✴️ Adenosine và Cordycepin trong đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo có chứa Cordycepin, Adenosine, Hydroxyethyl – Adenosine – Analogs, Hydroxyethyl-adenosine. Ngoài ra loại dược liệu này có đến 17 loại acid amin khác nhau, nhiều loại vitamin và các nguyên tố vi lượng rất tốt cho sức khỏe con người.

1. Chất adenosine là gì?

Adenosine được tìm thấy trong tất cả các sinh vật sống như một thành phần cấu trúc của axit nucleic quan trọng. Nó là một nucleoside xuất hiện tự nhiên trong tất cả các tế bào của cơ thể. 

Công thức hóa học của adenosine (6-amino-9-beta-D-ribofuranosyl-9-H-purine) là  C10H13N5O4. 

Adenosine được tạo thành từ adenine gắn với một phân tử đường ribose. Liên kết gắn adenin và đường ribose được gọi là liên kết β-N9 -glycosidic.

Adenosine cũng có thể được bào chế như một loại thuốc để điều trị rối loạn nhịp tim. Ở dạng thuốc tiêm tĩnh mạch, nó có thời gian bán hủy ngắn (<10 giây) vì nó được tế bào hấp thụ nhanh chóng và chuyển hóa thành inosine và adenosine monophosphate. Nó cũng có thể rời khỏi tế bào hoặc có thể bị phân hủy thành xanthine hoặc hypoxanthine, sau đó được phân hủy thành axit uric.

2. Chất adenosine trong đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo là một nguồn tài nguyên phong phú trong tự nhiên với các hoạt tính sinh học khác nhau và đã được sử dụng rộng rãi như một loại thực phẩm bổ dưỡng dành cho sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi cũng như điều trị một số bệnh lý ở Trung Quốc và các nước châu Á khác. Cho đến nay, nhiều thành phần hoạt tính sinh học đã được chiết xuất từ trùng thảo như cordycepin, adenosine, polysaccharides, ergosterol, mannitol… 

Adenosine đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sinh hóa trong sinh vật, là một nucleoside chính trong trùng thảo. 

Chất nucleoside này đóng một vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch và chống viêm, bảo vệ tim mạch. Không chỉ vậy adenosine trong đông trùng hạ thảo còn đóng một vai trò quan trọng trong trầm cảm. 

Đặc biệt trong các tế bào da, nucleoside nội sinh này, hoạt động tại một hoặc nhiều thụ thể của nó, có thể tham gia vào quá trình bảo vệ và sửa chữa mô da, được ứng dụng nhiều trong làm đẹp.

Tóm lại, adenosine có trong đông trùng hạ thảo và các chất tương tự của nó đã nhận được rất nhiều sự chú ý của các nhà khoa học do các tác dụng dược lý khác nhau của chúng.

3. Cơ chế tác dụng của adenosine trong đông trùng hạ thảo đối với cơ thể

Là một thành phần phân tử chính của ATP , ADP và AMP, do đó, adenosine tham gia vào các quá trình sinh lý khác nhau như truyền năng lượng (ví dụ như ATP ) và truyền tín hiệu.(tức là như cAMP).

Đặc biệt, ATP là một phân tử giàu năng lượng được tạo ra chủ yếu qua quá trình hô hấp tế bào.

Ngoài ra, adenosine là chất dẫn truyền tín hiệu và năng lượng trong tế bào và vẫn có thể phát huy tác dụng bảo vệ tế bào phổ rộng hoặc ngăn ngừa tổn thương mô.

Adenosine trong não

Trong não, adenosine hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh ức chế. Điều này có nghĩa là adenosine có thể hoạt động như một chất gây suy nhược hệ thần kinh trung ương. Trong điều kiện bình thường, nó có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngăn chặn sự kích thích não bộ. Do đó, adenosine có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương. 

Adenosine trong tim

Trong tim, adenosine làm 

  • Giãn mạch vành giúp cải thiện lưu thông máu đến tim. Adenosine cũng làm giãn mạch ngoại vi.
  • Giảm nhịp tim và chống ngưng tập tiểu cầu qua đó ngăn ngừa sự hình thành của huyết khối cũng như các tình trạng thiếu máu cơ tim.
  • Adenosine ngăn chặn các mạch bị lỗi trong tim, gây ra nhịp tim không đều. 

Adenosine trong máu

Trong máu adenosine bị phân hủy bởi adenosine deaminase. Enzyme này có trong hồng cầu và thành mạch. Thuốc Dipyridamole là một chất ức chế enzym adenosine deaminase và do đó làm tăng nồng độ adenosine trong máu. Điều này dẫn đến giãn nở mạch máu và cải thiện lưu lượng máu qua mạch vành cung cấp cho cơ tim.

Adenosine trong thận, phổi và gan

  • Trong thận, adenosine làm giảm lưu lượng máu đến thận và giảm sản xuất renin từ thận.
  • Ở phổi, nó gây co thắt đường thở 
  • Ở gan, nó dẫn đến co thắt mạch máu và làm tăng sự phân hủy glycogen để tạo thành glucose.

 

4. Ứng dụng của adenosine trong điều trị một số bệnh lý

Tác dụng dược lý của adenosine bao gồm giãn mạch, chống loạn nhịp tim và giảm đau. 

  • Khi tiêm tĩnh mạch, adenosine có thể gây tắc nghẽn tim thoáng qua trong nút nhĩ thất. 
  • Tiêm bắp, adenosine phosphate được sử dụng để điều trị viêm bao hoạt dịch, viêm gân, giãn tĩnh mạch, ngứa ngáy, đa xơ cứng, mụn rộp, mụn rộp sinh dục…
  • Đặc biệt AMP được dùng bằng đường uống để điều trị bệnh zona. Nó cũng được sử dụng để điều trị rối loạn chuyển hóa porphyrin cutanea tarda (một loại rối loạn máu). 
  • ATP như một loại thuốc để điều trị suy thận cấp tính, tăng áp động mạch phổi, suy đa cơ quan, xơ nang…

Một số ứng dụng điều trị cụ thể của adenosine

  • Điều trị một số loại nhịp tim không đều. Adenosine để điều trị nhịp tim nhanh trên thất (SVT). 
  • Điều trị sụt cân ở những người bị ung thư giai đoạn cuối. ATP truyền tĩnh mạch dường như cải thiện sự thèm ăn, lượng thức ăn và chất lượng cuộc sống ở những người bị ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển và các khối u khác.
  • Vết thương, thường ở chân, do máu lưu thông kém (loét ứ tĩnh mạch): AMP tiêm bắp có thể làm giảm tình trạng giữ nước, ngứa ngáy, sưng tấy và đỏ do loét ứ tĩnh mạch .
  • Bệnh zona (nhiễm trùng herpes zoster): Nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng AMP được tiêm vào cơ có thể có hiệu quả để điều trị bệnh zona và ngăn ngừa đau dây thần kinh sau zona. Theo nghiên cứu hạn chế, AMP tiêm bắp cũng có thể có hiệu quả để điều trị các loại nhiễm trùng herpes khác.
  • Ung thư phổi: Các nghiên cứu đang phát triển cho thấy ATP không có hiệu quả trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ.

 

5. Công dụng của hàm lượng cordycepin trong đông trùng hạ thảo

Theo công trình nghiên cứu tại Đại học Nottingham – Anh thì việc sử dụng đông trùng hạ thảo đã cho ra kết quả:

  • Cordycepin có tác dụng kháng ung thư, kháng vi sinh vật, ức chế quá trình di căn của các tế bào ung thư, nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể, tăng cường sức khỏe cho những bệnh nhân đang điều trị ung thư.
  • Sử dụng cordycepin ở liều thấp sẽ giúp kiểm soát và ức chế sự phân chia tế bào bị tổn thương bổi ung thư.
  • Sử dụng liều cao hợp chất sẽ ngăn chặn các tế bào ung thư di căn hoặc tái tạo.
  • Hoạt chất cordycepin còn có tác dụng kháng vi khuẩn Clostridium hỗ trợ điều trị bệnh đường ruột cực kỳ hiệu quả.
  • Ngoài ra loại hợp chất này có trong đông trùng hạ thảo còn có thể ngăn các gen T2D phát triển, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
  • Đặc biệt theo nghiên cứu lâm sàng ở nhiều bệnh viện lớn thì hàm lượng cordycepin trong đông trùng hạ thảo còn có tác dụng tăng cường chức năng gan, hỗ trợ chữa trị bệnh viêm gan virus, viêm gan B,C, ung thư gan.

Dù chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ nhưng theo các thống kê lâm sàng, Cordycepin trong Đông trùng hạ thảo được ghi nhận làm tăng chức năng gan rõ rệt, có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị viêm gan B, C, viêm gan virus mạn tính và ung thư gan.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top