✴️ [Cảnh báo] 7 bệnh lý tim mạch nguy hiểm thường gặp

Bệnh mạch vành

Các triệu chứng ban đầu của bệnh mạch vành thường mơ hồ như nặng ngực, đau thắt ngực bên trái… Các cơn đau xuất hiện khi người bệnh xúc động, gắng sức có thể kèm theo cao huyết áp gây chóng mặt, nhức đầu, khó thở. Tần suất và cường độ các cơn đau sẽ ngày càng tăng và có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim cấp nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh mạch vành hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học như không ăn quá nhiều chất béo, chất ngọt, không ăn quá mặn, không hút thuốc; thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao; luôn giữ tâm trạng vui vẻ, tránh căng thẳng, lo âu…

Mạch vành bị tắc nghẽn không đủ oxy nuôi dưỡng

Những người có yếu tố nguy cơ cao như trong gia đình có người mắc nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, béo phì, đái tháo đường, … cần đi khám sức khỏe định kỳ và điều trị triệt để các bệnh nền để tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp

Bệnh tai biến mạch máu não

Các thể tai biến mạch máu não hay gặp nhất bao gồm  nhồi máu não, co thắt mạch máu não, vỡ mạch máu não, thiếu máu não thoáng qua,…và nặng nhất là xuất huyết ồ ạt gây ngập não thất làm bệnh nhân tử vong trong vòng 1 – 2 giờ.

Các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của tai biến mạch máu não là đau đầu dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu, liệt chi và rơi vào hôn mê. Khả năng phục hồi của bệnh nhân phụ thuộc vào thể tai biến gặp phải. Ở thể nặng, bệnh nhân có thể hôn mê sâu, tỉ lệ tử vong lên đến trên 50%.

Biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là phát hiện sớm bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch để điều trị tốt. Cần phải thận trọng với những bệnh nhân nguy cơ cao như trên 50 tuổi, hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường…

Bệnh tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh là bệnh lý tim mạch hay gặp nhất ở Việt Nam với khoảng 1 – 2%  trẻ em sinh ra mắc bệnh từ nhẹ nhất là còn ống động mạch đến nặng nhất là hoán vị đại động mạch…

Bệnh biểu hiện bằng tình trạng khó thở, khò khè kéo dài, thở nhanh và khi hít vào lồng ngực bị rút lõm sâu; trẻ hay bị viêm phổi, tím môi và các đầu ngón chân ngón tay, da tím tái, bị suy dinh dưỡng nặng, chậm phát triển…

Dị tật tim bẩm sinh là bệnh lý tim mạch hay gặp nhất ở Việt Nam với khoảng 1 – 2%  trẻ em sinh ra mắc bệnh

Việc phòng ngừa bệnh chủ yếu từ mẹ và cha. Cha mẹ phải có sức khoẻ tốt, không sinh con khi đã lớn tuổi; trong quá trình mang thai, đặc biệt 3 tháng đầu người mẹ không được tiếp xúc với hóa chất độc hại, X-quang, không để nhiễm siêu vi đặc biệt là bệnh rubeon…

Bệnh viêm cơ tim

Bệnh viêm cơ tim sẽ gây ra đột tử và có thể xảy ra ở những người khoẻ mạnh không bị bệnh tim trước đó. Khi cơ thể mệt mỏi các siêu vi trùng sẽ xâm nhập và tấn công lên cơ tim nhất là siêu vi trùng loại Coxacki. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim do hóa chất, hoóc-môn tuyến giáp tăng… và có thể dẫn đến suy tim khiến bệnh nhân tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa bệnh bạn cần giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh, khi mệt phải đi kiểm tra tim mạch ngay, không làm việc quá sức, không để nhiễm hóa chất. Đăc biệt, khi bị bệnh bướu cổ cường giáp cần phải điều trị triệt để.

Bệnh động mạch ngoại biên

Động mạch ngoại vi là hệ thống gồm nhiều động mạch vừa và nhỏ, có nhiệm vụ đưa máu từ tim tới các bộ phận của cơ thể đặc biệt là tứ chi. Động mạch gồm 3 lớp: lớp áo ngoài, lớp áo giữa và lớp nội mạc. Bệnh viêm tắc động mạch ngoại vi có 2 thể:

– Bệnh Buerger là tình trạng viêm 3 lớp thành động mạch, hay gặp ở những bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi, và nghiện thuốc lá nặng. Bệnh kéo dài nhiều năm, và bệnh nhân cuối cùng đều phải đoạn chi nhất là chi dưới với tỉ lệ khoảng 95%  chỉ sau 5 năm mắc bệnh.

– Viêm và tắc động mạch do xơ vữa động mạch: xảy ra ở những người bị cao huyết áp kèm rối loạn chuyển hóa mỡ gây tổn thương lớp nội mạc với những mảng xơ vữa làm hẹp lòng động mạch, dẫn đến thiếu máu ngoại vi.

Minh họa bệnh động mạch ngoại biên

Các triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh khá mơ hồ với biểu hiện đi lặc cách hồi, bệnh nhân khi đi bộ bị đau nhói sau bắp chân và phải ngồi nghỉ khoảng 5 – 10 phút mới có thể đi lại được. Các cơn đau sẽ ngày càng tăng lên thậm chí đau cả khi nghỉ ngơi và xuất hiện những vết loét, hoại tử của chi…

Bệnh có thể phòng ngừa bệnh được bằng cách không hút thuốc lá, điều trị tốt tình trạng xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường, béo phì nếu có.

Bệnh van tim hậu thấp tim

Bệnh hình thành do bệnh nhân nhiễm vi trùng Streptococus beta Hemolytique. Khi bị loại vi trùng tấn công, cơ thể sẽ sinh kháng thể chống lại nó tuy nhiên các kháng nguyên này lại có cấu trúc gần giống với cấu trúc của mô khớp và van tim. Do đó khi kháng thể tấn công vi trùng nó cũng đồng thời làm tổn thương mô khớp và van tim, làm khớp bị sưng lên, còn van tim bị biến dạng gây ra hẹp hở van tim. Từ đó dẫn đến suy tim, gây ứ huyết tại gan, làm suy chức năng gan.

Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, sau khi bị viêm họng có sốt là tình trạng mệt, khó thở… và nếu không điều trị đúng có thể gây ra suy tim và tử vong. Phương pháp điều trị bệnh van tim hậu thấp gồm phẫu thuật nong van với dụng cụ hoặc mổ tim mở với sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể.

Bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách cải thiện môi trường sống, tránh quá lạnh hoặc quá nóng. Vệ sinh nhà ở, nơi làm việc sạch sẽ, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, điều trị triệt để các bệnh mũi xoang.

Bệnh phình động mạch chủ bóc tách

Phình động mạch chủ bóc tách đặc biệt là phình động mạch chủ ngực là biến chứng rất nặng của phình động mạch chủ. Bệnh nhân có thể bị đau ngực dữ dội đến ngất đi thậm chí tử vong ngay trong giai đoạn bệnh mới bắt đầu.

Nguyên nhân gây bệnh vẫn do xơ vữa động mạch khiến quai động mạch chủ ngực, phần dưới động mạch thận của động mạch chủ bụng bị phình ra, tạo cục máu đông gây tắc nghẽn lòng động mạch, hoặc tạo sự bóc tách làm thành 2 luồng thông và nặng hơn là vỡ túi phình gây tử vong cho bệnh nhân.

Phình động mạch chủ bóc tách hoặc vỡ túi phình động mạch chủ có tỉ lệ tử vong lên đến 95% nếu bệnh nhân không cấp cứu kịp thời. Việc mổ thay quai động mạch chủ là phẫu thuật rất lớn cần phải có máy tim phổi nhân tạo và tỉ lệ thành công chỉ khoảng 40 – 50%.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top