✴️ Các bệnh ở tim

Nội dung

Bệnh tim là từ để chỉ chung các vấn đề gây ảnh hưởng đến tim. Có nhiều loại bệnh tim, và một số loại có thể ngăn ngừa được.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các loại bệnh tim cũng như các nguyên nhân và triệu chứng của chúng. Ngoài ra bài viết cũng sẽ bàn luận thêm về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp điều trị của bệnh tim.

PHÂN LOẠI

Bệnh tim là từ để chỉ chung các bệnh lý gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch của cơ thể. Có nhiều loại bệnh tim khác nhau, và chúng ảnh hưởng đến tim và hệ thống mạch máu theo nhiều cách khác nhau.

Bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành là dạng bệnh tim thường gặp nhất.

Bệnh phát triển khi các động mạch cung cấp máu của tim bị tắc nghẽn bởi mảng xơ vữa. Nguyên nhân này khiến các mạch máu ở đây trở nên xơ cứng và bị hẹp. Các mảng xơ vữa có chứa cholesterol và các chất khác.

Do đó, lượng máu cung cấp bị giảm và tim nhận được ít oxy cũng như các chất dinh dưỡng hơn. Theo thời gian, cơ tim suy yếu dần và dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng suy tim và rối loạn nhịp tim.

Hiện tượng các mảng xơ vữa tích tụ dần dần ở trong các động mạch được gọi là xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa này có thể bị rách ra và gây tắc nghẽn dòng máu từ đó dẫn đến một cơn đau tim.

Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh thì đã có vấn đề về tim ngay từ khi mới sinh ra. Có nhiều loại bệnh tim bẩm sinh, bao gồm:

  • Bất thường van tim: Các van tim có thể không hoạt động bình thường, hoặc gây rò rỉ máu.
  • Thông liên nhĩ hay thông liên thất: Vách ngăn giữa 2 buồng tim ở trên hoặc 2 buồng tim ở dưới có các lỗ gây mất liên tục.
  • Không có lỗ van tim.

Các bệnh tim bẩm sinh có thể liên quan đến các vấn đề lớn của cấu trúc như thiểu sản buồng thất hay các vấn đề về các liên kết bất thường của các mạch máu rời khỏi tim.

Nhiều bệnh tim bẩm sinh không gây ra các triệu chứng đáng kể nào và chỉ thể hiện rõ ràng khi được khám bệnh.

Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là để chỉ các tình trạng tim đập một cách bất thường. Tình trạng này xảy ra khi các xung điện phối hợp nhịp tim không hoạt động bình thường dẫn đến tình trạng tim đập quá nhanh quá chậm hay hay loạn nhịp.

Có nhiều dạng rối loạn nhịp tim, bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh.
  • Nhịp tim chậm.
  • Ngoại tâm thu: Tình trạng nhịp tim sớm
  • Rung thất.

Bệnh nhân có thể có cảm giác như là tim đang rung lên hay đang đập mãnh liệt.

Trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể gây nguy hiểm đến tính mạnh hoặc mang lại nhiều biến chứng nặng.

Rối loạn nhịp tim

Bệnh lý cơ tim giãn nở

Trong bệnh lý này, các buồng tim bị giãn ra, nghĩa là cơ tim bị kéo giãn và trở nên mỏng hơn. Các nguyên nhân thường gặp của bệnh lý cơ tim giãn nở là: đã từng lên cơn đau tim, rối loạn nhịp tim và nhiễm độc, nhưng gen di truyền cũng có góp phần gây ra bệnh lý này. 

Do vậy, tim trở nên yếu hơn và không thể bơm máu một cách bình thường. Bệnh lý có thể dẫn đến các tình trạng như rối loạn nhịp tim, huyết khối tại tim và suy tim.

Bệnh thường ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi 20 - 60.

Nhồi máu cơ tim

Còn được gọi là cơn đau tim, nhồi máu cơ tim có liên quan đến sự gián đoạn dòng chảy của máu đến tim. Tình trạng này có thể làm tổn thương hay phá hủy một phần cơ tim.

Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là do sự hiện diện của mảng xơ vữa, huyết khối, hoặc là cả hai ở trong động mạch vành. Bệnh lý này cũng có thể xảy ra khi mạch máu bất ngờ co thắt hoặc bị hẹp lại.

Suy tim

Tim của bệnh nhân suy tim vẫn hoạt động nhưng không được tốt bằng lúc trước. Bệnh lý suy tim tắc nghẽn là một dạng suy tim xảy ra khi tim gặp vấn đề trong việc co bóp hoặc giãn nở.

Suy tim có thể do các nguyên nhân như: bệnh mạch vành không được điều trị, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, và một số bệnh lý khác. Những bệnh lý này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng co bóp hoặc giãn nở của tim.

Suy tim có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu như các bệnh lý tim mạch khác được điều trị sớm thì có thể ngăn ngừa được các biến chứng.

Bệnh lý cơ tim phì đại

Bệnh lý này thường xảy ra khi có một vấn đề di truyền nào đó gây ảnh hưởng đến cơ tim. Bệnh lý này thường là do di truyền.

Thành của cơ tim trở nên dày hơn và sự co bóp trở nên khó khăn hơn làm ảnh hưởng đến khả năng nhận máu và bơm máu của tim. Tắc nghẽn cũng xảy ra trong một số trường hợp.

Bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng gì và những bệnh nhân này thường không được chẩn đoán. Tuy nhiên, bệnh cơ tim phì đại có thể diễn tiến xấu dần theo thời gian và gây ra hàng loạt các vấn đề khác ở tim.

Bất kỳ ai nếu như có người thân mắc phải bệnh này cũng đều nên khám tầm soát và được điều trị ngay để có thể ngăn chặn các biến chứng.

Bệnh lý cơ tim phì đại là nguyên nhân chính gây ra tử vong vì tim ở những bệnh nhân trẻ và vận động viên dưới 35 tuổi.

Hở van hai lá

Tình trạng này xảy ra khi van hai lá của tim đóng không đủ chặt và có một lỗ hở để dòng máu phụt ngược trở lại vào tim.

Do đó máu không được tuần hoàn hiệu quả qua tim hay cơ thể, và bệnh lý cũng sẽ làm tăng áp lực lên các buồng của tim. Theo thời gian, tim sẽ to dần ra và dần dần gây ra suy tim.

Sa van hai lá

Tình trạng này xảy ra khi các lá van của van hai lá không đóng lại một cách bình thường, mà thay vào đó thì chúng sa xuống nhĩ trái. Tình trạng này có thẩy gây ra âm thổi tại tim.

Sa van hai lá thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng có những trường hợp cần phải được điều trị.

Yếu tố di truyền và các vấn đề về mô liên kết có thể là nguyên nhân của tình trạng gây ảnh hưởng đến 2% dân số thế giới này.

Hẹp van động mạch chủ

Trong tình trạng này, van động mạch chủ bị dày hay dính và không mở ra được bình thường khiến cho việc bơm máu từ thất trái vào động mạch chủ gặp khó khăn.

Đây có thể là một dị tật bẩm sinh do bất thường của lá van hoặc cũng có thể mắc phải do tích tụ can-xi hoặc sẹo tạo dần theo thời gian.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top