✴️ Đột quỵ tủy sống: Nguyên nhân, điều trị và tiên lượng

Nội dung

Tủy sống dùng các xung thần kinh để giao tiếp với các bộ phận khác của cơ thể. Ở các trường hợp nặng của đột quỵ tủy sống, các xung thần kinh không thể giao tiếp đầy đủ có thể dẫn đến liệt và thậm chí đe dọa tính mạng.
Đột quỵ tủy khác với các dạng đột quỵ khác ở chỗ nó thường không gây gián đoạn dòng máu đi nuôi não. Tuy nhiên về nguyên nhân dẫn đến đột quỵ thì cũng tương tự.
Đại đa số các trường hợp đột quỵ tủy sống là do nhồi máu, nghĩa là nguyên nhân có thể do các cục máu đông ở trong mạch máu.
Ít gặp hơn, xuất huyết từ các mạch máu bị vỡ cũng có thể gây ra đột quỵ tủy. Dạng đột quỵ này được gọi là đột quỵ do xuất huyết.
Đột quỵ tủy sống thường hiếm gặp, chỉ ở khoảng 1.25% trong tất cả các trường hợp đột quỵ. Bài viết này sẽ bàn về triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và sự phục hồi.

Triệu chứng

Các triệu chứng của đột quỵ tủy sống thì rất đa dạng, phụ thuộc vào vị trí tủy bị đột quỵ. Mức độ nặng của tổn thương còn ảnh hưởng lên các triệu chứng của bệnh nhân.

Triệu chứng đầu tiên của đột quỵ tủy là cơn đau đột ngột và nặng ở cổ và lưng. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Co giật cơ;
  • Di chuyển khó khăn;
  • Cảm giác tê;
  • Đi tiểu không tự chủ;
  • Cảm giác kim châm;
  • Yếu cơ;
  • Liệt;
  • Khó thở.

Ở những trường hợp nặng thì đột quỵ tủy có thể dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân

Phần lớn các trường hợp đột quỵ tủy xảy ra là do có sự thay đổi trong hình dạng của các mạch máu. Ví dụ, thành mạch trở nên dày hơn, dẫn đến lòng mạch bị hẹp lại. Việc này đôi khi xảy ra như là một hậu quả tự nhiên của quá trình lão hóa.

Tuy nhiên, có những nhân tố có thể làm tăng khả năng xảy ra của tình trạng này, bao gồm:

  • Cholesterol cao;
  • Cao huyết áp;
  • Bệnh tim hay tiền căn gia đình có bệnh tim;
  • Béo phì;
  • Đái tháo đường;
  • Hút thuốc lá;
  • Sử dụng thức uống có cồn quá nhiều;
  • Ít tập thể dục.

Tất cả những nhân tố này làm tăng áp lực lên hệ tim mạch, làm tăng nguy cơ gây tổn thương và rối loạn chức năng các mạch máu.

Ví dụ, tăng huyết áp có thể làm tổn thương và làm yếu đi các mạch máu, khiến chúng trở nên dễ bị vỡ và xuất huyết hơn, từ đó dẫn đến đột quỵ.

Ở một vài trường hợp, các vấn để về tim hay động mạch chủ có thể gây ra đột quỵ tủy sống. Các vấn đề này bao gồm huyết áp quá thấp hay dòng máu đi qua động mạch chủ bị ít. Ở một số trường hợp hiếm gặp hơn, các mạch máu bắt chéo nhau cũng có thể gây ra đột quỵ tủy.

đột quỵ tủy sống

Chẩn đoán

Bất kỳ ai mắc phải đột quỵ tủy cũng cần được trợ giúp y tế và được chẩn đoán nhanh chóng Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng và nếu có thể thì sẽ thăm khám lâm sàng.

Bác sĩ sẽ khảo sát các dấu chỉ định thường gặp của các vấn đề về tủy sống, ví dụ như yếu các chi. Nếu bác sĩ đã nghi ngờ có đột quỵ tủy thì sẽ chỉ định cho chụp MRI để loại trừ các nguyên nhân có thể gây tổn thương tủy sống khác

Chụp MRI có thể giúp xác nhận sự hiện diện và vị trí nhồi máu hay xuất huyết.

Điều trị

Điều trị đột quỵ tủy sẽ phụ thuộc vào các nguyên nhân nền. Nếu như là nhổi máu tủy, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc làm tan máu và làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Những loại thuốc đó là thuốc kháng tiểu cầu và thuốc chống đông, bao gồm cả các thuốc thông dụng, như là aspirin.

Thuốc có thể cần thiết để kiểm soát các triệu chứng cũng như các yếu tố nguy cơ có thể gây ra đợt đột quỵ khác.

Ví dụ như đối với các bệnh nhân có tăng huyết áp và cholesterol cao, bác sĩ có thể sẽ cho dùng thuốc để kiểm soát các tình trạng đó.

Các liệu pháp về nghề nghiệp và vật lý trị liệu có thể giúp ích cho các bệnh nhân bị liệt, bệnh nhân có thể hồi phục được một phần các cử động.

Nếu như bệnh nhân bị mất kiểm soát bàng quang, họ có thể sẽ cần ống thông tiểu.

Các biến chứng mạn tính

Đột quỵ tủy có thể dẫn đến các biến chứng nặng kéo dài, phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của tổn thường và vị trí đột quỵ. Các biến chứng của đột quỵ tủy bao gồm:

  • Khó khăn trong việc cử động, di chuyển;
  • Liệt;
  • Đi tiểu không tự chủ;
  • Rối loạn chứng năng tình dục;
  • Đau nhức cơ, khớp, và thần kinh;
  • Lo âu, trầm cảm, hay rối loạn tâm lý hậu chấn thương.

Quá trình hồi phục

Việc hồi phục hoàn toàn sau khi bị đột quỵ tủy là có thể xảy ra. Khả năng hồi phục hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân, vị trí đột quỵ, mức độ lan tỏa của tổn thương, mức độ thành công của việc điều trị, và tổng trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Tuy nhiên, nhiều người sẽ gặp phải các biến chứng kéo dài sau khi bị đột quỵ tủy và sẽ cần được điều trị lâu dài hoặc phải thực hiện một vài thay đổi trong lối sống.

Ở hầu hết mọi người, thay đổi lối sống là rất cần thiết để làm giảm các yếu tố nguy cơ và cải thiện khả năng đạt được việc hồi phục hoàn toàn.

Những thay đổi có thể bao gồm:

  • Chế độ ăn cân bằng và lành mạnh;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Ngừng hút thuốc lá;
  • Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Giảm sử dụng các thức uống có cồn.

Tiên lượng

Nhiều người có thể đạt được trạng thái hồi phục hoàn toàn sau khi bị đột quỵ tủy, nhưng để làm được thì cũng phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Liệt sau đột quỵ tủy có thể kéo dài một vài tuần và cũng có thể là suốt đời.

Các bệnh nhân có thể tìm đến những nhóm trợ giúp và nên cân nhắc việc gặp các chuyên gia để có thể được giúp đỡ trong quá trình hồi phục và làm giảm stress.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top