Mối nguy khi trẻ thừa vitamin

Nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và tình trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, khi chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng bị thiếu vitamin cần phải bổ sung. Bởi các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C) hoặc bảo quản, chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn...). Còn với trẻ béo phì, bác sĩ khuyên nên ăn chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K.

Trong các loại vitamin, vitamin A và D không được dùng thừa, dùng quá liều vì sẽ tích lũy lại trong cơ thể và có thể gây ngộ độc.

 

Khi thừa vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn. Vitamin A cũng có thể gây quái thai, vì vậy không nên dùng cho mẹ ngay trước thời kỳ mang thai và đặc biệt không nên dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu. Nếu dùng multivitamin ngày uống 1 viên thì không được chứa quá 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và không quá 400 IU vitamin D. Nếu dùng loại dung dịch uống, phải lấy số giọt hoặc thể tích (số ml) theo đúng bản hướng dẫn sử dụng thuốc. Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu.

Khi bị thừa vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương...

Đối với vitamin C do không có hiện tượng tích lũy nên hầu như không gặp thừa nhưng nếu dùng liều cao (hơn 1g/ngày) theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy, sỏi thận khi dùng dài ngày. Nếu lạm dụng qua đường tiêm sẽ gây toan huyết hoặc có thể gây tan máu, đặc biệt ở những trẻ thiếu men G6PD.

Thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.

Thừa vitamin K thường chỉ gặp khi dùng đường tiêm kéo dài có thể gây tan máu, vàng da.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top