1. Biến chứng mạch máu lớn ở người đái tháo đường có những biểu hiện gì?
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu có thể giúp ngăn ngừa biến chứng mạch máu lớn như bệnh về động mạch vành, động mạch ngoại biên hay mạch máu não và biến chứng mạch máu nhỏ như các bệnh về võng mạc, bệnh thận hay một số bệnh về thần kinh. Trên thực tế nhiều trường hợp bị đột quỵ là do biến chứng mạch máu lớn của bệnh đái tháo đường, hoặc do biến chứng bệnh đái tháo đường kết hợp với bệnh tăng huyết áp gây ra.
Nếu không kiểm soát tốt, bệnh đái tháo đường có thể gây biến chứng mạch máu lớn
Khi lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao sẽ làm tăng tính kết dính ở thành mạch máu khiến cho tiểu cầu có xu hướng tích tụ lại ở vùng mạch máu bị tổn thương và đồng thời các sợi fibrin cũng tồn tại lâu hơn, từ đó làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch ở người đái tháo đường. Do đó, biến chứng mạch máu lớn ở người đái tháo đường là biến chứng khá thường gặp.
Một số triệu chứng mà bệnh nhân có thể gặp phải bao gồm:
- Đối với những trường hợp bệnh nhân bị đái tháo đường và kèm theo bệnh mạch vành sẽ xuất hiện một số biểu hiện như đau thắt ngực (ổn định hoặc không ổn định), rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim. Thời gian đầu, một số trường hợp đã xảy ra biến chứng nhưng ở mức độ nhẹ nên bệnh nhân khó có thể nhận biết triệu chứng.
Đau thắt ngực là một trong những dấu hiệu cảnh báo biến chứng bệnh
- Đối với những trường hợp bị đái tháo đường xảy ra biến chứng về các bệnh mạch máu não, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như biểu hiện khiếm khuyết thần kinh khu trú diễn ra đột ngột (bao gồm tình trạng méo miệng hoặc yếu, kiệt tay chân một bên cơ thể). Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có biểu hiện chóng mặt, thay đổi dáng đi.
- Đối với những trường hợp bị đái tháo đường xảy ra biến chứng về các bệnh mạch máu máu ngoại vi, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như đau chân, nhất là khi bệnh nhân đi lại nhiều hoặc gắng sức làm việc, loét đầu chi do thiếu máu cục bộ.
Ngoài biến chứng mạch máu lớn, bệnh đái tháo đường còn có thể ảnh hưởng và gây ra nhiều biến chứng ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể, chẳng hạn như:
+ Biến chứng ở da chẳng hạn như nhiễm khuẩn ngoài da, mụn nhọt, tình trạng khô da và ngứa da, da vàng, bệnh bạch biến, u mỡ vàng, u hạt vòng, bệnh gai đen, phỏng nước,…
+ Biến chứng ở mắt ở bệnh nhân đái tháo đường: Nếu không được kiểm soát lượng đường trong máu, mao mạch của bệnh nhân dễ bị tắc khiến lượng máu nuôi dưỡng võng mạc giảm, sinh ra các mạch máu bất thường và có nguy cơ vỡ và chảy máu mắt khiến mắt bị mờ đột ngột.
+ Tổn thương về thần kinh: Đây là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Tình trạng đường huyết tăng cao và kéo dài ở người bệnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tất cả các dây thần kinh trong cơ thể, nhất là dây thần kinh ở chi trên và chi dưới. Biến chứng về thần kinh ít xảy ra tử vong nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phải cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường.
+ Biến chứng ở thận: Bệnh đái tháo đường có thể gây suy giảm chức năng thận và thậm chí khiến thận mất khả năng lọc chất thải từ máu.
2. Phải làm sao để phòng tránh biến chứng mạch máu lớn ở người đái tháo đường?
Để phòng tránh các biến chứng mạch máu lớn ở người đái tháo đường, bệnh nhân cần kết hợp nhiều phương pháp bao gồm tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về thời gian và liều lượng thuốc, chủ động kiểm soát chế độ ăn hàng ngày, bỏ bia rượu, thường xuyên tập luyện thể thao, thường xuyên theo dõi đường huyết, huyết áp và mỡ máu, lắng nghe cơ thể và chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo biến chứng. Cụ thể như sau:
- Bệnh nhân cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ để các bác sĩ có thể đánh giá được hiệu quả của thuốc, điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp và giúp người bệnh hạn chế nguy cơ biến chứng.
Bệnh nhân đái tháo đường cần áp dụng chế độ ăn uống hợp lý
- Kiểm soát chế độ ăn hằng ngày: Chế độ ăn rất quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường. Nếu không áp dụng chế độ ăn hợp lý, tình trạng bệnh sẽ tiến triển rất nhanh. Nhưng nếu duy trì chế độ ăn khoa học, sức khỏe của người bệnh sẽ được cải thiện đáng kể. Cụ thể bệnh nhân đái tháo đường nên giảm tinh bột, đường trong các loại thực phẩm như gạo, đường sữa, đường mía. Hạn chế ăn muối và các loại thịt đỏ. Nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất xơ, như trái cây và rau củ và nên chế biến dưới dạng luộc hoặc hấp.
- Tăng cường tập luyện thể dục để giảm cân, giảm đường huyết và ngăn ngừa biến chứng. Người bệnh chỉ cần tập luyện khoảng 30 phút mỗi ngày cũng có thể nhận được những lợi ích rất tích cực.
Tăng cường tập luyện để kiểm soát tốt lượng đường trong máu
- Bỏ rượu bia: Loại đồ uống này không những khiến đường huyết của bạn tăng mà còn làm giảm tác dụng của một số thuốc điều trị.
- Khi có dấu hiệu như đau ngực, khó thở, giảm thị lực, tiểu nhiều lần, tê bì chân tay,… bệnh nhân không nên chủ quan mà nên đi khám sớm vì đây chính là một số triệu chứng cảnh báo biến chứng bệnh đái tháo đường.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh