Nguy hiểm của việc hút thuốc thụ động

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy ngay cả khi đã loại bỏ các yếu tố gây đột quỵ khác như cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim, người không hút thuốc vẫn có nguy cơ đột quỵ cao hơn 30% do hút thuốc thụ động. Nghiên cứu trên là một nghiên cứu cắt dọc được tiến hành trên toàn nước Mỹ về các bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong ở người da trắng (55%) và người Mỹ gốc phi (45%) từ 45 tuổi trở lên. Dữ liệu nghiên cứu được lấy từ nghiên cứu Nguyên nhân gây ra Khác biệt về Địa  lý và Chủng tộc ở Đột quỵ. 

Nghiên cứu này có gần 22.000 người tham gia (38% là người Mỹ gốc Phi, 45% là đàn ông) trong đó 23% cho biết có tiếp xúc với hút thuốc thụ động. Trong giai đoạn từ tháng 4 năm 2003 đến tháng 3 năm 2012, 428 người đã bị đột quỵ. Một phân tích về các dạng đột quỵ (thiếu máu cục bộ và xuất huyết) cho thấy hầu hết các dạng đột quỵ là do tắc dòng chảy máu trong não (352 trường hợp thiếu máu cục bộ, 50 trường hợp xuất huyết và 26 trường hợp đột quỵ chưa xác định).

Các bằng chứng về tác hại cho sức khỏe của hút thuốc thụ động đang trở nên chính xác hơn mặc dù không phải tất cả nghiên cứu đều cho thấy mối tương quan giữa hút thuốc thụ động và đột quỵ. Theo trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Angela M. Malek, Khoa Y tế Cộng đồng, Đại học Y South Carolina, Charleston, các nghiên cứu trước đây đều có hạn chế ở chỗ chúng không mang tính tiền cứu và có nhiều yếu tố trùng lặp. Đột quỵ và hút thuốc thụ động không được định nghĩa nhất quán, phương pháp đo và nguồn hút thuốc thụ động khác nhau, các dạng đột quỵ chưa được nghiên cứu hết và một số nghiên cứu chưa đáng tin cậy do quy mô mẫu nhỏ.

Nghiên cứu hiện tại có độ tin cậy cao do sử dụng mẫu là một nhóm lớn dân số được xác định cụ thể và nghiên cứu trong thời gian dài mà bao gồm một bộ phận lớn người Mỹ gốc Phi và các dạng đột quỵ được định nghĩa rõ ràng.

"Phát hiện của chúng tôi chỉ ra các nguy cơ cho sức khỏe của hút thuốc thụ động ở người không hút thuốc như đột quỵ và bổ sung thêm các bẳng chứng ủng hộ các quy định về hút thuốc nghiêm ngặt hơn. Cần tiến hành thêm nghiên cứu đánh giá các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch trong mối tương quan này và tìm hiểu các yếu tố môi trường khác như ô nhiễm không khí,” tiến sĩ Malek giải thích.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top