Nhồi máu cơ tim chưa bao giờ thôi là sự sợ hãi, kinh hoàng của những bệnh nhân tim mạch do nguy cơ tử vong và đột tử cao. Chữa trị nhồi máu cơ tim như thế nào luôn là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều người bệnh.
Các chuyên gia tim mạch cho biết, bệnh nhồi máu cơ tim không loại trừ bất cứ ai nhưng thường xảy ra ở nam giới ngoài 45 tuổi và phụ nữ đã mãn kinh (sau 50 tuổi). Đây là hiện tượng mạch máu nuôi tim (hay còn gọi là động mạch vành) bị tắc nghẽn khiến cơ tim chết đi và không thể hồi phục. Nếu không được sơ cứu đúng cách, cấp cứu kịp thời, vùng cơ tim bị tổn thương sẽ lan rộng và dẫn đến tử vong.
Trường hợp bệnh nhân bị tổn thương nhỏ, tim sẽ bị suy hoặc tăng nguy cơ đột tử. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để ứng phó với cơn nhồi máu cơ tim bất thường.
Chữa trị nhồi máu cơ tim như thế nào?
Các phương pháp chữa trị nhồi máu cơ tim nhằm mục đích kiểm soát cơn đau thắt ngực, đưa oxy đến tim, thông động mạch vành, giải phẫu ghép động mạch vành… Người nhồi máu cơ tim cần được sơ cứu đúng cách, cấp cứu kịp thời để tăng tỷ lệ sống sót và phục hồi sau điều trị.
Cấp cứu khi bị nhồi máu cơ tim:
Ngay sau khi xuất hiện các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim (đau thắt ngực…), bệnh nhân cần được điều trị trong phòng cấp cứu bằng các biện pháp: Dưỡng khí oxygen; Điện tâm đồ; Sử dụng Aspirin để làm loãng máu và làm giảm sự tăng trưởng của cục máu đông, dùng thuốc Glyceryl trinitrate cho vào dưới lưỡi bệnh nhân làm thư giãn mạch máu; Chống đau bằng morphine; Theo dõi các biến chứng về loạn nhịp tim, thay đổi huyết áp…
Điều trị thông động mạch vành tim:
Để thông động mạch vành tim cần dùng thuốc làm tan cục máu đông (thrombolysis). Biện pháp thực hiện là cho ống thông vào động mạch vành tim, làm nông mạch, phá vỡ cục máu đông và mảng xơ vữa, đồng thời có thể nhét ống căng mạch (cardiac catherization & angioplasty +/- stent).
Thực hiện giải phẫu ghép động mạch tim:
Các bác sĩ cho biết, mục đích của phẫu thuật này là tiếp tế máu cho phần tim đang bị khủng hoảng do động mạch khu vực bị nghẽn. Theo đó, tĩnh mạch từ chân bệnh nhân được cắt lấy và đem lên nối từ động mạch chủ vào phần động mạch phía sau khúc bị nghẽn.
Điều trị theo dõi:
Sau khi qua giai đoạn hiểm nghèo, bệnh nhân cần nằm lại bệnh viện để được theo dõi. Trong thời gian hồi phục sau khi xuất viện, bệnh nhân nên tránh hoạt động quá sức khoảng một vài tháng. Tái khám để kiểm soát bệnh tốt hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh