Bạn cần biết về những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Tầm vóc và sự tăng trưởng chiều cao của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi:

  • Gen di truyền

  • Thói quen ăn uống

  • Giấc ngủ

  • Hoạt động của tuyến nội tiết

  • Có hay không có bệnh mãn tính

Mỗi trẻ có tốc độ lớn khác nhau, các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõi tốc độ tăng trưởng của con mình với sự hỗ trợ từ bác sỹ dinh dưỡng và nhi khoa. Nếu việc này bị lơ là, cha mẹ có thể không phát hiện được những rối loạn phát triển của trẻ. Những rối loạn phát triển có thể ngăn cản trẻ đạt tới mức chiều cao và cân nặng tối ưu. Nó cũng có thể ảnh hưởng cả đến khía cạnh tinh thần, thể chất hay phát triển cảm xúc của trẻ.

 

Phân loại rối loạn phát triển ở trẻ em:

- Hội chứng ngừng tăng trưởng:

Hội chứng ngừng tăng trưởng không phải là một rối loạn phát triển. Đây là một thuật ngữ được sử dụng cho những trẻ có cân nặng hay tốc độ tăng cân thấp hơn đáng kể so với những trẻ ở cùng độ tuổi và giới tính.

Nguyên nhân:

  • Các vấn đề về ăn uống

  • Bệnh tật, nghèo đói

  • Suy dinh dưỡng

  • .....

Bất kể nguyên nhân là gì, tất cả trẻ em mắc hội chứng ngừng tăng trưởng đều có nguy cơ dẫn đến quá trình tăng trưởng bị chậm hay đình trệ.

- Lùn

Lùn không phải là một rối loạn phát triển. Nó dùng để chỉ những trẻ em có chiều cao hay tốc độ gia tăng chiều cao thấp hơn hẳn so với những trẻ khác ở cùng độ tuổi và giới tính.

Chứng lùn cũng có nguyên nhân tương tự như hội chứng ngừng tăng trưởng. Nguyên nhân chủ yếu là do gen chứ không phải do bệnh tật. Một số trẻ tuy lớn chậm hơn nhưng tuổi ngừng lớn của trẻ lại muộn hơn, do vậy trẻ vẫn đạt tới mức chiều cao bình thường. Những trẻ khác bị lùn chỉ đơn giản là do di truyền chiều cao từ cha mẹ.

Những trẻ với chiều cao khiêm tốn có thể không ăn được nhiều như cha mẹ mong muốn cho đến giai đoạn phát triển nhanh. Do vậy, việc ép buộc trẻ ăn quá nhiều có thể chỉ làm trẻ tăng cân chứ không phải chiều cao.

- Các bệnh nội tiết

Hệ nội tiết là hệ thống truyền những tín hiệu hóa học trong cơ thể. Nó có vai trò vận chuyển hormon để thực hiện nhiều chức năng. Những hormon này giúp điều hòa những quá trình xảy ra trong cơ thể, bao gồm cả tăng trưởng. Do vậy khi có rối loạn về hệ nội tiết, sự tăng trưởng có thể bị đình trệ.

Các rối loạn về nội tiết bao gồm:

  • Thiếu hụt hormon tăng trưởng: Căn bệnh hiếm gặp này xảy ra khi một đứa trẻ không có hoặc có ít hormon tăng trưởng. Hormon tăng trưởng được tiết ra bởi tuyến yên. Nó có khả năng kích thích tăng trưởng thông qua các tương tác hóa học trong cơ thể. Nếu không có hay không đủ hormon này, sự phát triển chiều cao sẽ bị chậm lại hay bị ngừng hoàn toàn.

  • Thiếu hormon tuyến giáp: nguyên nhân là do mức nồng độ hormon thyroid tuyến giáp trong máu quá thấp. Nếu hormon này không tiết đủ, trẻ nhỏ có thể bị chậm phát triển về não bộ. Những trẻ lớn có thể có tốc độ sinh trưởng và chuyển hóa chậm hơn.

  • Hội chứng Turner: Lùn là dấu hiệu khá điển hình đối với những trẻ em nữ bị mắc hội chứng Turner. Hội chứng này là do bộ nhiễm sắc thể của nữ bị mất đi một NST X. Trẻ nữ mắc hội chứng Turner không có khả năng sinh sản do buồng trứng không phát triển hoàn thiện. Chúng cũng gặp  phải những dấu hiệu về mặt thể chất khác.

 

Dấu hiệu và triệu chứng của trẻ gặp phải những vấn đề về phát triển

Trẻ thường được chẩn đoán có những vấn đề về phát triển nếu tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng chậm hơn mức bình thường.

Các nguyên nhân khác

  • Các bệnh tật và chế độ dinh dưỡng luôn là nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng.

  • Các bệnh nghiêm trọng tại não bộ, tim, thận hay phổi

  • Bệnh viêm ruột

  • Bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down

  • Hội chứng cushing (nồng độ cortisol bất thường)

  • Hội chứng hiếm về gen

 

Các bác sỹ có thể giúp trẻ bằng cách nào

Bác sỹ có thể giúp thường xuyên theo dõi sự tăng trưởng ở trẻ và đưa ra những đánh giá phù hợp bao gồm:

- Đo chiều cao khi trẻ nằm từ lúc mới sinh cho tới 2 tuổi

- Đo chiều cao khi trẻ đứng đối với trẻ trên 2 tuổi

- Kiểm tra cân nặng

- Kiểm tra một số chỉ số khác như vòng đầu, vòng cánh tay...

Nếu chỉ sử dụng chỉ số cân nặng thì sẽ không thực sự hữu dụng. Do nó không thể giúp phân biệt giữa một trẻ cao gầy với một trẻ béo phì. Trẻ bị ngừng tăng trưởng hay tăng trưởng chậm cần được thực hiện những đánh giá khác để xác định nguyên nhân. 

 

Điều trị

Nếu trẻ được chẩn đoán mắc một căn bệnh nào đó, những lựa chọn điều trị tương ứng sẽ được thực hiện để làm tăng chiều cao cho trẻ. Các vấn đề về tăng trưởng liên quan đến nội tiết như hormon tuyến giáp thấp có thể được xử lý bằng liệu pháp thay thế hormon. Việc tiêm hormon tăng trưởng cũng thường được tiến hành trên những trẻ thiếu hụt hormon này như trẻ mắc hội chứng Turner. Tuy nhiên các bác sỹ và các bậc cha mẹ cần hết sức cân nhắc khi sử dụng liệu pháp hormon. Không được lạm dụng trong chẩn đoán và điều trị vì hormon có ảnh hưởng đến các vấn đề khác hay không ở trẻ sau khi điều trị hoặc khi đã trưởng thành vẫn là một câu hỏi và vẫn đang là chủ đề tranh luận giữa các nhà khoa học. Chúng ta cần lưu ý là ở phần lớn các trẻ chậm tăng trưởng, nguyên nhân từ dinh dưỡng là nguyên nhân quan trọng nhất và sẽ được hiệu chỉnh với sự tư vấn của các bác sỹ dinh dưỡng nhằm đảm bảo tăng trưởng chiều cao một cách an toàn và bền vững.

 

Vai trò của các bậc cha mẹ

Hãy theo dõi và ghi lại mức cân nặng của trẻ vào các thời điểm sau:

- Ngay khi trẻ vừa được sinh ra

- Kiểm tra cân nặng hàng tháng trong 2 năm đầu đời.

- Kiểm tra cân nặng ít nhất 4 lần/năm khi trẻ từ 3 – 6 tuổi

- Thanh và thiếu niên cũng nên đo các chỉ số về chiều cao và cân nặng 1 lần/năm.

Cha mẹ cần phải bồi đắp cho trẻ lòng tự trọng và niềm tin vào bản thân. Sự tin tưởng ngày càng tăng vào các giá trị của bản thân cũng sẽ được phát triển từ các kỹ năng và hoạt động.

Ngoài ra một điều quan trọng nữa là hãy luôn trao đổi với con bạn cách tốt nhất để có thể trò chuyện và đối phó với những người luôn chê bai về tầm vóc thấp bé của trẻ.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sỹ

Tất cả các bậc cha mẹ nên thường xuyên đưa trẻ đi khám định kỳ hàng năm. Nếu bạn phát hiện thấy những dấu hiệu hay triệu chứng cho thấy trẻ đang phát triển một cách bất thường, hãy đưa trẻ đến khám bác sỹ ngay. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top