✴️ Hướng dẫn cách tiêm insulin vùng bụng cho người tiểu đường

Nội dung

1. Vì sao tiêm insulin vùng bụng?

Vị trí tiêm Insulin khác nhau có liên quan đến khả năng hấp thu insulin

Trên cơ thể, một số vị trí có thể tiêm insulin bao gồm: bắp tay, đùi, mông và vùng bụng. 

Trong số những vị trí trên thì tiêm insulin vùng bụng cách rốn 5cm là nơi có khả năng hấp thụ thuốc cao nhất (insulin đi vào máu nhanh nhất), và cũng là vị trí dễ tiếp cận, ít gây khó chịu. Do đó, đây là nơi được các bác sĩ và bệnh nhân thường lựa chọn. 

2. Hướng dẫn quy trình tiêm insulin vùng bụng

2.1 Lưu ý khi tiêm insulin vùng bụng

  • Làm sạch vùng da tại vị trí tiêm bằng cồn 70 độ. Đảm bảo lớp cơ dưới da hoàn toàn bình thường, điều này giúp cho insulin được hấp thu tốt nhất có thể. 
  • Nếu tiêm insulin từ 2 mũi trở lên trong một ngày, phải thay đổi vị trí liên tục. Không nên tiêm duy nhất tại vùng bụng, bạn có thể thay đổi tiêm tại cánh tay hoặc bắp đùi, vùng hông. 

2.2 Cách tiêm insulin bằng bơm tiêm

Hình ảnh minh họa tiêm insulin vùng bụng bằng bơm tiêm

  • Sát trùng vị trí tiêm tại vùng bụng bằng cồn 70 độ. Lưu ý là cách rốn 5cm.
  • Làm căng bề mặt da vùng sát trùng; đâm nhanh kim thẳng đứng vuông góc với mặt da (90°).
  • Dùng 2 ngón tay kẹp néo dùng da đã sát trùng, đâm kim tiêm đã một góc 45-90 độ với mặt da và từ từ đẩy thuốc vào cơ thể. 
  • Sau khi tiêm hết thuốc, giữ nguyên trong 6 giây rồi mới rút bơm tiêm ra.

2.3 Cách tiêm insulin bằng bút tiêm

  • Trước khi tiêm, lăn qua lăn lại bút tiêm trong lòng bàn tay, sau đó cầm đầu bút đưa lên xuống để đồng nhất thuốc. 
  • Gắn kim tiêm vào bút tiêm.
  • Nếu thấy bọt khí trong bút tiêm thì cần đuổi bọt khí bằng cách: dùng ngón tay búng nhẹ vào bút tiêm, sau đó tháo kim tiêm ra khỏi bút, vặn nút chọn liều về 1-2 đơn vị và giữ bút tiêm thẳng đứng. Tiếp tục ấn vào đuôi bút tiêm cho đến khi vạch chỉ liều trở về số 0 và một giọt nhỏ insulin xuất hiện ở đầu kim. 
  • Vặn nút chọn liều đúng theo liều insulin đã được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều insulin. 
  • Đâm kim tiêm một góc 90 độ so với bề mặt da, sau đó giữ bút tiêm khoảng 6-10 giây trước khi rút ra khỏi vị trí. 
  • Cuối cùng tháo kim tiêm ra khỏi bút tiêm, đóng nắp bút tiêm và bảo quản ở nhiệt độ phòng. 

3. Những lưu ý khi tiêm insulin vùng bụng 

3.1 Kiểm tra đường huyết thường xuyên khi tiêm insulin

Kiểm tra đường huyết thường xuyên

Đây là việc làm rất cần thiết vì tình trạng hạ đường huyết khi tiêm insulin là điều rất dễ xảy ra. Kiểm tra nồng độ glucose máu thường xuyên sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt tình trạng này. 

Nếu bị hạ đường huyết nhẹ, người bệnh nên uống cốc nước đường hoặc glucose. Nếu đường huyết hạ đột ngột quá nặng cần phải báo ngay cho bác sĩ điều trị. Hướng xử trí có thể là tiêm tĩnh mạch 20 – 40 ml dung dịch glucose 20% hoặc 1 – 2 mg glucagon và đưa vào viện cấp cứu. 

Hơn nữa, chế độ ăn uống và tập luyện hàng ngày không phải bao giờ cũng giống nhau, vì vậy chỉ số đường huyết cũng sẽ thay đổi liên tục. Lúc này, kiểm tra đường huyết thường xuyên và ghi lại các chỉ số và báo cáo với bác sĩ khi thăm khám định kỳ có thể giúp chẩn đoán và định lượng lại liều lượng chính xác hơn. 

3.2 Không tiêm insulin ngay khi vừa lấy ra khỏi tủ lạnh

Insulin thường được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nhưng nếu tiêm insulin ngay khi mới lấy ra thì sẽ khiến cho bệnh nhân bị đau và dễ kích ứng da. Do đó, để khắc phục, trước khi tiêm, cần phải lăn nhẹ lọ thuốc hoặc bút tiêm để nâng nhiệt độ insulin về nhiệt độ phòng. 

3.3 Không tiêm insulin ở cùng một vị trí

Tiêm insulin nhiều lần tại cùng một vị trí có thể khiến người bệnh bị đau, áp xe và tăng nguy cơ viêm nhiễm da. Đó là chưa kể đến, việc này có thể gây ra biến chứng loạn dưỡng mỡ, khiến cho da bị lõm xuống, gây khó khăn cho lần tiêm tiếp theo và giảm hấp thu. 

Các chuyên gia khuyên người bệnh tiểu đường nên thường xuyên thay đổi vị trí tiêm insulin ở bụng, đùi, cánh tay và mông. 

3.4 Tiêm quanh rốn

Lấy rốn làm trung tâm, bạn có thể tiêm insulin ở các vị trí cách rốn khoảng 5cm, chia đều số lần tiêm sao cho các vị trí tiêm nằm trên một đường tròn quanh rốn. Thực hiện như vậy sẽ giúp tránh được việc tiêm insulin tại cùng một vị trí, đồng thời, đến khi quay lại vị trí tiêm ban đầu thì vết tiêm cũ cũng đã lành. 

Bài viết đã hướng dẫn cách tiêm insulin vùng bụng bằng bơm tiêm và bút tiêm cho người tiểu đường cũng như những lưu ý cần thiết trong quá trình điều trị. Lưu ý bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý tiêm insulin khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. 

Có thể bạn quan tâm: Tình trạng kháng insulin

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top