Nguyên tắc điều trị:
Trong việc điều trị tăng huyết áp, khi điều trị làm giảm huyết áp tâm thu, thì không làm giảm đồng thời huyết áp tâm trương quá nhiều. Bởi vì trong những người cao tuổi mắc bệnh mạch vành, giảm huyết áp tâm trương dưới 60 hoặc 65 mmHg sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng khởi phát của các cơn đau tim và đột quỵ. Vì vậy, trong điều trị tăng huyết áp tâm thu, cần thiết giảm huyết áp tâm thu dưới 140 mmHg – hoặc gần đến 140mmHg càng tốt – trong khi vẫn giữ huyết áp tâm trương trên 60 hoặc 65 mmHg.
Điều trị không dùng thuốc:
Người bệnh cần thay đổi lối sống, bao gồm: giảm cân là một trong những cách hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp, nếu đang thừa cân, giảm khoảng 4,5kg có thể giúp giảm huyết áp; hoạt động thể chất thường xuyên, ít nhất là 30 phút hầu hết các ngày trong tuần có thể làm giảm huyết áp từ 4-9mmHg, tốt nhất là đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội hoặc khiêu vũ; chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả và các sản phẩm từ sữa ít chất béo, chất béo bão hòa và cholesterol làm giảm huyết áp; dùng ít hơn 1.500mg natri (muối) mỗi ngày, ít ăn thực phẩm chế biến và đóng hộp; hạn chế uống rượu; bỏ hút thuốc lá; quản lý tốt stress, tập yoga, thiền khi bạn bị stress sẽ có kết quả khả quan hơn.
Điều trị bằng thuốc:
Nếu huyết áp vẫn tăng sau 1 hoặc 2 tháng sau khi đã thay đổi lối sống một cách tích cực, bác sĩ sẽ khuyên nên điều trị bằng thuốc giúp hạ huyết áp. Điều trị thường được bắt đầu bằng thuốc lợi tiểu thiazide, hoặc chẹn canxi có tác dụng kéo dài, hoặc một chất ức chế men chuyển (ACE).
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp
Khi bắt đầu dùng thuốc huyết áp ở người cao tuổi, chỉ nên sử dụng đơn độc một loại thuốc, nên khởi đầu với liều thấp và tăng liều từ từ để tránh các tác dụng phụ. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và theo dõi huyết áp thường xuyên không được tự ý thay đổi thuốc khi không có chỉ định.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh