Trên lâm sàng, suy tim được chia thành 4 mức độ: Độ 1 là có suy tim nhưng chưa có biểu hiện khó thở.
Độ 2 là có khó thở khi gắng sức (như leo cầu thang, làm việc nặng…).
Độ 3 là khó thở thường xuyên cả lúc bình thường và khi gắng sức, gan to nếu được điều trị có thể nhỏ lại; bệnh nhân vẫn có thể đi lại nhẹ nhàng và tự phục vụ được.
Độ 4 là mức độ nặng nhất, bệnh nhân liên tục khó thở, không tự phục vụ được, gan đã chuyển sang xơ cứng (xơ gan tim).
Các dấu hiệu sớm của suy tim bao gồm: mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, tiểu nhiều về đêm, ho nhiều, phù mắt cá chân, tim đập nhanh hoặc những cơn đánh trống ngực… Tuy nhiên, các dấu hiệu này đôi khi không rõ ràng. Do đó người bệnh không nên chủ quan mà cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và làm các xét nghiệm cần thiết để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị phù hợp.
Ngoài việc tuân thủ điều trị của bác sĩ thì chế độ ăn uống cũng góp phần quan trọng trong điều trị bệnh suy tim. Trong nguyên tắc dinh dưỡng đối với người bệnh suy tim có những thực phẩm nên ăn và cũng có những thực phẩm cần hạn chế. Dưới đây là những thực phẩm người mắc bệnh suy tim nên lựa chọn để cải thiện sức khỏe:
Ngũ cốc
Chế độ dinh dưỡng của người bệnh suy tim nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt. Loại thực phẩm này có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng chất xơ cao giúp tiêu hóa tốt, kiểm soát lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp, tốt cho sức khỏe tim mạch.
Đạm ít béo
Người bệnh nên ăn cá, thịt gia cầm, thịt nạc hoặc các thực phẩm được chế biến từ những nguồn đạm ít béo như trứng, sữa ít béo, dầu hạt cải, đậu nành…
Ăn nhiều rau xanh, củ, quả
Người bệnh suy tim nên ăn nhiều các loại rau quả, trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin và các khoáng chất như rau chân vịt, rau đay, mồng tơi; khoai củ; cam, dưa hấu, dâu tây… Rau xanh, củ, quả cũng là thực phẩm chứa chất chống oxy hóa tự nhiên tốt cho sức khỏe tim mạch. Một số trái cây tốt đối với bệnh tim mạch như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, cà chua có thể giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não...
Bổ sung thực phẩm giàu kali
Trong cơ thể, kali giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải, giúp duy trì hoạt động của cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu, đặc biệt là hoạt động của hệ tim mạch. Chế độ ăn giàu kali có tác dụng hạ huyết áp, làm giảm nguy cơ đau tim.
Người bệnh suy tim thường sử dụng thuốc lợi tiểu nên làm giảm lượng kali trong cơ thể. Vì vậy cần bổ sung kali bằng cách ăn các thực phẩm giàu kali như: thịt lợn nạc, đỗ các loại, khoai tây, khoai lang, cà chua, bắp cải, bông cải xanh, bơ, nho, chuối...
Bên cạnh việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng ưu tiên các thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch, người bệnh suy tim nên thực hiện lối sống lành mạnh, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt nên vận động nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập yoga… để cải thiện tình trạng sức khỏe, góp phần làm giảm hoặc chậm lại quá trình suy tim.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh