Giảm và hạn chế muối là một trong những lời khuyên được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nhằm cải thiện sức khoẻ tim mạch cũng như hạn chế các nguy cơ có thể gặp phải của nhiều vấn đề sức khoẻ khác nhau. Hiện nay, nhiều sản phẩm muối thay thế ra đời với mong muốn giúp người sử dụng vẫn tìm được hương vị mong muốn nhưng hạn chế tối đa lượng muối ăn vào hàng ngày. Vậy sử dụng các sản phẩm muối thay thế này có thực sự tốt không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Ăn mặn từ lâu đã được chứng minh là mang tới những ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ. Những khía cạnh không tốt của ăn mặn có thể kể đến như là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, gây xơ vữa động mạch… và từ đó dẫn đến các biến chứng về tim mạch như đột quỵ, suy tim, thậm chí có thể gây tử vong hoặc bại liệt. Do vây, giảm muối và cố gắng duy trì một chế độ ăn nhạt sẽ mang lại các lợi ích cho sức khoẻ bao gồm:
Duy trì huyết áp ổn định đối với bệnh nhân cao huyết áp.
Giảm sưng, phù ở bệnh nhân suy thận hoặc các bệnh lý về thận.
Giảm nguy cơ xơ vữa động mạch dẫn đến biến chứng đột quỵ ở bệnh nhân suy tim
Để có chế độ ăn nhạt phù hợp, cần cung cấp đủ lượng muối, natri mà cơ thể cần chứ không phải hạn chế muối hoàn toàn. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày (khoảng 1 thìa cà phê muối), tương đương với 2,3g natri/ngày. Tuy nhiên, những nhóm đối tượng sau cần ăn ít muối hơn:
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ: 0,3 - 1,5g muối/ngày.
Người cao tuổi (trên 50 tuổi): <3,2g muối/ngày.
Bệnh nhân mắc bệnh thận, đái tháo đường, cao huyết áp: <3,2g muối/ngày.
Muối thay thế (salt substitute) là các muối có thành phần ít natri trong khi duy trì một hương vị tương tự, dùng để thay thế muối ăn (NaCl) để giảm thiểu những nguy cơ cao huyết áp và bệnh tim mạch có liên quan đến việc sử dụng lượng lớn natri chloride. Chúng thường có thành phần chủ yếu là kali chloride, với liều tối đa được khuyến cáo cao hơn so với sử dụng muối natri nhưng thông thường chúng ta tiêu thụ lại ít hơn natri.
Một nghiên cứu tiến hành trên gần 21.000 người tham gia và triển khai tại 600 ngôi làng ở các vùng nông thôn của 5 tỉnh ở Trung Quốc đã chứng minh về khả năng của các sản phẩm thay thế muối.
Trong nghiên cứu, có khoảng 72% người tham gia nghiên cứu có tiền sử đột quỵ và 88% có tiền sử huyết áp cao. Những người tham gia được chia thành 2 nhóm: nhóm can thiệp và nhóm đối chứng. Nhóm can thiệp được phát miễn phí các chất thay thế muối (được thay thế bằng một sản phẩm có chứa khoảng 75% natri clorua và 25% kali clorua) để thay thế cho muối ăn thông thường và được khuyên nên sử dụng nó cho tất cả các món ăn, gia vị và bảo quản thực phẩm. Các đối tượng thuộc nhóm này cũng được khuyến khích sử dụng chất thay thế muối này ít hơn so với lượng muối ăn thông thường trước đây họ sử dụng để tối đa hóa việc giảm natri của chính họ. Ở phía nhóm đối chứng, các đối tượng vẫn tiếp tục sử dụng muối theo thói quen nấu nướng và ăn uống thông thường hàng ngày.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc chuyển từ muối ăn sang các chất thay thế muối có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở những người trên 60 tuổi có tiền sử cao huyết áp hoặc trước đó bị đột quỵ. Sau 5 năm, những người sử dụng muối thay thế giảm 14% đột quỵ, giảm 13% các biến cố tim mạch chính và giảm 12% tử vong. Những lợi ích này đạt được mà không có bất kỳ tác dụng phụ rõ ràng. Kết quả này cũng được công bố trên Tạp chí Y học New England. Các chuyên gia cũng cho biết kết quả của nghiên cứu thực sự đáng khích lệ, tuy nhiên điều này không nhất thiết sẽ chính xác khi ứng với quốc gia khác vì chế độ ăn uống tại các quốc gia là khác nhau và lượng các loại thực phẩm chế biến sẵn cũng là khác nhau. Nhiều nước khuyến khích ăn nhiều trái cây và rau quả hơn như một cách để giảm tiêu thụ natri mà không cần sử dụng các chất thay thế muối.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, câu hỏi được đặt ra không phải là tìm ra cách kiểm soát hàm lượng natri trong những thứ chúng ta thường ăn, mà là thay đổi những gì chúng ta ăn. Trái ngược với trường phái những người ủng hộ việc sử dụng các thực phẩm thay thế cho muối, nhiều chuyên gia lại đưa ra lời khuyên không nên dùng những chất này mà thay vào đó là lựa chọn những loại thảo mộc, cả dạng khô và tươi để nâng cao hương vị của thực phẩm thay thế cho muối. Việc sử dụng các loại gia vị và thảo mộc có thể thay đổi cảm giác và bù đắp lại sự thèm muối của chúng ta, từ đó làm giảm lượng muối chúng ta tiêu thụ hàng ngày.
Chúng ta đã quá quen với các loại thực phẩm nhiều muối và sử dụng muối cũng như các gia vị khác hằng ngày, chẳng hạn như nước tương, teriyaki, cũng như tất cả các loại muối đen và muối Himalaya khác nhau hiện đang phổ biến trên thị trường. Giảm muối là một việc rất khó khăn, và có thể mất nhiều tuần – thậm chí là nhiều tháng để quen dần với sự điều chỉnh này.
Một cách dễ dàng để giảm natri trong chế độ ăn chính là bổ sung các loại thực phẩm không chứa natri tự nhiên, bao gồm tất cả các loại trái cây và rau quả tươi. Điều này giúp loại bỏ các vật phẩm có hàm lượng natri cao hơn một cách tự nhiên nhất. Ăn một miếng trái cây trước khi ăn trưa hoặc ăn tối chẳng hạn có thể là một cách giúp giảm lượng natri khi vào bữa ăn.
Muối thay thế là một sản phẩm đang nổi lên với các công hiệu trong việc thay thế muối ăn cơ bản, bên cạnh những bằng chứng rất rõ ràng về khả năng bảo vệ chống đột quỵ, các biến cố tim mạch và tử vong sớm. Thay thế muối cũng có thể dễ dàng áp dụng trong chế độ ăn, vì mùi vị và hương vị tương đối giống nhau.
Tuy nhiên, ý kiến về việc sử dụng muối thay thế vẫn còn nhiều tranh cãi. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dù là dùng muối thay thế hay không, chúng ta cũng nên áp dụng các biện pháp đơn giản để hạn chế dần lượng muối tiêu thụ hàng ngày thông qua chế độ ăn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh