Loạn nhịp tim hay Rung tâm nhĩ (AF) có mối liên hệ mật thiết với nguy cơ đột quỵ và tử vong, căn bệnh này đã ảnh hưởng đến khoảng 33,5 triệu người trên thế giới và tỷ lệ tử vong ước tính là 1,7 trên 100.000 người. Số người mắc bệnh ngày càng tăng ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Các bằng chứng hiện nay cho thấy các yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh tim mạch đối với phụ nữ và đàn ông, như là bệnh tiểu đường và hút thuốc lá, khá khác nhau. Vấn đề này sẽ có những tác động vô cùng quan trọng trong việc ước tính tỷ lệ mắc bệnh rung tâm nhĩ để có những phương pháp và mục tiêu điều trị bệnh trong tương lai khác nhau giữa các giới.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã thiết lập một nghiên cứu để đánh giá mối liên quan giữa chứng rung tâm nhĩ và các bệnh tim mạch đối với tỷ lệ tử vong của phụ nữ và đàn ông để so sánh sự khác biệt giữa hai giới. Họ đã tiến hành một nghiên cứu phân tích tổng hợp gồm 30 nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 năm 1996 đến tháng 3 năm 2015 bao gồm hơn 4 triệu người tham gia.
Phụ nữ mắc chứng rung nhĩ có nguy cơ tử vong cao hơn tới 12%
Trong mỗi nghiên cứu thuộc nhóm này đều có ít nhất 50 người tham gia mắc chứng rung nhĩ và ít nhất 50 người thuộc nhóm chứng. Các kết quả của các nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt theo giới trong mối liên quan giữa chứng rung nhĩ với tất cả các nguyên nhân gây tử vong, tử vong do bệnh tim mạch, đột quỵ, các tai biến tim mạch bao gồm tử vong do tim mạch, chứng nhồi máu cơ tim nhưng không gây tử vong và bệnh suy tim. Các nhà khoa học cũng cân nhắc để giảm thiểu các sai số từ cách thiết kế nghiên cứu mang lại.
Kết quả cho thấy chứng rung nhĩ làm tăng nguy cơ tử vong tới 12% ở phụ nữ và có thể dẫn tới các nguy cơ đột quỵ, tử vong do các bệnh tim mạch, các biến chứng tim mạch khác và suy tim. Lý do của sự khác biệt giữa hai giới vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Theo phát ngôn của Tổ chức Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), xét về khía cạnh lâm sàng, kết quả này đã hỗ trợ cho sự phát triển hệ thống thang điểm đánh giá nguy cơ mắc chứng rung nhĩ ở phụ nữ và các biện pháp điều trị tích cực hơn đối với các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Liên quan đến chính sách y tế cộng đồng, các nhà khoa học nói rằng việc ước tính gánh nặng trên toàn cầu và trong từng khu vực đối với bệnh rung tâm nhĩ nên có sự độc lập giữa các giới, và việc phân bổ các nguồn lực của y tế công cộng đối với phòng và điều trị rung nhĩ cũng nên cân nhắc sự khác biệt giữa nam và nữ. Ngoài ra họ cũng cho rằng cần tiến hành thêm những nghiên cứu khác để làm sáng tỏ nguyên nhân tại sao lại có sự khác biệt giới tính trong tỷ lệ mắc căn bệnh này. Xem xét về khám phá mới này, các tác giả kết luận:
“Các bác sỹ nên cân nhắc lựa chọn các biện pháp điều trị tích cực hơn đối với các yếu tố nguy cơ ở phụ nữ mắc chứng rung nhĩ do những đối tượng này dường như sẽ có nguy cơ tử vong và phát triển các bệnh tim mạch cao cao so với nam giới.”
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh