Nguyên nhân gây tĩnh mạch mạng nhện

Nguyên nhân gây tĩnh mạch mạng nhện

Cơ thể bạn có những đường vân máu dưới da, có màu đỏ hoặc xanh, chúng tạo thành các hình xoắn, hình cành cây hay chằng chịt như nhện không? Và nếu mẹ bạn hay người nào khác trong gia đình bạn bị như vậy, rất có thể bạn cũng sẽ mắc chúng. 

Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh này chính là do di truyền. Một lối sống không lành mạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc tĩnh mạch mạng nhện.

Theo bác sỹ Luis Navarro thuộc Trung tâm điều trị các bệnh tĩnh mạch ở New York, hút thuốc lá, béo phì và việc sử dụng các thuốc tránh thai có thể là một trong các tác nhân dẫn đến hình thành tĩnh mạch mạng nhện. Hút thuốc và béo phì có thể gây cản trở tuần hoàn máu, khiến cho các mạch máu bị sưng và gây ra các tĩnh mạch mạng nhện.

Ông cũng giải thích thêm “tình trạng béo phì nói chung gây rất nhiều áp lực lên cơ thể, đặc biệt là hệ tuần hoàn”. Ngoài ra, sử dụng các thuốc tránh thai có thể làm thay đổi hormon của cơ thể, làm suy yếu thành tĩnh mạch và thúc đẩy sự hình thành của tĩnh mạch mạng nhện và gây giãn tĩnh mạch (là tình trạng nghiêm trọng hơn có thể gây đau và dẫn tới huyết khối tĩnh mạch sâu).

 

Biện pháp phòng bệnh

Thật không may là bạn không thể làm được gì nhiều để phòng bệnh. Nếu đây là căn bệnh do di truyền thì không có biện pháp nào để có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, nếu tĩnh mạch hình mạng nhện của bạn không phải do di truyền, tích cực hoạt động thể lực có thể giúp giữ cho chúng không phát triển thêm. Chạy bộ và tập thể dục rất có lợi cho lưu thông máu, có thể ngăn cản sự hình thành của tĩnh mạch mạng nhện.

 

Biện pháp điều trị

Biện pháp điều trị hiệu quả nhất đó là chích xơ tĩnh mạch (sclerotherapy), bao gồm việc tiêm một dung dịch gồm có muối, acid béo và glycerin vào các tĩnh mạch bị lỗi. Biện pháp này sẽ phá vỡ các tĩnh mạch và cho phép máu chảy ngược lại một cách an toàn. Chích xơ tĩnh mạch là một liệu pháp đơn giản cũng giống như việc tiêm các thuốc bình thường, chỉ mất khoảng vài phút và không đòi hỏi nhiều thời gian hồi phục. Một số bệnh nhân có thể bị bầm tím ở nơi tiêm nhưng thường hết đi trong vòng 1-2 tuần.

Một liệu pháp điều trị hoàn toàn không đau gọi là  chích xơ tĩnh mạch-làm lạnh sử dụng không khí lạnh để làm tê phần da. Một cách khác là điều trị chích xơ tạo bọt.Phương pháp này mất nhiều thời gian hơn mới có hiệu quả, thường được dùng khi điều trị với các tĩnh mạch lớn.

Các phương pháp nêu trên nói chung có rất ít tác dụng phụ. Các ven mạng nhện sẽ bắt đầu lành lại ngay lập tức (sau khi điều trị) và hầu như bệnh sẽ không còn tái phát. Tuy nhiên, cũng có khả năng những tĩnh mạch mạng nhện tại các vị trí khác sẽ hình thành ở một thời điểm nào đó, nhất là do di truyền.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top