estrogen dư thừa, dẫn đến mức độ cao hơn trong cơ thể.

Tiếp xúc với xenoestrogen: Những hóa chất này có cơ chế hoạt động tương tự estrogen nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Ví dụ như bisphenol A (BPA) và phthalates, có trong một số loại nhựa. Phthalates cũng có trong một số sản phẩm chăm sóc cá nhân, chẳng hạn như xà phòng và dầu gội đầu.

Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng estrogen hoặc ức chế progesterone.

Tình trạng sức khỏe: Một số tình trạng sức khỏe có liên quan hoặc dẫn đến sự lấn át của estrogen bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung và một số bệnh ung thư. Kháng insulin cũng làm tăng nồng độ estrogen.

Ở nam giới, estrogen cũng có thể trở nên cao so với lượng testosterone trong cơ thể nếu mức testosterone trở nên thấp.

Nguyên nhân nào gây ra sự gia tăng estrogen

 

Các biến chứng của nồng độ estrogen cao

Nếu một người thường xuyên có lượng estrogen cao trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số các tình trạng như:

  • Huyết áp cao
  • Huyết khối
  • Hạ canxi huyết
  • Ung thư vú
  • Ung thư cổ tử cung

Estrogen cao cũng có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng đã có từ trước, chẳng hạn như hen suyễn hoặc động kinh.

Một nghiên cứu năm 2017 ở Hàn Quốc đã phát hiện ra mối liên quan giữa mức độ cao của estriol tự do và sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

 

Chẩn đoán và kiểm tra nồng độ estrogen

Ở những phụ nữ có dấu hiệu lấn át estrogen, các xét nghiệm chẩn đoán có thể không cần thiết để chứng minh rằng tỷ lệ estrogen bị mất cân bằng. Lý do cho điều này là nhiều khuyến nghị mà bác sĩ có thể đưa ra để giảm mức độ estrogen thường có lợi cho sức khỏe tổng thể và không có khả năng gây hại.

Tuy nhiên, nếu một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể gây ra mức độ estrogen cao, bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm để xác định xem có sự mất cân bằng hay không và xác nhận nguyên nhân cơ bản. Ngoài ra cũng cần theo dõi nồng độ estriol ở những thai kỳ có nguy cơ cao.

Ở phụ nữ, bác sĩ có thể kiểm tra cả ba loại estrogen thông qua xét nghiệm máu trong khi ở nam giới là estradiol và estrone.

 

Điều trị estrogen cao

Việc điều trị estrogen cao phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Đối với sự lấn ats của estrogen mà không phải do tình trạng bệnh lý cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống để giảm mức độ. Một số khuyến nghị bao gồm:

  • Ăn một chế độ ăn uống chống viêm hoặc ăn chay
  • Ăn nhiều đậu nành, hạt lanh và các loại rau họ cải, chẳng hạn như bông cải xanh và cải xoăn
  • Bổ sung nhiều axit béo omega-3 hơn trong chế độ ăn
  • Duy trì cân nặng vừa phải
  • Giảm căng thẳng
  • Hạn chế hoặc ngừng uống rượu
  • Tránh xenoestrogens, chẳng hạn như BPA trong nhựa
  • Tránh bất kỳ biện pháp tự nhiên hoặc thảo dược nào có thể làm tăng estrogen

Nếu estrogen cao có thể do thuốc hoặc chất bổ sung, có thể nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn thay thế. Điều quan trọng là không bao giờ thay đổi liều lượng của thuốc hoặc ngừng dùng thuốc mà không hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước.

Nếu có estrogen cao và nhận thấy rằng cần phải giảm mức độ để tránh tổn thương cơ thể về lâu dài, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế aromatase. Aromatase là một loại enzyme mà cơ thể sử dụng để giúp chuyển đổi nội tiết tố androgen thành estrogen.

Các bác sĩ cũng có thể kê đơn một dạng hormone giải phóng hormone luteinizing tổng hợp (LHRH) để ngăn chặn tín hiệu bắt đầu sản xuất estrogen trong buồng trứng. LHRH được chỉ định nếu estrogen đang làm trầm trọng thêm tình trạng có thể đe dọa tính mạng, chẳng hạn như ung thư vú di căn.

 

Tóm lược

Mức độ estrogen cao có thể gây ra các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, tăng cân, mệt mỏi và u xơ tử cung ở phụ nữ. Ở nam giới, chúng có thể gây ra sự phát triển mô vú, rối loạn cương dương và vô sinh.

Bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ estrogen cao bằng cách xem xét bệnh sử và trong một số trường hợp, thực hiện xét nghiệm máu. Khi đã biết nguyên nhân, bác sĩ có thể đưa ra các phương án điều trị tốt nhất. Nguyên nhân của nồng độ estrogen cao sẽ xác định các lựa chọn điều trị.

Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống có thể làm giảm lượng estrogen mà cơ thể sản xuất hoặc tăng lượng estrogen phân hủy và bài tiết. Tuy nhiên, bất kỳ ai có các triệu chứng kéo dài hoặc đáng lo ngại nên nói chuyện với chuyên gia y tế.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top