1/ Glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/ dl (7,0 mmol /l).
Đói được định nghĩa là không ăn hay uống thực phẩm chứa calo ít nhất 8 giờ.
HOẶC
2/ Glucose huyết tương sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose ≥ 200 mg/dl (11,1 mmol/l).
Nghiệm pháp được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng một lượng glucose tương đương với 75 g glucose khan hòa tan trong nước.
HOẶC
3/ A1C ≥ 6,5 % (48 mmol/mol).
Xét nghiệm phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chứng nhận và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn xét nghiệm đạt yêu cầu.
HOẶC
4/ Trên những bệnh nhân có các triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết hay đường huyết tăng rất cao, đường huyết bất kì ≥ 200 mg/dl (11,1 mmol/l)
Bệnh nhân cần được xét nghiệm máu tại 2 thời điểm khác nhau. Không dùng xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán tiểu đường.
Phân loại đái tháo đường còn gọi là bệnh tiểu đường dựa theo khuyến cáo của ADA 2022:
Bệnh đái tháo đường hay tiểu đường có thể được phân chia thành các nhóm chung sau:
1.Đái tháo đường Type 1: do bệnh lý tự miễn phá hủy tế bào beta tụy, thường dẫn đến sự thiếu hụt insulin tuyệt đối, bao gồm bênh đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người trưởng thành LADA.
2.Đái tháo đường type 2: do việc khiếm khuyết tiết insulin tiến triển trên nền đề kháng insulin
3.Những thể đái tháo đường đặc hiệu do những nguyên nhân khác, như hội chứng đái tháo đường đơn gien (đái tháo đường sơ sinh, đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi), những bệnh lý tụy ngoại tiết (xơ hóa nang tụy, viêm tụy) và đái tháo đường do thuốc hay hóa chất (dùng glucocorticoid, trong điều trị HIV/AIDS, sau khi ghép tạng)
4.Đái tháo đường thai kỳ: đái tháo đường được chẩn đoán trong ba tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ khi chưa được chẩn đoán rõ ràng mắc đái tháo đường trước khi mang thai.
Diabetes Care 2022;45(Supplement_1):S17–S38