Chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch ở người cao tuổi bị hen

Mối liên quan trực tiếp giữa hen và bệnh tim

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định: Bệnh nhân hen không hút thuốc tăng 33% nguy cơ bệnh tim mạch, người bệnh hen có hút thuốc nguy cơ này tăng cao hơn nhiều. 

Đồng thời bệnh nhân hen dai dẳng tăng 60% nguy cơ biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, đột quỵ, và tử vong do bệnh tim mạch/đột quỵ) khi so sánh với người không bị hen. 

Khoảng 37% bệnh nhân hen có tăng huyết áp. Trong cơn hen cấp nặng, tăng huyết áp thường xảy ra. Hen làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành 1,4 lần, tai biến mạch máu não 1,2 lần và suy tim 2,1 lần.

Trong cơn hen, bệnh nhân thường có tăng huyết áp, mạch nhanh do cường giao cảm, thiếu oxy máu, toan chuyển hóa do acid lactic,… Hội chứng vành cấp và tai biến mạch máu não gia tăng ở bệnh nhân hen so với bệnh nhân không bị hen. Các biến cố tim mạch này tăng cao hơn ở những trường hợp bệnh hen không được kiểm soát tốt.

 

Theo dõi bệnh nhân hen có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Chẩn đoán bệnh tim mạch trên bệnh nhân hen cần lưu ý một số đặc điểm sau. Các triệu chứng hen bao gồm ho, khó thở, nặng ngực và thở khò khè. Đau ngực (không phải là nặng ngực) không gợi ý hen mà gợi ý bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc các bệnh lý lồng ngực gây đau ngực khác.

Ho trên bệnh nhân hen có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng một khi ho mạn tính cần loại trừ do thuốc ức chế men chuyển hay được dùng trên bệnh nhân tim mạch. Khó thở và ngay cả thở khò khè có thể là triệu chứng của suy tim. Vì vậy nếu bệnh nhân có nhiều triệu chứng của hen, các triệu chứng này có tính thay đổi thì có thể quy kết do hen và có thể điều trị thử bằng thuốc giãn phế quản và/hoặc corticoid.

Nếu bệnh nhân chỉ có đơn lẻ các triệu chứng nêu trên mà lại không có tính thay đổi và/hoặc không đáp ứng với thuốc giãn phế quản, thì cần lưu ý đến các bệnh tim mạch phổ biến ở người hen hơn người không mắc hen.

 

Yếu tố nguy cơ gây bệnh hen và bệnh tim mạch

Ô nhiễm không khí: Các chất gây ô nhiễm không khí đã được chứng minh là làm tăng bệnh tim mạch và đồng thời ảnh hưởng xấu đến hen. Thành phần chính của khói bụi có thể làm tăng nguy cơ bị hen. Những người sinh sống hoặc lớn lên ở đô thị có nguy cơ hen cao hơn những người sống ở nông thôn. 

Các yếu tố như: phấn hoa, bụi và gián, nấm mốc, lông vật nuôi, thay đổi thời tiết (đặc biệt là không khí lạnh)… là những yếu tố nguy cơ cao gây bệnh hen. 

Nhạy cảm với các tác nhân dị ứng thường là yếu tố dự báo chính xác khả năng mắc ô bệnh hen. Tác nhân gây dị ứng có thể là bụi, lông động vật, nấm mốc hoặc các hóa chất độc hại. Các tác nhân dị ứng có thể làm các cơn hen suyễn nặng hơn nếu vẫn tiếp xúc.

Khói thuốc lá: Khói thuốc gây kích thích đối với khí quản. Người hút thuốc thường sẽ có nguy cơ cao bị hen. Người hen hút thuốc lá dẫn đến bệnh hen sẽ nặng hơn với phản ứng viêm của khí phế quản, liên quan chủ yếu đến bạch cầu đa nhân trung tính (khác với những bệnh nhân hen khác liên quan chủ yếu tăng bạch cầu ái toan) và tắc nghẽn ít hồi phục hơn.

Nitrogen dioxide: Nitrogen dioxide là một chất gây ô nhiễm làm tăng nguy cơ cả bệnh hen lẫn bệnh tim. NO2 được tìm thấy trong tầng ozone, nhưng cũng có nồng độ cao ở trong nhà, mà thường nhất là khi sử dụng bếp ga và các lò sưởi đun bằng dầu. 

Khi phơi nhiễm với NO2 tăng, nguy cơ bệnh tim tăng, đặc biệt trên bệnh nhân hen. Chức năng hô hấp ở bệnh nhân hen đặc biệt dễ tổn thương khi tiếp xúc với NO2 cấp; trong khi ở người bình thường thì chức năng hô hấp lại không biến đổi.

 

Lời khuyên

Bệnh nhân bị hen dai dẳng (phải dùng thuốc kiểm soát hen hằng ngày) dễ gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nhưng thay vì lo lắng là hen có thể làm gia tăng bệnh tim mạch, bệnh nhân hen nên chủ động phòng ngừa bệnh tim bằng cách điều chỉnh, loại bỏ các yếu tố nguy cơ.

  • Thay đổi lối sống như: bỏ thuốc lá, tăng cường vận động…
  • Điều trị các bệnh lý đang mắc phải như: tăng huyết áp, thừa cân/béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường…
  • Kiểm soát hen bằng những thuốc kiểm soát được khuyến cáo và dùng theo chỉ định của bác sĩ
  • Hoạt động thể lực đều đặn giúp duy trì sức khỏe, không những tốt cho bệnh nhân hen mà còn tốt cho bệnh nhân tim mạch.
  • Dùng thuốc: tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.
  • Theo dõi sát diễn biến của bệnh để thông báo cho bác sĩ kịp thời.
return to top