Mẹ bầu tăng cân như thế nào là hợp lý khi mang thai?
Trong một thai kỳ kéo dài 40 tuần, mẹ bầu sẽ tăng khoảng 9 – 12kg, gồm cân nặng của thai nhi, nước ối, bánh nhau và cân nặng của mẹ do cơ thể tích trữ năng lượng. Mẹ bầu tăng cân bao nhiêu cân trong thai kỳ còn phụ thuộc vào cân nặng ban đầu và chỉ số khối cơ thể (BMI).
Công thức tính BMI:
BMI = Cân nặng/ (Chiều cao)2 (Cân nặng chia bình phương chiều cao)
Chiều cao tính theo đơn vị mét, cân nặng tính theo kg.
Chỉ số khối dưới 18,5: Mẹ đang thiếu cân, cần tăng từ 12 – 18kg trong cả thai kỳ. Đặc biệt, trong hai tam cá nguyệt sau, mẹ cần tăng từ 450g – 580g/ tuần.
Chỉ số khối từ 18.5 – 24.9: Cân nặng của mẹ bình thường, nên tăng từ 11 – 15kg trong cả thai kỳ. Trong tam cá nguyệt 2 và 3, mẹ cần tăng từ 360g đến 450g/tuần.
Chỉ số khối từ 25 – 29.9: Mẹ trong nhóm thừa cân, chỉ cần tăng từ 6 – 11kg. Ở hai tam cá nguyệt sau, mẹ nên tăng từ 225g – 360g/tuần.
Chỉ số khối trên 30: Mẹ thuộc nhóm béo phì, chỉ cần tăng từ 5 – 9kg. Ở hai tam cá nguyệt cuối, mỗi tuần mẹ tăng từ 180g – 270g là đủ.
Tăng cân khi mang thai là dấu hiệu em bé phát triển tốt. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tăng phù hợp, không tăng nhiều nhưng cũng không ít.
Nguyên nhân mẹ bầu tăng cân ít khi mang thai
Mẹ bầu tăng ít cân trong thai kỳ có thể do:
- Ốm nghén: Đây được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến mẹ bầu không thể tăng cân trong tam cá nguyệt đầu tiên.
- Căng thẳng, mệt mỏi: Mẹ bầu thưởng xuyên căng thẳng, mệt mỏi là nguyên nhân khiến cơ thể gầy mòn, khó hấp thu dinh dưỡng và không thể tăng cân.
- Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý: Nếu mẹ bầu ăn uống thất thường, không đủ chất sẽ khiến cơ thể không đủ năng lượng cho thai nhi, càng không thể tăng cân.
- Do bệnh lý: Mẹ bầu có thể đang mắc bệnh lý nào đó nếu mang thai không tăng cân hoặc tăng cân ít dù ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái.
- Cơ địa: Một số mẹ bầu có tạng người thon gọn, nhỏ nên khi mang thai có thể khó tăng cân hoặc tăng rất ít.
Mẹ bầu tăng cân ít trong thai kỳ ảnh hưởng thế nào đối với thai nhi
Việc bà bầu thiếu cân khi mang thai sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thai nhi như:
- Không đảm bảo dinh dưỡng cho thai nhi phát triển, thai nhi dễ bị chậm tăng trưởng trong tử cung hoặc mắc các dị tật bẩm sinh.
- Ảnh hưởng đến não bộ thai nhi: Chế độ ăn uống thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là thiếu máu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
- Chuyển dạ sớm: Mang thai tăng cân ít hoặc không tăng cân sẽ khiến mẹ đối mặt với nguy cơ chuyển dạ sớm và bé sinh ra nhẹ cân. Điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe ở bé như chứng còi cọc, suy dinh dưỡng, suy hô hấp…. sau này.
Làm thế nào để tăng cân đủ trong thai kỳ?
Để tăng cân đúng chuẩn trong thai kỳ, mẹ bầu cần thực hiện các chế độ dinh dưỡng khoa học, hoạt động thể thao cũng như giữ tâm lý thoải mái:
- Chế độ dinh dưỡng: Khẩu phần ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm chất bột (gạo, mì, ngô, khoai, sắn…); nhóm đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu đỗ…); nhóm chất béo (dầu, mỡ, vừng, lạc…); vitamin chất khoáng và chất xơ (rau xanh, quả chín). Không dùng thực phẩm ăn kiêng gây kích thích ruột dẫn tới tiêu chảy, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và bé.
- Hoạt động thể chất: Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần vận động vừa phải, làm việc nhẹ nhàng, có thể đi bộ hoặc tập yoga khoảng 20-30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý xin tư vấn của bác sĩ trước khi thực hiện các bài tập thể dục, xem có phù hợp với sức khỏe hiện tại của bản thân và thai nhi không.
- Tránh căng thẳng, stress: Mẹ bầu nên giữ tâm trạng thoải mái trong suốt thai kỳ để đảm bảo thai nhi phát triển tốt nhất. Mẹ có thể trò chuyện với người thân, gặp gỡ bạn bè để tâm sự, tận hưởng các sở thích của bản thân như nghe nhạc, đọc sách…
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của mẹ và thai nhi. Mẹ bầu nên ngủ ít nhất 8-9 tiếng mỗi ngày.
- Uống đủ nước: Nước đóng vai trò như một phương tiện vận chuyển quan trọng cho sự sống của thai nhi, hỗ trợ hoạt động bài tiết, cải thiện làn da cũng như ngăn ngừa triệu chứng phù nề ở bà bầu. Do đó, trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần uống từ 10–12 ly/ngày.
Lưu ý: Đối với những mẹ bầu ở giai đoạn nửa cuối tam cá nguyệt thứ 2, đầu tam cá nguyệt thứ 3 mà vẫn không tăng cân thì mẹ bầu nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân, phương pháp điều trị kịp thời. Dựa vào chỉ số của thai nhi, bác sĩ sẽ đánh giá thai nhi có bị ảnh hưởng không. Còn những bà bầu không tăng cân, tăng cân ít nhưng em bé vẫn phát triển tốt thì không cần quá lo lắng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý.
Lưu ý khi theo dõi cân nặng của mẹ bầu?
Việc kiểm soát tốt tăng cân khi mang thai rất có lợi cho mẹ, tăng không quá nhiều mẹ sẽ dễ giảm cân và lấy lại vóc dáng sau khi sinh. Để duy trì mức tăng cân hợp lý, mẹ có thể áp dụng những lời khuyên sau:
- Chỉ cân vào một giờ cố định trong ngày: Nếu mẹ cân vào buổi tối, thì nên duy trì các lần cân sau đúng vào giờ đã định để dễ so sánh mốc kết quả.
- Dùng một chiếc cân duy nhất: Mỗi chiếc cân có mức sai số nhất định. Chính vì vậy mẹ nên cân trên cùng một chiếc cân thì kết quả mới đáng tin cậy.
- Không mang dép, túi xách, điện thoại… khi cân để có được cân nặng chính xác.
Khi mang bầu, cơ thể mẹ luôn ưu tiên cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi, nên dù mẹ tăng cân không nhiều, bé vẫn được đảm bảo những dưỡng chất quan trọng để phát triển. Mẹ nên dựa vào các chỉ số siêu âm thai và các kết luận từ bác sĩ để nắm được sự phát triển của thai nhi và không nên lo lắng thái quá.
Xem thêm: Những điều nên và không nên làm trong thai kỳ
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp