U tuyến giáp là tăng trưởng bất thường ở tuyến giáp nằm ở phía trước cổ. Tuyến này điều khiển cách cơ thể sử dụng năng lượng. Hầu hết u tuyến giáp là lành tính (không phải ung thư) và ít khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên nếu kết quả xét nghiệm cho thấy khối u là ác tính, phẫu thuật sẽ được tiến hành để loại bỏ nó.
Nguyên nhân dẫn tới sự hình thành của u tuyến giáp vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên nhưng người đã tiếp xúc với bức xạ có nguy cơ cao có u tuyến giáp. Ngoài ra u tuyến giáp cũng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi. U tuyến giáp có tính chất “gia đình”, nghĩa là nếu cha mẹ có u tuyến giáp thì con cũng có nguy cơ phát triển khối u này.
Hầu hết u tuyến giáp đều rất nhỏ, thậm chí nhiều người không biết mình có u tuyến giáp. Nếu khối u có kích thước lớn, người bệnh sẽ cảm thấy sưng và hơi vướng ở cổ.
1. Triệu chứng u tuyến giáp
-
Cảm thấy đau ở cổ họng
-
Khó nuốt
-
Khó thở
Hay cảm thấy lo lắng, tim đập nhanh, đổ mồ hôi rất nhiều hoặc giảm cân. Đây là những triệu chứng của cường giáp – tình trạng tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều hormone.
Nhìn chung phần lớn người bệnh không phát hiện được u tuyến giáp bởi vì khối u thường không dễ dàng cảm nhận và không gây ra triệu chứng. Bác sĩ có thể phát hiện ra u tuyến giáp khi siêu âm hoặc chụp CT scan. Sau đó bác sĩ sẽ khám lâm sàng và tìm hiểu về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải.
2. Chẩn đoán u tuyến giáp
Người bệnh cũng có thể được chỉ định làm xét nghiệm để đánh giá chức năng hoạt động của tuyến giáp và để chắc chắn rằng khối u không phải là ung thư:
-
Xét nghiệm máu: để kiểm tra mức độ hormone tuyến giáp trong cơ thể.
-
Quét tuyến giáp: sử dụng chất phóng xạ và camera để xem tuyến giáp đang hoạt động như thế nào. Điều này được thực hiện nếu mức độ hormone tuyến giáp là rất cao.
-
Chọc hút bằng kim: một lượng nhỏ chất từ khối u tuyến giáp sẽ được rút ra để kiểm tra xem liệu có tế bào ung thư nào không.
-
Siêu âm tuyến giáp: xem kích thước hoặc số lượng của khối u để xác định vị trí đặt kim chọc hút.
Nếu u tuyến giáp là lành tính, người bệnh có thể chỉ cần theo dõi và chờ đợi. Tuy nhiên nếu u tuyến giáp quá to, gây khó thở, khó nuốt… người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ.
Nếu u tuyến giáp gây ra cường giáp, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng Iode phóng xạ. Hoặc bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa (thuốc antithyroid) để làm chậm sự sản xuất hormone.
Nếu u tuyến giáp là ung thư (ác tính), người bệnh sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ khối u. Người bệnh cũng có thể cần điều trị bằng lode phóng xạ để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư còn sót lại. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể cần phải dùng thuốc tuyến giáp suốt đời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh