✴️ Tình trạng kháng insulin

Kháng insulin là gì?

Kháng insulin xảy ra khi lượng glucose dư thừa trong máu làm giảm khả năng hấp thụ và sử dụng đường trong máu của các tế bào. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành tiền đái tháo đường và cuối cùng là bệnh đái tháo đường loại 2.

Trong trường hợp tuyến tụy có thể tạo ra đủ insulin để thoát khỏi tình trạng đề kháng, bệnh đái tháo đường sẽ ít có khả năng phát triển hơn và lượng đường trong máu vẫn sẽ ở trong mức khỏe mạnh.

Khi nào đề kháng insulin gây ra bệnh đái tháo đường?

Ở một người bị tiền đái tháo đường, tuyến tụy phải tăng cường hoạt động để tiết ra đủ insulin để vượt qua sự đề kháng insulin của cơ thể và giữ cho lượng đường trong máu giảm xuống.

Theo thời gian, khả năng giải phóng insulin của tuyến tụy bắt đầu giảm, dẫn đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường loại 2. Kháng insulin vẫn là một đặc điểm chính của bệnh đái tháo đường loại 2.

Giai đoạn phát triển của tình trạng kháng insulin

Insulin cần thiết cho việc điều chỉnh lượng glucose trong máu đồng thời cũng là chất truyền tín hiệu đến gan dự trữ một số glucose và chuyển hóa thành glycogen thay vì giải phóng glucose vào máu.

Insulin thường giúp cơ thể duy trì sự cân bằng năng lượng tốt, tránh tình trạng mức đường huyết tăng đột biến kéo dài.

Các nguyên do cho sự kháng insulin vẫn còn phức tạp và vẫn đang cần được nghiên cứu thêm. Một số thông tin hiện tại về tình trạng kháng insulin được giới khoa học đưa ra bao gồm: Các tế bào của cơ thể ít bị ảnh hưởng bởi insulin hơn

Sự đề kháng này ban đầu khiến tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn để duy trì lượng đường trong máu ở mức an toàn. Tuy nhiên, tuyến tụy không thể duy trì việc giải phóng thêm insulin để bù đắp cho sức đề kháng ngày càng tăng của tế bào.

Khi mức đường huyết cao liên tục tăng lên, tiến triển thành tiền đái tháo đường và đái tháo đường loại 2 nếu bệnh nhân không áp dụng các kế hoạch quản lý và điều trị.

Các triệu chứng

Kháng insulin thường không có các triệu chứng cho đến khi bệnh đái tháo đường phát triển. Một số báo cáo cho biết 90% những người bị tiền đái tháo đường không biết rằng họ mắc bệnh. Kháng insulin cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe sau:

Acanthosis nigricans (Bệnh gai đen): Tình trạng da này có thể phát triển ở những người bị kháng insulin gồm các mảng sẫm màu hình thành trên bẹn, nách và sau cổ.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Kháng insulin có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang, có thể bao gồm chu kỳ kinh nguyệt không đều, vô sinh và gây đau trong chu kì kinh nguyệt.

Ngoài ra, nồng độ insulin cao trong máu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim và mạch máu ngay cả khi không có bệnh đái tháo đường.

Các yếu tố nguy cơ

Dưới đây là một số các yếu tố nguy cơ gây kháng insulin, tiền đái tháo đường và đái tháo đường:

  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Lối sống ít vận động hoặc ít tập thể dục;
  • Hút thuốc lá;
  • Rối loạn về giấc ngủ;
  • Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, cao huyết áp cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ kháng insulin.

Các yếu tố nguy cơ đối với tiền đái tháo đường và đái tháo đường cũng là các yếu tố nguy cơ của bệnh tim, các vấn đề về sức khỏe tim mạch và mạch máu não khác.

Trong số này, một số yếu tố nguy cơ phổ biến và có thể tránh được, chẳng hạn như béo phì.

Các chuyên gia khuyến nghị rằng tất cả những người thừa cân và trên 45 tuổi nên đi xét nghiệm bệnh đái tháo đường định kỳ.

Chẩn đoán

Một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán tiền đái tháo đường và đái tháo đường:

Xét nghiệm A1C: Phương pháp này đo mức đường huyết trung bình của một người trong vòng 2-3 tháng trước đó.

Kiểm tra đường huyết lúc đói: Xét nghiệm kiểm tra mức đường huyết sau khi một người không ăn hoặc uống các đồ uống chứa đường từ 8 giờ trở lên.

Kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên: Xét nghiệm kiểm tra mức đường huyết tại một số thời điểm trong ngày.

Thông thường cần thực hiện kết hợp nhiều xét nghiệm trong số này để có kết quả chính xác. Nếu lượng đường trong máu liên tục nằm ngoài mức bình thường, điều đó có thể cho thấy cơ thể đang trở nên đề kháng với insulin.

Phòng ngừa tình trạng đề kháng insulin như thế nào?

Một số yếu tố không thể cải thiện đối với kháng insulin và bệnh đái tháo đường loại 2, như tiền sử gia đình và cấu trúc di truyền. Tuy nhiên, một người có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ kháng insulin cũng như là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ.

Ngoài ra, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) báo cáo rằng các cá nhân có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 bằng cách thay đổi lối sống phòng ngừa, chủ yếu bằng cách giảm cân và tăng cường hoạt động thể chất.

Cơ bắp trở nên nhạy cảm hơn với insulin sau khi tập thể dục và một người có thể đảo ngược tình trạng kháng insulin bằng lối sống năng động, lành mạnh.

Mặc dù chẩn đoán kháng insulin hoặc tiền đái tháo đường có thể gây ra cảnh báo, nhưng việc thay đổi lối sống không khoa học và mong đợi kết quả ngay lập tức không phải là cách bền vững để thực hiện. Thay vào đó, hãy tăng dần mức độ hoạt động thể chất, thay thế một món trong mỗi bữa ăn bằng một lựa chọn phù hợp, ít carbohydrate và đảm bảo duy trì liên tục thói quen này.

Cách hiệu quả nhất để giảm đề kháng insulin là thực hiện những thay đổi thoái quen sống một cách từ từ và bền vững.

Tiền đái tháo đường chỉ là một cảnh báo.

Nhiều nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu liên quan đến Chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường cho thấy thay đổi lối sống có thể làm giảm hơn 58% nguy cơ tiền đái tháo đường tiến triển thành bệnh đái tháo đường.

Vì vậy, hãy bắt đầu thực hiện các bước phòng ngừa ngay hôm nay để giảm tình trạng kháng insulin và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Xem BS hướng dẫn dùng bút tiêm insulin

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top