✴️ Khám tuyến giáp gồm những bước nào?

Khám tuyến giáp gồm những bước nào là thắc mắc muốn tìm hiểu của những người đang có nghi vấn bất ổn ở tuyến giáp. Đây là tuyến nằm nông nhất so với các tuyến nội tiết khác, vì vậy việc thăm khám cũng dễ dàng hơn. Khi tuyến giáp chỉ hơi to bất thường đã có thể sờ và nhìn thấy được.

Khám tuyến giáp gồm những bước nào là thắc mắc muốn tìm hiểu của những người đang có nghi vấn bất ổn ở tuyến giáp.

Các bước trong quy trình khám tuyến giáp gồm có các phương pháp: nhìn, sờ, đo và nghe. Sau đó là khâu xét nghiệm và siêu âm. Cụ thể như sau:

 

Khám tuyến giáp bằng phương pháp quan sát (nhìn)

Bình thường, tuyến giáp không nhìn thấy được, nhưng khi tuyến giáp to lên có thể nhìn thấy. Đặc biệt khi người bệnh làm động tác nuốt có thể nhìn thấy tuyến giáp di động lên phía trên theo nhịp nuốt.
Phương pháp nhìn có thể đánh giá sơ bộ về hình thái, kích thước. Điều này cho thấy tuyến giáp bị to lên toàn bộ hay một phần. Nếu tuyến giáp đang bị viêm cấp có thể quan sát thấy ngay do viêm cấp gây đỏ phần da trên mặt tuyến giáp.

 

Phương pháp sờ để khám tuyến giáp

Dùng tay sờ nắn tuyến giáp là bước khám rất quan trọng, giúp xác định:
– Thể tích và giới hạn của tuyến.
– Mật độ của tuyến: mềm hay chắc.
– Mặt tuyến nhẵn hay gồ ghề.
– Thể to của tuyến: lan tỏa, nhân hay hỗn hợp. Nếu là nhân thì một hay nhiều nhân. Nếu tuyến giáp bị viêm có thể thấy đau và nóng khi sờ. Nếu là bướu mạch khi sờ có thể thấy rung mưu tâm thu.

Khi thực hiện bước khám này cần chú ý thực hiện đúng cách:

-Tư thế của người bệnh: Người bệnh ở tư thế ngồi thoải mái, ở nơi đủ ánh sáng. Đầu hơi cúi về phía trước để làm chùng cơ phía trước giáp trạng. Hơi nâng cằm lên để mở rộng vùng giáp trạng cho dễ sờ.
-Động tác của bác sĩ: Ngón cái và ngón trỏ của thầy thuốc đè vào giữa khí quản và cơ ức-đòn-chũm, sau đó bảo người bệnh nuốt sẽ thấy tuyến giáp di động theo nhịp nuốt và đẩy ngón tay người khám; hoặc dùng hai tay, một tay để ở ranh giới giữa khí quản và cơ ức-đòn chũm, một tay để ngoài cơ ức-đòn-chũm, tay ngoài đẩy vào, tay trong sờ nắn từng thùy của tuyến.

Ngoài ra, nếu muốn kiểm tra sự thay đổi độ lớn của tuyến giáp, người ta dùng cách đo tuyến giáp trạng. Bác sĩ sẽ sử dụng một thước dây để đo vòng qua chỗ phình to nhất của tuyến. Cần kiểm tra lại theo định kỳ để đánh giá chính xác và kịp thời sự thay đổi của tuyến giáp. Có nhiều cách phân loại độ to tuyến giáp khác nhau.

Khám tuyến giáp bao gồm khám lâm sàng (sờ, nhìn, nghe) và xét nghiệm, siêu âm.

 

Phương pháp nghe trong khám tuyến giáp

Bác sĩ có thể nghe trên tuyến giáp để chẩn đoán các bệnh lý xảy ra tại đó. Khi nghe tuyến giáp có thể thấy tiếng thổi tâm thu hay tiếng thổi liên tục. Đó là biểu hiện cho thấy bệnh nhân mắc bệnh bướu mạch. Đặc biệt, tiếng thổi nghe rõ ở các cực trên của thùy nơi mạch máu to đi vào tuyến. Tiếng thổi ở bệnh nhân đang nằm sẽ được nghe rõ hơn so với khi ngồi.

Có được kết luận từ nghe tiếng thổi ở tuyến giáp là do những yếu tố như: tốc độ dòng máu tăng, trên tuyến giáp xuất hiện nhiều mạch máu tân tạo (mới hình thành), các shunt động-tĩnh mạch (đường nối thông bất thường hoặc sinh lý giữa 2 kênh tự nhiên trong cơ thể, thường là giữa các mạch máu) ở trên tuyến giáp mở ra.

 

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Trong khám tuyến giáp, ngoài các bước khám lâm sàng nói trên, xét nghiệm chức năng tuyến giáp cũng được thực hiện. Xét nghiệm này thường được chỉ định khi bệnh nhân có nghi vấn bị cường giáp hoặc suy giáp. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng được thực hiện nhằm kiểm tra tình trạng bệnh, nhằm điều chỉnh liều lượng thuốc ở bệnh nhân cường giáp hoặc suy giáp đang được điều trị bằng thuốc. Hoặc xét nghiệm để xác định bệnh nhân mắc bệnh về tuyến giáp có đủ điều kiện để điều trị bằng iod phóng xạ hay không.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là một xét nghiệm máu đơn giản. Đầu tiên, bệnh nhân được lấy một lượng máu cần thiết, sau đó, mẫu máu này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ kết luận có hay không tồn tại tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp.

 

Siêu âm tuyến giáp

Đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh bằng cách sử dụng sóng âm. Siêu âm tuyến giáp nhằm các mục đích:

-Tìm kiếm khối u ở cổ có khởi nguồn từ tuyến giáp hoặc một cơ quan lân cận;

-Phân tích sự xuất hiện của các nhân giáp và xác định chúng là nhân lành tính hay cần phải làm sinh thiết;

-Nếu bệnh nhân có khối u hoặc nốt sần ở tuyến giáp được nhìn thấy, sờ thấy khi khám lâm sàng, siêu âm tuyến giáp sẽ giúp phát hiện thêm những nốt khác ở tuyến giáp (nếu có).

-Theo dõi diễn biến quá trình tiến triển của u tuyến giáp, qua đó nhằm hướng dẫn bước khám chuyên sâu hơn là sinh thiết kim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top