Các thuốc điều trị nền tảng
Thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin (ƯCMC):
Các thuốc thuộc nhóm này có tác dụng ức chế loại men chuyển dạng xúc tác chuyển Angiotensin I thành Angiotensin II, từ đó giảm nồng độ Angiotensin II, đồng thời làm tăng Bradykinin, là một chất tác dụng gần như ngược chiều với Angiotensin II. Kết quả chung là các thuốc ức chế men chuyển sẽ tác động điều chỉnh hệ thần kinh thể dịch (hệ Renin – Angiotensin- Aldosterone), làm giãn mạch (giãn cả tiểu động mạch và tĩnh mạch), do vậy làm giảm cả hậu gánh và tiền gánh, từ đó làm giảm gánh nặng cho tim và giảm suy tim. Bên cạnh đó thuốc còn được chứng minh cải thiện chức năng nội mạc, cải thiện chức năng thất trái...
Thuốc ức chế men chuyển được coi là lựa chọn hàng đầu trong điều trị suy tim. Các nghiên cứu đã chứng minh rõ vai trò của thuốc ƯCMC trong điều trị suy tim, không chỉ làm giảm triệu chứng mà còn cải thiện được tiên lượng bệnh rất đáng kể.
Chống chỉ định: Hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai.
Thận trọng khi dùng thuốc ức chế men chuyển cùng với loại lợi tiểu giữ kali hoặc dùng thuốc cho bệnh nhân có huyết áp thấp.
Nhóm thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II (ƯCTT):
Các thuốc nhóm này ức chế trực tiếp thụ thể AT1 nơi mà angiotensine II gây ra các tác dụng trên các tổ chức đích (mạch, thận, tim…). Khác với thuốc ức chế men chuyển, các thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensine II không làm tăng bradykinin nên có thể không gây ra các triệu chứng phụ như là ho khan (một tác dụng phụ rất phổ biến khi dùng ƯCMC và là hạn chế đáng kể của ƯCMC).
Cũng gần như thuốc ƯCMC, các thuốc ƯCTT có tác dụng lên hệ RAA và do vậy có thể làm giãn mạch, cải thiện chức năng thất...
Được chỉ định khi bệnh nhân không dung nạp với thuốc ƯCMC hoặc có thể lựa chọn từ đầu trong điều trị suy tim.
Chống chỉ định và thận trọng: tương tự như thuốc ƯCMC
Thuốc ức chế kép thụ thể Angiotensin Neprilysin (ARNI)
Phức hợp Sacubitril/Valsartan (Sacubitril là tiền chất, sau đó chuyển hóa thành chất ức chế enzym Neprilysin, làm tăng nồng độ các peptid lợi niệu) được khuyến cáo như điều trị thay thế cho nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin II.
Thuốc chỉ định điều trị trong suy tim mạn tính có phân suất tống máu thất trái giảm, đặc biệt khi bệnh nhân đã điều trị bằng các nhóm thuốc suy tim cơ bản tối ưu nhưng không đáp ứng. Có thể cân nhắc Sacubitril/Valsartan cho bệnh nhân suy tim mạn cũng như suy tim cấp đã ổn định huyết động mà không cần phải sử dụng ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể trước đó (ACC 2017, ESC 2019).
Chống chỉ định và thận trọng: tiền sử phù mạch với thuốc ƯCMC, suy thận, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai…
Thuốc chẹn beta:
Thuốc chẹn beta đã trở thành một lựa chọn quan trọng, là một trong những thuốc nền tảng trong điều trị suy tim mạn tính với phân suất tống máu thất trái giảm.
Cơ chế là ngăn chặn tác dụng kích thích thái quá của hệ thần kinh giao cảm trong suy tim ứ huyết mạn tính.
Các thuốc chẹn beta giúp cải thiện sống còn, giảm tái nhập viện do đợt cấp và giảm đột tử do tim trên bệnh nhân suy tim.
Hiện nay, chỉ có 4 loại thuốc chẹn beta có thể dùng trong điều trị suy tim: carvedilol; metoprolol, bisoprolol và nevibolol.
Chống chỉ định: suy tim đang ở giai đoạn mất bù, nhịp chậm, hen phế quản…
Dùng thuốc chẹn beta trong điều trị suy tim luôn phải xem xét kỹ các chống chỉ định, nên bắt đầu bằng liều rất thấp, theo dõi chặt chẽ và tăng dần liều chậm (sau mỗi 2 - 4 tuần). Lợi ích của chẹn beta xuất hiện chậm và lâu dài.
Nhóm lợi tiểu kháng aldosterone:
Thuốc kháng aldosterone không chỉ có tác dụng lợi tiểu mà đặc biệt có lợi ích làm giảm các quá trình bù trừ thái quá của sự tăng aldosterone trong suy tim nặng, do đó làm giảm sự co mạch, giữ muối và nước, sự phì đại cơ tim, suy thận, rối loạn chức năng nội mạch…
Thuốc lợi tiểu kháng aldosterone làm giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện ởnhững bệnh nhân suy tim nặng.
Chống chỉ định và thận trọng: suy thận nặng, tăng kali máu
Các thuốc thường dùng và liều lượng trong điều trị suy tim mạn tính (một số thuốc có thể chưa sẵn có tại Việt Nam)
Nhóm thuốc |
Liều bắt đầu (/ngày) |
Liều tối đa (/ngày) |
Lợi tiểu Furosemide |
20 – 40 mg |
400 mg |
Torsemide |
10 – 20 mg |
200 mg |
Bumetanide |
0,5 – 1,0 mg |
10 mg |
Hydrochlorthiazide |
25 mg |
100 mg |
Metolazone |
2,5 – 5,0 mg |
20 mg |
Thuốc ức chế men chuyển Captopril |
6,25 mg x 3 lần |
50 mg x 3 lần |
Enalapril |
2,5 mg x 2 lần |
10mg x 2 lần |
Lisinopril |
2,5 – 5,0 mg |
20 – 30 mg |
Ramipril |
1,25 – 2,5 mg x 2 lần |
2,5 – 5 mg x 2 lần |
Trandolapril |
0,5mg |
4 mg |
Perindopril |
2 – 5 mg |
5 – 10 mg |
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin Valsartan Candesartan Losartan |
40 mg x 2 lần 4 mg 12,5 mg |
160 mg x 2 lần 32 mg 50 mg |
Thuốc ức chế kép thụ thể angiotensin neprilysin Sacubitril/Valsartan |
50 mg x 2 lần hoặc 100 mg x 2 lần |
200 mg x 2 lần |
Thuốc chẹn beta Carvedilol |
3,125 mg x 2 lần |
25 – 50 mg x 2 lần |
Bisoprolol |
1,25 mg |
10 mg |
Metoprolol succinate CR Nebivolol |
12,5 – 25 mg 1,25 mg |
100 – 200 mg 10 mg |
Các thuốc khác Spironolactone |
12,5 – 25 mg |
25 – 50 mg |
Eplerenone |
25 mg |
50 mg |
Viên kết hợp hydralazine/isosorbide dinitrate |
37,5mg/20mg x 3 lần |
75mg/40mg x 2 lần |
Digoxin |
0,125 mg |
< 0,375 mg |
Các nhóm thuốc khác, áp dụng trong các trường hợp cụ thể
Thuốc lợi tiểu (ngoài nhóm kháng aldosterone)
Tăng thải muối nước, giúp giảm triệu chứng ứ huyết do suy tim, có thể chỉ định cho tất cả các giai đoạn của suy tim nếu có ứ huyết.
Nhóm thuốc lợi tiểu thiazide: Chlorothiazide, Hydrochlothiazide, Metolazone, Indapamide...
Nhóm thuốc lợi tiểu tác dụng lên quai Henle (Furosemid, Bumetanide, Acid Ethacrynic…): Furosemide đặc biệt có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân suy tim nặng hoặc bị phù phổi cấp.
Glucosid trợ tim:
Liều thấp digoxin (khoảng 0,125 mg/ngày) có hiệu quả làm giảm triệu chứng và tỷ lệ tái nhập viện trong suy tim mạn tính.
Liều cao digoxin theo cách dùng cổ điển (liều tấn công và duy trì) có thể làm tăng tử vong và không được khuyến cáo dùng hiện nay.
Chỉ định: Suy tim với cung lượng tim thấp, bệnh cơ tim giãn, đặc biệt khi có nhịp tim nhanh; suy tim có kèm các rối loạn nhịp trên thất, đặc biệt trong rung nhĩ hay cuồng nhĩ.
Chống chỉ định: Nhịp tim chậm; bloc nhĩ - thất cấp II, cấp III chưa được đặt máy tạo nhịp; rối loạn nhịp thất; hội chứng Wolff - Parkinson – White; bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn; hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp van động mạch phổi nặng. - Cần thận trọng trong trường hợp: nhồi máu cơ tim cấp (vì Digoxin làm tăng nhu cầu ôxy của cơ tim) và các rối loạn điện giải, đặc biệt là hạ K+ máu và/hoặc hạ Mg++ máu; thận trọng khi dùng phối hợp với các thuốc amiodarone; quinidin; calci...
Nhóm chẹn kênh If (Ivabradine)
Có tác dụng làm giảm tần số nhịp xoang.
Khuyến cáo trên bệnh nhân suy tim có triệu chứng (NYHA II-IV), EF < 35%, nhịp xoang, tần số tim > 70 ck/phút dù đã tối ưu hóa điều trị suy tim bằng chẹn beta (liều tối đa điều trị suy tim hoặc liều cao nhất bệnh nhân có thể dung nạp được), ức chế men chuyển, kháng aldosterone.
Thuốc được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong do nguyên nhân tim mạch và tái nhập viện do suy tim. - Chống chỉ định: nhịp tim chậm
Kết hợp Hydralazine và isosorbide dinitrate
Chỉ định trên bệnh nhân suy tim (quần thể bệnh nhân da đen) EF < 35% hoặc EF< 45% có kèm giãn buồng tim trái, triệu chứng NYHA III-IV dai dẳng dù đã tối ưu hóa điều trị suy tim bằng UCMC, chẹn beta, kháng aldosterone nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong và tái nhập viện do suy tim.
Điều trị thay thế cho nhóm ức chế men chuyển trong trường hợp không dung nạp hoặc có chống chỉ định nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong.
Thiết bị hỗ trợ (device) cho bệnh nhân suy tim giảm phân suất tống máu thất trái
Máy tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim (CRT):
Cơ chế: máy tạo nhịp tâm nhĩ và/hoặc hai tâm thất trái và phải để đồng bộ hoạt động co bóp của tim trong trường hợp suy tim nặng có kèm theo sự mất đồng bộ điện học hai tâm thất (QRS giãn rộng).
Hiện nay, phương pháp điều trị này được chỉ định ở những bệnh nhân suy tim với EF ≤ 35% kèm phức bộ QRS ≥ 130 ms và có dạng block nhánh trái, còn triệu chứng (NYHA II-IV) mặc dù đã điều trị nội khoa tối ưu.
Máy phá rung tự động (ICD)
Dự phòng tiên phát: Bệnh nhân suy tim nặng EF ≤ 35%, tiên lượng sống thêm ≥ 1 năm, có triệu chứng NYHA II-III (dù điều trị nội khoa tối ưu) do các nguyên nhân sau:
Bệnh cơ tim giãn
Bệnh tim thiếu máu cục bộ (trừ trường hợp mới có NMCT cấp trong vòng 40 ngày)
Dự phòng thứ phát: Bệnh nhân suy tim có rối loạn nhịp thất nặng gây huyết động không ổn định, tiên lượng sống thêm ≥ 1 năm.
Thay (ghép) tim
Chỉ định
Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, đã kháng lại với tất cả các biện pháp điều trị nội, ngoại khoa thông thường.
Dưới 65 tuổi và có khả năng tuân thủ chặt chẽ điều trị.
Chống chỉ định:
Tăng ALĐMP cố định.
Ung thư đang tiến triển hoặc mới được phát hiện dưới 5 năm.
Bệnh lí toàn thân tiên lượng nặng (suy gan, suy thận...).
Vấn đề giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân suy tim và theo dõi lâu dài
Đây là một biện pháp rất quan trọng và mang lại hiệu quả đối với bệnh nhân suy tim mạn tính.
Bệnh nhân phải được giáo dục kỹ về lối sống, về chế độ ăn uống, tránh những yếu tố nguy cơ (hút thuốc lá, rượu), tránh các thuốc có hại đến suy tim như corticoid, thuốc chống viêm khác…
Tiếp tục điều trị tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…
Bệnh nhân cần được chuẩn bị tâm lý, có sự phối hợp tốt trong điều trị và chung sống với bệnh.
Bệnh nhân vẫn được khuyến khích tập thể dục đều đặn trong khả năng cho phép.
Bệnh nhân cần tự mình theo dõi các diễn biễn sức khỏe và các rối loạn như huyết áp, nhịp tim, triệu chứng lâm sàng, mức độ khó thở… để điều chỉnh và thông báo cho các bác sỹ biết.
PHỤ LỤC SỐ 01: LƯỢC ĐỒ ĐIỀU TRỊ SUY TIM VỚI PHÂN SUẤT TỐNG MÁU THẤT TRÁI GIẢM THEO ESC 2016 (THAM KHẢO)
PHỤ LỤC SỐ 02: LƯỢC ĐỒ ĐIỀU TRỊ SUY TIM VỚI PHÂN SUẤT TỐNG MÁU THẤT TRÁI GIẢM THEO ACC/AHA 2017 (THAM KHẢO)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị suy tim 2016 của Hội Tim Mạch Châu Âu (ESC 2016)
Khuyến cáo cập nhật chẩn đoán và điều trị suy tim 2017 của Hội Và Trường Môn Tim Mạch Học Hoa Kì (ACC/AHA 2017)
Khuyến cáo cập nhật chẩn đoán và điều trị suy tim 2018 của Hội Tim Mạch Học Việt Nam (VNHA 2018)
Đồng thuận của Hội Suy Tim Châu Âu 2019 (HF-ESC 2019)
Khuyến cáo về đái tháo đường, tiền đái tháo đường và bệnh tim mạch 2019 của Hội Tim Mạch Châu Âu (ESC).
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh