✴️ Chụp động mạch phổi: ý nghĩa lâm sàng kết quả

Nội dung

Nhận định chung

Chụp động mạch phổi là kỹ thuật hình ảnh sử dụng thuốc cản quang và thiết bị đặc biệt để khảo sát lưu lượng máu trong các động mạch phổi.

Trong quá trình chụp, một ống nhỏ gọi là “kim luồn” được đặt vào mạch máu ở vùng bẹn (tĩnh mạch đùi) hoặc ngay trên khuỷu tay (tĩnh mạch cánh tay). Mục đích là để dẫn thuốc cản quang vào bộ phận cần được khảo sát. Sau đó, thuốc cản quang (có thành phần iod) được tiêm vào cơ thể. Sau khi chụp, dữ liệu hình ảnh sẽ được in ra thành các tấm film và đồng thời được lưu trữ trong máy tính.

Chụp động mạch phổi là để khảo sát các nhánh động mạch phổi và các mạch máu trong phổi, nó có thể giúp phát hiện tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn các mạch máu trong phổi.

Khi nào cần chụp động mạch phổi

Chụp động mạch phổi có thể được thực hiện để khảo sát các nhánh động mạch phổi, để tìm kiếm các bệnh lý về phổi hoặc tìm các nguyên nhân khác gây tắc nghẽn hoặc hẹp mạch máu.

Chuẩn bị chụp động mạch phổi

Trước khi thực hiện, hãy thông báo với bác sĩ về những tình trạng sau đây:

  • Đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.
  • Đang cho con bú. Bạn cần phải sử dụng sữa công thức cho bé trong 1-2 ngày đầu sau khi chụp mạch máu phổi có tiêm thuốc tương phản. Vì những chất này thường được đào thải khỏi cơ thể nhanh nhất là 24h.
  • Bị dị ứng với thuốc cản quang iốt.
  • Trước đây đã từng có một phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) từ bất kỳ tác nhân nào, chẳng hạn như nọc độc của ong đốt hoặc do ăn thức ăn lạ.
  • Bị hen suyễn.
  • Bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào.
  • Có bất kỳ vấn đề đông cầm máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu.
  • Có tiền sử bệnh thận hoặc tiểu đường, đặc biệt nếu dùng metformin (như Glucophage) để kiểm soát bệnh tiểu đường. Thuốc cản quang được sử dụng trong chụp động mạch có thể gây tổn thương thận trên những người có chức năng thận kém.
  • Không được ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì trong 4 đến 8 giờ trước khi chụp động mạch. Trong một số trường hợp, bạn có thể phải tạm ngưng aspirin, các chất làm loãng máu khác trong vài ngày trước khi thực hiện và trong 1 ngày sau khi hoàn thành thủ thuật. Nếu đang dùng những loại thuốc này, hãy thông báo với bác sĩ để họ được biết.
  • Chụp động mạch phổi có thể được thực hiện đối với bệnh nhân nội trú hoặc ngoại trú. Nếu là bệnh nhân ngoại trú, trong một số trường hợp bạn có thể cần phải ở lại bệnh viện theo dõi vài giờ sau khi hoàn thành thủ thuật. 
  • Thủ thuật này có thể mất vài giờ, vì vậy bạn nên đi tiểu trước khi bước vào phòng chụp.
  • Ngoài ra trước khi chụp động mạch, bạn cần phải thực hiện 1 số xét nghiệm máu, chẳng hạn như xét nghiệm về chức năng đông máu, nitơ, urê máu (BUN) và creatinine máu.
  • Bạn cần phải ký vào một mẫu đơn đồng thuận sau khi đã được tư vấn các rủi ro tiềm ẩn của quá trình này và đồng ý thực hiện.
  • Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ mối quan tâm nào của bạn: các xét nghiệm nào cần hoàn thành trước khi chụp, rủi ro của quá trình này, cách thực hiện hoặc kết quả sẽ có ý nghĩa gì.

Cảm giác của bệnh nhân khi chụp động mạch phổi

Bạn có thể cảm thấy một vết chích hoặc tê nhẹ ở vị trí kim luồn được đặt. Hầu hết mọi người không bị đau khi kim nằm trong mạch máu.

Bạn có thể cảm thấy áp lực trong mạch máu khi thuốc chảy vào. Hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu đang cảm thấy đau.

Bạn có thể sẽ cảm thấy một chút nóng nhẹ khi thuốc cản quang được đưa vào cơ thể. Cảm giác này chỉ kéo dài trong vài giây. Đối với một số người thì cảm giác này rất khó chịu và đối với những người khác thì lại rất bình thường.

Bạn có thể cảm thấy muốn ho nhưng cần cố gắng giữ hơi thở cho đến khi được yêu cầu thở.

Bạn có thể bị đau đầu, đỏ bừng mặt hoặc có vị mặn hoặc kim loại trong miệng sau khi tiêm thuốc cản quang. Tuy nhiên những cảm giác này không tồn tại lâu. Một số người có thể cảm thấy đau bụng hoặc có thể nôn, nhưng điều này thì không thường gặp.

Sau khi hoàn thành xong thủ thuật, bạn có thể cảm thấy đau nhẹ và bầm tím tại vị trí đặt kim.

Những nguy cơ khi chụp động mạch phổi

Nguy cơ của các biến chứng nặng từ kỹ thuật chụp động mạch phổi là rất nhỏ, nhưng đôi lúc cũng có một số vấn đề xảy ra. Trong hầu hết các trường hợp, các vấn đề xảy ra trong vòng 2 giờ đầu sau khi chụp. Nếu sự có sự cố xảy ra trong quá trình thực hiện, thủ thuật có thể không được hoàn thành. Một số trường hợp hiếm gặp, có thể cần điều trị khẩn cấp bao gồm cả việc phải phẫu thuật.

Có nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng với thuốc cản quang chứa thành phần iod. Phản ứng có thể nhẹ (ngứa, phát ban) hoặc nghiêm trọng (khó thở hoặc sốc đột ngột). Hầu hết các phản ứng có thể được điều trị bằng thuốc. Bạn cần phải thông báo với bác sĩ nếu cơ thể từng bị sốt cỏ khô, hen suyễn, hoặc dị ứng iốt hoặc dị ứng thực phẩm nào đó.

Chảy máu từ vị trí kim luồn có thể xảy ra. Ngoài ra, cục máu đông có thể hình thành nơi kim luồn. Điều này có thể gây ra một số tắc nghẽn dòng máu từ cánh tay hoặc chân.

Thuốc cản quang iốt được sử dụng trong kỹ thuật này có thể gây mất nước hoặc tổn thương trực tiếp đến thận. Đây là một mối quan tâm đặc biệt cho những người có vấn đề về thận, tiểu đường hoặc có tình trạng mất nước. 

Luôn có những tổn thương nhỏ cho các tế bào hoặc mô khi tiếp xúc với bất kỳ tia bức xạ nào, ngay cả ở mức độ thấp được sử dụng cho kỹ thuật này.

Ý nghĩa lâm sàng kết quả chụp động mạch phổi

Chụp động mạch phổi là kỹ thuật hình ảnh sử dụng thuốc cản quang và thiết bị đặc biệt để khảo sát lưu lượng máu trong các động mạch phổi. Bác sĩ có thể cho biết một số kết quả ngay sau khi chụp xong và kết quả hoàn chỉnh thường được trả cho bệnh nhân trong ngày.

 

Yếu tố ảnh hưởng đến chụp động mạch phổi

Có những lý do khiến bạn không được thực hiện kỹ thuật này:

  • Có thai. Chụp động mạch phổi thường không được thực hiện trong thai kỳ vì tia bức xạ làm ảnh hưởng xấu sự phát triển của thai nhi.
  • Đang có một mạch máu bị tắc nghẽn hoặc một vấn đề mạch máu khác cần phải xử trí ưu tiên.
  • Có tình trạng tăng áp động mạch phổi.
  • Không thể nằm yên trong quá trình thủ thuật.
  • Có nhịp tim bất thường. 

Điều cần biết thêm

Chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi (CTA) hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu phổi (MRA) có thể là một lựa chọn thay vì chụp động mạch. Hai kỹ thuật này ít xâm lấn hơn so với kỹ thuật chụp động mạch phổi. Một số kỹ thuật chụp cộng hưởng từ và tất cả các kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính khảo sát mạch máu phổi yêu cầu tiêm chất tương phản. CTA cũng liên quan đến phơi nhiễm phóng xạ. Một số bác sĩ có thể muốn kết quả từ chụp động mạch trước khi phẫu thuật để điều trị những mạch máu bị tổn thương hoặc các bất thường khác.

Đối với những người có vấn đề về thận, tiểu đường hoặc có tình trạng mất nước, bác sĩ sẽ có phương án điều chỉnh để ngăn ngừa tổn thương thận. Nếu bạn có tiền sử về các vấn đề về thận, các xét nghiệm máu (creatinine, nitơ urê máu) có thể được thực hiện trước khi chụp động mạch để đảm bảo rằng thận đang hoạt động tốt.

Trong một vài trường hợp hiếm, bạn cần phải trải qua phẫu thuật để sửa chữa lỗ rò trên mạch máu nơi đặt kim luồn. Ngoài ra còn có một chất có thể được sử dụng để giúp bịt lỗ rò và cầm máu. Các chất này thường được cơ thể hấp thụ trong vài tháng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top