Nên làm gì sau khi thoát khỏi nhồi máu cơ tim?

Nhồi máu cơ tim là một tình trạng đe dọa tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Thiệt hại ở các mô xung quanh xảy ra gần như ngay lập tức. Người bệnh có thể vượt qua được nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này và thời gian tiến hành cấp cứu có kịp thời hay không. Với những người may mắn được cứu sống, những di chứng của nhồi máu cơ tim cũng khiến cho chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng ít nhiều. Vậy nên làm gì để nhanh chóng phục hồi sau một cơn nhồi máu cơ tim?

 

Trước hết cần tuân thủ đúng các hướng dẫn điều trị của bác sĩ để ngăn ngừa các cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai. Tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt và những lưu ý trong đời sống hàng ngày sau khi vừa thoát khỏi nhồi máu cơ tim sẽ giúp người bệnh an tâm hơn đồng thời giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát.

 

1. Dành thời gian nghỉ ngơi

Nên dành thời gian nghỉ ngơi và bắt đầu công việc trở lại khi bác sĩ cho phép

 

Nhiều người sẽ cảm thấy sức khỏe tốt hơn sau một vài tuần nhưng không nên bắt buộc bản thân phải làm việc quá sớm. Nên dành thời gian nghỉ ngơi và bắt đầu công việc trở lại khi bác sĩ cho phép.

Từ từ quay trở lại với các thói quen hàng ngày và thay đổi các thói quen xấu cho sức khỏe tim mạch. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh tạm ngừng quan hệ tình dục và các hoạt động thể chất khác trong ít nhất là 2 tuần.

 

2. Sử dụng thuốc

Thuốc men là một phần quan trọng trong kế hoach điều trị sau nhồi máu cơ tim. Các loại thuốc mà bác sĩ kê dựa trên mức độ thiệt hại của cơ tim và các yếu tố nguy cơ khác. Bệnh nhân nên tuân thủ đúng theo yêu cầu của bác sĩ.

 

3. Điểu chỉnh lại lối sống

Thói quen sinh hoạt lành mạnh là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị các bệnh lý về tim mạch. Hãy xem xét lối sống hiện tại và tìm kiếm những biện pháp cải thiện.

 

4. Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên là cách hiệu quả để kiểm soát cân nặng đồng thời cũng góp phần củng cố cơ tim.

 

Nếu có sự đồng ý của bác sĩ, người bệnh có thể bắt đầu chương trình tập luyện thể dục, thể thao khi sức khỏe đã hồi phục sau cơn nhồi máu cơ tim. Tập thể dục thường xuyên là cách hiệu quả để kiểm soát cân nặng đồng thời cũng góp phần củng cố cơ tim. Chạy bộ nhẹ nhàng, đi bộ với tốc độ từ trung bình đến nhanh, đạp xe… là những hình thức luyện tập giúp làm tăng lượng oxy trong cơ thể đồng thời tăng cường khả năng bơm máu của tim đến các bộ phận khác. Các bài tập aerobic cũng giúp làm giảm huyết áp, căng thẳng và nồng độ cholesterol trong máu.

Nếu nhận thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào khi tập thể dục, chẳng hạn như khó thở, đau ngực, chân tay yếu, mệt mỏi… dừng lại ngay lập tức và gọi cấp cứu.

 

5. Ăn uống

Với những người đã từng bị nhồi máu cơ tim, ăn uống đúng cách là yêu cầu để ngă chặn nguy cơ tái phát trong tương lai. Tránh chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa bất cứ lúc nào có thể. Những chất béo này trực tiếp đóng góp vào sự hình thành mảng bám trong động mạch. Khi động mạch bị tắc, máu không thể đi vào tim, dẫn tới nhồi máu cơ tim.

Kiểm soát cân nặng và duy trì một chế độ ăn uống cân bằng với rau quả, trái cây, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo. Tránh tiêu thụ chất béo từ động vật, thay vào đó ăn chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu oliu hoặc các loại hạt cây.

 

6. Bỏ thuốc

Bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể cũng làm giảm sự xuất hiện của nhồi máu cơ tim trong tương lai.

 

Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim vì nó làm tăng huyết áp và nguy cơ làm đông máu bằng cách giảm các tế bào oxy trong máu. Điều này có nghĩa là trái tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu và có ít các tế bào oxy khỏe mạnh để duy trì hiệu suất tối ưu. Bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể cũng làm giảm sự xuất hiện của nhồi máu cơ tim trong tương lai. Ngoài ra cũng cần tránh tiếp xúc với khói thuốc vì khói thuốc cũng gây ra những nguy hiểm tương tự như việc hút thuốc đối với tim mạch.

 

7. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác

Bên cạnh chế độ ăn uống, tập thể dục và thói quen hút thuốc, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác cũng quan trọng không kém. Hỏi ý kiến bác sĩ về việc điều trị:

  • Tăng huyết áp
  • Nồng độ cholesterol trong máu cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh tuyến giáp
  • Căng thẳng, lo âu, trầm cảm

 

Lưu ý

Người bệnh có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim sau khi đã trải qua một lần bị nhồi máu cơ tim. Điều quan trọng là cần chú ý tới những thay đổi bất thường của cơ thể để có các biện pháp xử lý kịp thời khi cần thiết. Gọi cấp cứu ngay nếu:

  • Mệt mỏi đột ngột
  • Đau ngực, cơn đau lan tới một hoặc cả hai cánh tay
  • Rối loạn nhịp tim
  • Đổ mồ hôi cho dù không tập thể dục
  • Chóng mặt và muốn ngất
  • Chân sưng
  • Khó thở

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top