Nhiều người bị bệnh tiểu đường có vết thương chậm lành, thậm chí nhiễm trùng nặng hoặc không bao giờ lành. Nguyên nhân là do đường huyết tăng cao kèm theo suy giảm miễn dịch, các rối loạn cảm giác do biến chứng thần kinh ngoại biên và thiểu dưỡng do tổn thương mạch máu…
Vết thương ở người tiểu đường cũng thường được phát hiện muộn ở giai đoạn tổn thương nặng. Điều này càng khiến việc điều trị khó càng thêm khó. Chỉ 1 vết thương nhỏ ở người tiểu đường cũng có thể nhiễm trùng và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như loét hoại tử, cắt cụt chi…
Nhiễm trùng tại vết thương có thể lan đến mô và xương xung quanh hoặc các vùng xa hơn của cơ thể. Trong một số trường hợp, nếu không được chăm sóc cấp cứu, nhiễm trùng sẽ đe dọa tính mạng hoặc thậm chí gây tử vong.
Ngay cả khi nhiễm trùng không phát triển, việc chữa lành chậm vết thương cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vết cắt hoặc chấn thương ở chân hoặc bàn chân sẽ khiến việc đi lại hoặc vận động trở nên khó khăn.
Điều may mắn là, việc chăm sóc vết thương cho người tiểu đường đúng cách giúp giảm thiểu tối đa tình trạng tàn phế và các biến chứng nhiễm trùng toàn thân khác.
Cách chăm sóc vết thương cho người bị tiểu đường sẽ thay đổi tùy thuộc vào việc vết thương đó đang ở cấp độ, giai đoạn và loại nhiễm trùng nào.
Dựa vào mức độ tổn thương nông sâu có thể phân loại vết thương ở người tiểu đường thành 4 cấp độ:
Dựa theo giai đoạn tiến triển, người ta vết thương ở người tiểu đường thành 4 giai đoạn:
Dựa vào nguyên nhân gây ra hoại tử, có thể phân vết thương ở người tiểu đường làm 2 loại: hoại tử khô và hoại tử ướt.
Với riêng vết thương ở bàn chân người tiểu đường, bảng phân độ Wagner thường được bác sĩ sử dụng trên lâm sàng để phân loại vết thương:
Bước 1 – Rửa vết thương: Rửa sạch vết thương bằng nước sạch, povidon iod 10% hoặc nước muối sinh lý. Rửa từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Thấm khô bằng bông sạch. Nếu vết thương có chảy máu thì sau khi loại bỏ vật gây tổn thương bằng dụng cụ vô khuẩn thì băng vết thương cầm máu. Tuyệt đối không tự ý sử dụng nước oxy già để rửa vết thương.
Bước 2 – Bôi thuốc: Có thể sử dụng các loại thuốc kháng khuẩn dạng mỡ. Bôi 1 lớp mỏng phủ kín diện vết thương. Nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
Bước 3 – Băng vết thương: Với các vết thương rộng nên lựa chọn các loại gạc mỡ để băng vết thương, vừa giúp vết thương nhanh lành vừa tránh đau đớn và tổn thương thêm khi thay băng.
Bước 4 – Thay băng khoảng 2 lần/ngày tùy theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc khi nhận thấy phần băng ngoài vết thương bị thấm dịch , vương bẩn.
Với những vết thương sâu và/hoặc nhiễm trùng, loét, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được các nhân viên y tế chăm sóc vết thương đúng cách và nhanh chóng.
Tại bệnh viện, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh điều trị loét và phòng tránh nhiễm trùng như Cephalexin, dicloxacillin, amoxicillin-clavulanate, đổi thuốc tiểu đường từ thuốc uống sang thuốc tiêm insulin. Một số các phương pháp sử dụng công nghệ mới (sử dụng áp lực âm NPWT, ghép/thay da sinh học…) cũng có thể được áp dụng. Thực tế, các công nghệ này đã giúp vết thương vết loét nhanh lành hơn và giảm đáng kể tỷ lệ cắt chi ở bệnh nhân tiểu đường.
Đầu tiên, người bệnh cần theo dõi tình trạng và tốc độ lành vết thương thường xuyên. Nếu thấy vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng (bờ rìa vết thương tấy đỏ, bên trong có mủ) hoặc mãi không lành, cần đến bệnh viện khám ngay.
Thứ hai, tuyệt đối không tự ý rắc bột thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc lá, sản phẩm không rõ tác dụng lên vết thương. Điều này không giúp vết thương lành nhanh hơn mà còn gây bí, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công sâu hơn vùng mô lành phía trong.
Thứ ba, giữ cho vùng băng vết thương sạch sẽ, tránh nước và không gây áp lực lớn lên vị trí bị tổn thương. Bạn có thể cân nhắc dùng giày chuyên dụng, nạng hoặc xe lăn để giảm áp lực lên vết thương.
Thứ tư, duy trì chế độ ăn khoa học, dùng thuốc theo đơn, bỏ hút thuốc lá để kiểm soát đường huyết và ngăn không cho mạch máu, thần kinh tổn thương nhiều hơn. Ngoài các thực phẩm chứa ít tinh bột, nhiều vitamin, chất xơ, bạn nên bổ sung thêm các loại chất béo, chất đạm tốt. Bởi đây là nguồn dinh dưỡng cho quá trình lành vết thương. Các chất béo, chất đạm tốt bao gồm cá, thịt gia cầm bỏ da, các loại hạt, dầu thực vật, trái bơ.
Có những vết thương ngoài da là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng chỉ cần biết cách chăm sóc vết thương cho người tiểu đường, chắc chắn bạn sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ đoạn chi, tàn phế.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh