Một số thông tin về huyết khối tĩnh mạch sâu

Mối nguy hiểm nằm ở chỗ một phần của cục máu đông này có thể vỡ ra và di chuyển theo dòng máu. Nó có thể bị tắc ở trong phổi và làm nghẽn dòng máu chảy, gây tổn thương các cơ quan hoặc dẫn đến tử vong.

Triệu chứng

Triệu chứng phổ biến của huyết khối tĩnh mạch sâu là sưng phù từ đầu gối trở xuống. Vùng có cục máu đông có thể sưng đỏ, căng tức hoặc cảm thấy đau. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng sẽ có những triệu chứng đó. Có khoảng một nửa số người bị huyết khối tĩnh mạch sâu không biểu hiện dấu hiệu cảnh báo nào.

 

Tắc mạch phổi

Đây là tình trạng khối máu đông di chuyển trong phổi và làm tắc nghẽn dòng máu cấp máu cho phổi. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề về thở, hạ huyết áp, choáng ngất, tim đập nhanh, đau ngực và ho ra máu. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trên đây, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

 

Nguyên nhân của huyết khối tĩnh mạch sâu

Bất kỳ nguyên nhân nào gây tổn thưởng lớp niêm mạc bên trong của tĩnh mạch cũng có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu, ví dụ như phẫu thuật, chấn thương hoặc hệ miễn dịch. Nếu máu của bạn đặc và chảy chậm, sẽ dễ hình thành cục máu đông hơn, đặc biệt là ở các tĩnh mạch đã bị tổn thương. Những người có một số rối loạn đặc biệt về gen hoặc có nhiều estrogen hơn bình thường cũng có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn.

Những người có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm:

- Người có bệnh ung thư

- Người vừa trải qua phẫu thuật

- Người dưỡng bệnh lâu hơn bình thường

- Người cao tuổi

- Người hút thuốc

- Người thừa cân hoặc béo phì

- Người ngồi lâu, ví dụ như ngồi trên một chuyến bay dài

Mang thai

Phụ nữ thường dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu trong suốt thời kỳ mang thai và 4-6 tuần sau khi sinh nở bởi đó là khoảng thời gian họ có nồng độ estrogen cao, khiến cục máu đông hình thành dễ dàng hơn. Áp lực của bào thai cũng có thể làm chậm dòng máu chảy trong tĩnh mạch. Những rối loạn về máu có thể làm nguy cơ của họ thậm chí còn tăng cao hơn.

Điều trị hoocmôn

Cũng như phụ nữ mang thai, thuốc tránh thai và một số phương pháp điều trị các triệu chứng tiền kinh nguyệt có thể làm tăng lượng estrogen trong máu của người phụ nữ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, kể cả khi người phụ nữ không có rối loạn về máu.

Ngồi lâu

Du lịch đến một địa điểm mới và xa có thể là một trải nghiệm tuyệt vời. Nhưng ngồi lâu trên một chiếc ghế trong suốt cả chuyến bay quốc tế thì không thú vị chút nào. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những chuyến bay đường dài hoặc ngồi xe du lịch trên 4 tiếng có thể làm tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu lên gấp đôi. Dù cho bạn đi bằng máy bay, xe bus, tàu hỏa hay ô tô cũng vậy. Khi bạn ngồi lâu trên ghế và không đi lại, dòng máu của bạn sẽ chảy chậm hơn.

 

Chẩn đoán

Bác sỹ sẽ kiểm tra các dấu hiệu huyết khối tĩnh mạch sâu của bạn. Bác sỹ cũng có thể sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật, các loại thuốc mà bạn đang uống , các vấn đề sức khỏe của người thân trong gia đình và những thứ có thể làm tăng nguy cơ của bạn. Siêu âm là một cách phổ biến để chẩn đoán xác định. Bác sỹ sẽ dùng sóng siêu âm để xem dòng máu chảy và phát hiện ra khối máu đông, nếu có. Bạn cũng có thể sẽ phải làm các xét nghiệm khác, như xét nghiệm máu tên là d-dimer

Thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông máu là cách điều trị phổ biến của huyết khối tĩnh mạch sâu. Mặc dù loại thuốc này được xem như thuốc làm loãng máu, nhưng chúng không thực sự làm loãng máu của bạn. Thuốc làm máu của bạn khó “dính vào nhau” hơn để ngăn chặn việc hình thành cục máu đông. Thuốc không thể làm vỡ cục máu đã hình thành nhưng có thể cho cơ thể thời gian để tự hòa tan những cục máu đông đó. Bạn có thể dùng thuốc chống đông máu bằng đường uống hoặc đường tiêm.

Tác dụng phụ của thuốc chống đông máu

Những người uống thuốc chống đông máu có thể sẽ có những vết bầm tím hoặc dễ chảy máu hơn. Khi bạn uống thuốc này, bạn sẽ phải chú ý những gì bạn ăn vào và bạn phải thường xuyên tới phòng thí nghiệm làm xét nghiệm máu để đảm bảo rằng, bạn dùng đúng lượng thuốc cho cơ thể. Thuốc có thể sẽ làm bạn khó cầm máu hơn nếu chẳng may gặp tai nạn. Hãy cho bác sỹ biết nếu bạn chảy rất nhiều máu sau một chấn thương rất nhỏ.

Chảy máu trong

Thuốc chống đông máu cũng có thể làm bạn dễ bị chảy máu trong hơn (chảy máu ở những nơi bạn không nhìn thấy). Chảy máu dạ dày có thể khiến bạn đau, nôn mửa ra hỗn hợp màu đỏ hoặc màu cà phê, và làm phân bạn có màu đỏ sáng hoặc màu đen. Xuất huyết não có thể gây ra những cơn đau đầu ghê gớm, thay đổi thị lực, di chuyển một cách không tự nhiên và lú lẫn. Gọi cấp cứu ngay nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào.

Lưới lọc tĩnh mạch chủ

Nếu bạn không thể uống thuốc chống đông máu hoặc thuốc không hiệu quả với bạn, bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn đặt lưới ở trong tĩnh mạch chủ, gọ là lưới lọc tĩnh mạch chủ. Lưới này sẽ làm vỡ các cục máu đông và ngăn chúng không vào trong phổi và tim. Điều này sẽ không làm giảm việc hình thành khối máu đông hoặc chữa khỏi huyết khối tĩnh mạch sâu nhưng nó có thể giúp ngăn chặn việc tắc mạch phổi.

Thuốc làm tan máu đông (tan huyết khối)

Những loại thuốc làm tan cục máu đông gọi là thuốc tan huyết khối. Loại thuốc này có thể gây ra việc chảy máu nghiêm trọng, bất ngờ bởi vậy bác sỹ chỉ dùng trong những trường hợp cấp cứu, như để làm tan cục máu đông trong phổi, đang đe dọa tính mạng. Bạn có thể dùng thuốc tan huyết khối thông qua việc tiêm tĩnh mạch tại bệnh viện.

Tất bó chặt

Đây là một loại tất đặc biệt, tạo ra một áp lực vừa phải lên chân để giữ dòng máu chảy. Loại tất này có thể ngăn chặn việc hình thành khối máu đông cũng như làm giảm việc sưng và giảm cảm giác khó chịu ở chân khi cục máu đông hình thành. Bạn có thể mua tất bó chật ở hiệu thuốc nhưng bác sỹ cũng có thể sẽ phải kê đơn để mua được loại tất bó chặt hơn. Đi tất, kể cả khi ở nhà.

Nâng cao chân

Bất cứ khi nào có thể, ngồi với tư thế thoải mái và nâng cao chân lên. Làm như vậy sẽ giúp máu từ tĩnh mạch có thể chảy về tim dễ dàng hơn. Việc làm này cũng có thể làm giảm sưng và giảm sự khó chịu ở chân bị huyết khối tĩnh mạch sâu.

 

Ảnh hưởng lâu dài

Một khi cục máu đông đã biến mất, huyết khối tĩnh mạch sâu có thể để lại những di chứng không thoải mái. Bạn cũng có thể sẽ bị sưng phù trong một khoảng thời gian dài hoặc thay đổi màu da ở vị trí của cục máu đông trước đó. Đôi khi, di chứng để lại có thể gây đau đớn. Những triệu chứng, được biết đến như hội chứng sau huyết khối, đôi khi có thể hình thành một năm sau khi cục máu đông biến mất.

 

Luyện tập

Sử dụng cơ bắp để kích thích dòng máu chảy, đặc biệt là các cơ ở dưới chân. Khi bạn không hoạt động, ví dụ như khi ngồi làm việc, thỉnh thoảng hãy thư giãn để làm giãn chân của bạn bằng cách đứng lên, đi lại vài vòng. Thường xuyên luyện tập cũng có thể giữ bạn có một cân nặng hợp lý và làm giảm nguy cơ của bạn.

 

Mẹo khi đi du lịch

Khi bạn đi du lịch mà phải ngồi lâu hơn 4 tiếng, tránh mặc những loại quần áo bó chật và uống nhiều nước. Đứng dậy và đi lại sau vài tiếng đồng hồ. Nếu bạn phải ngồi yên tại chỗ, hãy duỗi và di chuyển chân của mình. Thử giữ chặt sau đó thả lỏng bắp chân và đùi, hoặc nâng gót chân và các ngón chân lên xuống. Khi bạn xuống, hãy đi bộ để tham quan càng nhiều càng tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top