Bệnh hẹp van tim là gì?

Nội dung

Hẹp van tim là là bệnh van tim phổ biến với tỷ lệ người mắc bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, loạn nhịp tim

 

Hẹp van tim là tình trạng các lá van không thể mở ra hoàn toàn làm cản trở quá trình lưu thông máu qua van.

 

BỆNH HẸP VAN TIM LÀ GÌ?

Hẹp van tim là tình trạng các lá van không thể mở ra hoàn toàn làm cản trở quá trình lưu thông máu qua van. Bệnh xảy ra khi cấu trúc của các lá van bị thay đổi, thay vì thanh mảnh, mềm mại như bình thường, chúng bị dày lên, xơ cứng hoặc dính lại với nhau.
Bệnh hẹp van tim được phân loại thành:

  • Hẹp van tim 2 lá: làm giảm lưu lượng máu từ tâm nhĩ trái (buồng tim phía trên, bên trái) xuống tâm thất trái (buồng tim phía dưới, bên trái).
  • Hẹp van tim 3 lá:  làm giảm lượng máu từ tâm nhĩ phải (buồng tim phía trên, bên phải) xuống tâm thất phải (buồng tim phía dưới, bên phải).
  • Hẹp van động mạch chủ: phổ biến và nghiêm trọng nhất, làm giảm lưu lượng máu từ tâm thất trái vào động mạch chủ đi nuôi cơ thể.
  • Hẹp van động mạch phổi: hạn chế lưu lượng máu từ tâm thất phải tới động mạch phổi.

 

VỀ BỆNH HẸP VAN TIM 2 LÁ

Hẹp van tim 2 lá là dạng hẹp van tim thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao trong các bệnh tim hiện nay tại Việt Nam. Bệnh có thể xảy ra ở những người đã từng mắc bệnh sốt thấp khớp (nguyên nhân do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A gây ra). Hẹp van tim 2 lá phổ biến ở những nước đang phát triển hoặc kém phát triển, đặc biệt là các vùng ẩm thấp và nghèo khó do không điều trị dứt điểm tình trạng sốt thấp khớp, viêm họng.

 

TRIỆU CHỨNG BỆNH HẸP VAN TIM

Người bị hẹp van tim thường gặp phải các triệu chứng sau:

  • Đau ngực
  • Ho
  • Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức.
  • Mệt mỏi, tăng lên khi làm việc nặng.
  • Tim đập nhanh.
  • Choáng váng, ngất xỉu.
  • Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân (giai đoạn nặng)

 

CHẨN ĐOÁN BỆNH HẸP VAN TIM

Chẩn đoán bệnh hẹp van tim bao gồm:

  • Khám lâm sàng: bác sĩ dùng ống nghe để nghe tim, ở những người có hẹp van tim, trái tim sẽ có những âm thanh bất thường.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: siêu âm tim, chụp X quang tim phổi, siêu âm tim qua thực quản (đây là một phương pháp thăm dò không xâm lấn, giúp khảo sát tim rõ hơn, khắc phục các nhược điểm của siêu âm tim qua thành ngực).

 

ĐIỀU TRỊ BỆNH HẸP VAN TIM

Có nhiều phương pháp điều trị hẹp van tim khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh.

  • Thuốc: giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông máu, thuốc kháng sinh, thuốc hạ áp, thuốc chống loạn nhịp… là những loại thuốc được sử dụng trong điều trị hẹp van tim.
  • Phẫu thuật: được chỉ định trong trường hợp bệnh hẹp van tim đã tiến triển nặng, điều trị nội khoa không hiệu quả. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm: nong van đường tĩnh mạch, sửa van và thay van.

Ngoài những phương pháp điều trị nêu trên, người bệnh cũng nên điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để phòng ngừa và ngăn chặn hẹp van tim trở nặng thêm. Cụ thể:

  • Vệ sinh răng miệng tốt để ránh nguy cơ nhiễm trùng răng miệng do liên cầu nhóm A.
  • Tiêm vắc xin cúm hằng năm
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý khác như huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu cao, viêm họng…
  • Không hút thuốc
  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh: ăn nhạt, ít chất béo bão hòa
  • Tập thể dục đều đặn
  • Khám sức khỏe định kỳ, thông báo ngay cho bác sỹ khi có dấu hiệu bất thường cảnh báo hẹp van tim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top