✴️ Cường cận giáp

Nội dung

Phân loại và nguyên nhân của cường cận giáp

Có ba loại cường cận giáp, đó là:

Cường cận giáp nguyên phát

Loại cường cận giáp này xảy ra khi một hoặc nhiều tuyến cận giáp hoạt động quá mức, dẫn đến quá nhiều hormone tuyến cận giáp, làm cho lượng canxi trong cơ thể trở nên quá cao.

Trong một số trường hợp, nguyên nhân của cường giáp nguyên phát có thể là sự xuất hiện của khối u khối u trên một hoặc nhiều tuyến.

Cường cận giáp thứ phát

Cường cận giáp thứ phát không xảy ra do vấn đề với tuyến cận giáp. Thay vào đó, một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn - chẳng hạn như bệnh thận hoặc mức vitamin D thấp - khiến lượng canxi trong cơ thể giảm xuống. Điều này kích hoạt các tuyến cận giáp bắt đầu giải phóng thêm hormone tuyến cận giáp.

Cường cận giáp cấp ba

Tình trạng này xảy ra khi một người bị cường cận giáp thứ phát lâu ngày, thường xảy ra ở những người có các bệnh lý về thận.

Các triệu chứng của cường cận giáp nguyên phát và thứ phát

Các triệu chứng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng và tùy thuộc vào loại cường cận giáp mắc phải.

Cường cận giáp nguyên phát

Ban đầu, những người bị cường cận giáp nguyên phát thường không hoặc có rất ít các triệu chứng. Tuy nhiên, theo thời gian, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng do lượng canxi trong cơ thể quá cao. Các triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Thường xuyên khát
  • Mệt mỏi
  • Tăng tần suất đi tiểu
  • Táo bón
  • Suy giảm trí nhớ
  • Cảm thấy hồi hộp, hoang mang
  • Buồn nôn
  • Đau đầu.

Cường cận giáp thứ phát

Theo National Kidney Foundation (Hoa Kỳ), cường cận giáp thứ phát có thể gây ra các vấn đề ở xương do những người bị cường cận giáp thứ phát thường có chu chuyển xương cao.

Tình trạng này xảy ra khi các tế bào loại bỏ xương hoạt động nhanh hơn các tế bào tạo xương mới. Điều này có thể làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy, dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.

Hậu quả là người bị cường cận giáp thứ phát có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Các vấn đề ở xương
  • Ngứa da
  • Vết thương hở không lành

Một số người bị cường cận giáp thứ phát có thể bị rối loạn nhịp tim.

Hội chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da (calciphylaxis) đề cập đến sự tích tụ canxi trong cơ thể, có thể gây ra các chất cặn giống như phấn hình thành trong các mạch máu của da. Tình trạng này có thể thu hẹp các mạch máu và giảm tưới máu cho da và mô mỡ. Kết quả là có thể dẫn đến đông máu, loét da, nhiễm trùng và hoại tử da.

Chẩn đoán cường cận giáp

Do sự khác biệt về nguyên nhân cơ bản, mỗi loại cường cận giáp có thể cần các xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán.

Cường cận giáp nguyên phát

Có thể chẩn đoán cường cận giáp nguyên phát bằng xét nghiệm máu để tìm kiếm sự bất thường trong nồng độ canxi trong máu và hormone tuyến cận giáp.

Thông thường, người bị cường cận giáp nguyên phát sẽ có nồng độ Canxi tăng lên.

Cường cận giáp thứ phát

Bác sĩ cũng có thể sử dụng xét nghiệm máu để chẩn đoán cường cận giáp thứ phát. Người bị cường cận giáp thứ phát cũng có thể cần xét nghiệm nước tiểu và chức năng thận để đánh giá mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của tình trạng này.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện kỹ thuật chụp X-quang đo mật độ xương (DEXA), để đánh giá các tình trạng ở xương.

Khi nào đến gặp bác sĩ

Cường cận giáp thứ phát có thể là liên quan tới các bệnh về thận. Vì lý do này, nên nói chuyện với bác sĩ nếu bị sỏi thận, viêm thận hoặc nhiễm trùng thận.

Nên cân nhắc nói chuyện với bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Khó ngủ
  • Chuột rút cơ bắp
  • Khó thở
  • Sưng phù vùng mắt cá chân, bàn chân hoặc bàn tay.

Phương pháp điều trị

Việc điều trị cường cận giáp cũng sẽ phụ thuộc vào loại cường cận giáp mắc phải và sức khỏe tổng thể của từng người:

Cường cận giáp nguyên phát

Điều trị cường cận giáp nguyên phát có thể bao gồm:

Phẫu thuật: Nếu nguyên nhân của cường cận giáp nguyên phát do khối u, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ khối u này. Ngoài ra, nếu nguyên nhân là do các tuyến trở nên phì đại, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ chúng.

Sử dụng thuốc Calcimimetics: Loại thuốc này làm giảm nồng độ canxi và hormone tuyến cận giáp, thường áp dụng với những bệnh nhân không phù hợp để thực hiện phẫu thuật.

Bổ sung vitamin D: Những người bị cường cận giáp nguyên phát có biểu hiện thiếu vitamin D. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể kê đơn các chất bổ sung để giúp tăng mức vitamin D.

Thuốc Bisphosphonates: Bisphosphonates là một loại thuốc làm giảm quá trình mất xương và tăng mật độ khoáng của xương.

Cường cận giáp thứ phát

Điều trị của cường cận giáp thứ phát cũng bao gồm bổ sung vitamin D và thuốc calcimimetics. Tuy nhiên, người bệnh có thể cần sử dụng thêm thuốc nhằm giảm sự hấp thụ phốt phát trong chế độ ăn, do những người có vấn đề về thận có thể bị tăng lượng phốt phát trong cơ thể.

Một số loại thực phẩm giàu vitamin D có thể bổ sung thêm trong chế độ ăn hàng ngày như:

  • Cá hồi, cá thu
  • Sữa nguyên chất, sữa chua

Người bị cường cận giáp cũng nên áp dụng một số biện pháp như:

Uống nhiều nước: Giúp giảm nguy cơ phát triển sỏi thận.

Tập thể dục thường xuyên: Điều này có thể giúp tăng cường sức mạnh của xương.

Ngừng hoặc giảm hút thuốc: Hút thuốc có thể làm giảm khối lượng xương.

Các yếu tố nguy cơ

Bất kì ai cũng đều có nguy cơ mắc cường cận giáp. Tuy nhiên, một số nhóm có nguy cơ phát triển bệnh này cao hơn.

Một số yếu tố nguy cơ bao gồm:

Giới tính: Một số bằng chứng cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc tình trạng này cao gấp 3 lần nam giới.

Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu hụt vitamin D hoặc canxi có thể dẫn đến cường cận giáp thứ phát.

Một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến mức canxi. Ví dụ, lithium trong điều trị rối loạn lưỡng cực - có thể làm tăng nồng độ canxi trong máu và dẫn đến cường cận giáp nguyên phát.

Xạ trị: Những người được xạ trị để điều trị ung thư vùng cổ có thể phát triển cường cận giáp nguyên phát.

Tuổi tác: Mặc dù mọi lứa tuổi đều có thể bị cường cận giáp nguyên phát, nhưng phổ biến hơn ở những người trong độ tuổi từ 50 đến 60 tuổi.

Các biến chứng

Các loại cường cận giáp khác nhau có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau.

Cường cận giáp nguyên phát

Các chuyên gia lưu ý rằng các biến chứng có thể xảy ra của cường cận giáp nguyên phát có thể bao gồm:

  • Xương yếu, loãng xương
  • Sỏi thận
  • Bệnh tim
  • Huyết áp cao

Cường cận giáp thứ phát

Các biến chứng của cường cận giáp thứ phát có thể bao gồm:

  • Hội chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da
  • Gãy xương và các bất thường ở xương
  • Rối loạn chức năng miễn dịch
  • Suy nhược cơ bắp

Tổng kết

Trong hầu hết các trường hợp cường cận giáp nguyên phát, phẫu thuật có thể là chỉ định điều trị với mục đích giảm bớt các triệu chứng và cho phép người bệnh tiếp tục cuộc sống như bình thường.

Cường cận giáp thứ phát có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh do các biến chứng. Tuy nhiên, với việc điều trị, các triệu chứng có thể cải thiện và dễ quản lý hơn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top