✴️ Nhịp nhanh thất

Nhịp nhanh thất (NNT) là một bệnh tim bắt đầu từ các buồng ở thấp của tim. Bệnh khiến cho tim đập rất nhanh trên 100 lần/phút. Các triệu chứng của NNT bao gồm tim đập nhanh, chóng mặt, đau ngực và khó thở.

Nguyên nhân thường gặp nhất của NNT là có tình trạng bệnh nền bệnh tim thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên, NNT còn có thể xảy ra do nồng độ ma-nhê thấp.

Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin về NNT, bao gồm phân loại, triệu chứng, biến chứng có thể gặp, và tiên lượng.

Nhịp nhanh thất là gì?

Tim của người được cấu tạo bởi bốn buồng. Hai buồng trên được gọi là tâm nhĩ và hai buồng dưới được gọi là tâm thất.

Các buồng tim phối hợp với nhau để bơm máu đi khắp cơ thể. Tim đập khoảng 100,000 nhịp mỗi ngày, và nhịp tim trung bình thường nằm ở mức 60 - 100 lần 1 phút.

Nhịp nhanh thất là nhịp tim nhanh bắt đầu ở tâm thất.

Các chuyên gia tế định nghĩa nhịp nhanh thất là nhịp nhanh hơn 100 lần 1 phút và có hình dạng đặc trưng ở trên điện tâm đồ.

Nhịp nhanh thất có rất nhiều độ nặng khác nhau nhưng thường đều là những trường hợp cần cấp cứu cho dù bệnh nhân có chịu đựng được hay không.

Nguyên nhân là vì tình trạng này có thể nhanh chóng dẫn đến rung thất - tình trạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm nhất và có thể đe dọa đến mạng sống.

Phân loại

Có hai dạng nhịp nhanh thất chính: Bền bỉ (NNTBB) và không bền bỉ (NNTKBB).

Các chuyên gia định nghĩa NNTKBB là tình trạng có ba hay nhiều hơn những lần liên tục nhịp thất vượt quá 100 lần 1 phút  trong vòng ít hơn 30 giây.

NNTBB được định nghĩa là có 3 hoặc nhiều hơn những lần liên tục nhịp thất vượt quá 100 lần 1 phút trong vòng nhiều hơn 30 giây.

Nhịp nhanh thất đa dạng phụ thuộc catecholamin

Nhịp nhanh thất đa dạng phụ thuộc catecholamin là một tình trạng di truyền có thể gây ra nhịp tim nhanh bất thường.

Tình trạng này có thể gây ra mất ý thức hoặc thậm chí chết đột ngột. Nguyên nhân là do tim không bơm đủ máu cho cơ thể.

Tình trạng này thường gặp ở những gia đình có tiền căn bị ngất.

Nhịp nhanh thất vô căn

Đôi khi nhịp nhanh thất cũng có thể xảy ra ở nhưng người không có bệnh sử về tim.

Nguyên nhân thường là do tế bào bên ngoài của nốt xoang bắt đầu tự tạo ra sóng điện tự động.

Loại nhịp nhanh thất này thường dễ điều trị.

Nguyên nhân gây nhịp nhanh thất

Có thể có sự liên quan giữa nhịp nhanh thất và các bệnh lý gây ảnh hưởng đến hệ thống tín hiệu điện của tim. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng biết được bệnh lý nào dẫn đến nhịp nhanh thất.

Nguyên nhân thường gặp nhất của nhịp nhanh thất là do bệnh nền bệnh lý tim thiếu máu cục bộ, nhưng những bệnh tim khác cũng có thể gây ra nó.

Các nguyên nhân thường gặp của nhịp nhanh thất bao gồm:

  • Thiếu máu đi đến tim khiến cho tim bị thiếu oxy
  • Các bệnh lý của cơ tim làm ảnh hưởng đến cấu trúc của tim
  • Các tác dụng phụ của thuốc
  • Sử dụng thuốc cấm, ví dụ như cocain
  • Bệnh xơ cứng bì gây ảnh hưởng đến da và các mô của cơ thể
  • Bệnh lý cấu trúc tim
  • Các tổn thương ở tim do cơn đau tim
  • Suy tim

Yếu tố kích thích

Một số yếu tố kích thích của nhịp nhanh thất bao gồm:

  • Nồng độ kali và ma-nhê thấp
  • Nồng độ kali cao
  • Thiếu máu đến cơ tim
  • Các chất kích ứng và chất độc

Các triệu chứng

Một số triệu chứng thường gặp của nhịp nhanh thất bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh hơn 100 lần 1 phút
  • Cảm giác tim đập nhanh
  • Đau ngực
  • Chóng mặt
  • Chảy mồ hôi
  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Cảm giác lâng lâng

Trong một số trường hợp thì bệnh nhân cũng có thể bất tỉnh hoặc ngừng tim.

Chẩn đoán

Sẽ phải thực hiện một số nghiệm pháp để có thể chẩn đoán bệnh.

Các bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc thăm khám lâm sàng. Trong khi khám, họ sẽ lắng nghe nhịp tim của bệnh nhân bằng ống nghe và sẽ kiểm tra cả mạch và huyết áp.

Nếu như có nghi ngờ nhịp nhanh thất thì bác sĩ sẽ cho chỉ định thực hiện một số thủ thuật kiểm tra để chẩn đoán, bao gồm:

  • Siêu âm tim: Thủ thuật này sử dụng sóng siêu âm để kiểm tra hình ảnh của tim.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Một nghiệm pháp kiểm tra tim cho phép các bác sĩ phân tích được tim thông qua nhiều mức độ vận động khác nhau.
  • Điện tâm đồ: Thủ thuật này sẽ đo và ghi nhận lại hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ được dùng để phát hiện các bất thường ở tim.
  • MRI tim: Kỹ thuật này sử dụng từ trường và sóng radio để tạo dựng lại được các hình ảnh cắt lát rõ ràng của tim, cho phép khảo sát được tim ở một mức độ rõ hơn.

Điều trị

Điều trị có thể làm cải thiện tiên lượng của bệnh nhân.

Các thuốc chống loạn nhịp tim

Nhịp nhanh thất có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc chống loạn nhịp tim. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc này qua đường miệng trong lúc điều trị dài hạn hoặc qua đường tĩnh mạch khi được cấp cứu.

Các thuốc chống loạn nhịp tim còn có thể giúp ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ. Ngoài ra chung còn có thể ngăn ngừa biến chứng và làm chậm lại tiến triển của bệnh mạch vành.

Cấy ghép máy khử rung tim

Máy khử rung tim có thể được dùng để ngăn ngừa biến chứng.

Các máy khử rung tim có thể giúp nhịp tim trở lại bình thường và tim có thể thực hiện được đúng chức năng của mình kể cả khi nhịp nhanh thất xảy ra.

Máy khử rung tim là một thiết bị chạy bằng pin, được cấy vào dưới da để kiểm soát nhịp tim của bệnh nhân. Khi máy phát hiện có nhịp tim bất thường thì máy sẽ phóng ra một xung điện để hồi phục lại nhịp tim bình thường.

Loại bỏ qua ống catheter

Đây là một thủ thuật được dùng để khôi phục nhịp tim lại bình thường, đôi khi còn được gọi là thủ thuật loại bỏ bằng sóng radio.

Thủ thuật sử dụng năng lượng sóng radio có tính chất tương tự như sức nóng của vi sóng để loại bỏ một số mô của tim.

Thủ thuật sử dụng những ống nhỏ được gọi là catheter để đưa vào trong mạch máu và đi đến tim.

Sau đó các tín hiệu năng lượng yếu của sóng radio sẽ được phát ra đi đến các mô gây ra nhịp tim bất thường. Tín hiệu này sẽ phá hủy các tế bào ở ngay tại vị trí đó và khôi phục lại nhịp tim.

Điều trị ngưng tim

Bệnh nhân bị ngưng tim do nhịp nhanh thất cần được khử rung hoặc điều trị shock điện ngay lập tức.

Các nhân viên y tế sẽ kết hợp thủ thuật trên cùng với CPR để khởi động lại tim cho bệnh nhân.

Khi nào nên đi khám

Nên đi khám ngay khi cảm thấy có bất thường trong nhịp tim.

Bệnh nhân cũng nên đi khám nếu như gặp phải các triệu chứng của bệnh nhịp nhanh thất, để các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh được sớm và khôi phục lại nhịp tim bình thường.

Chăm sóc cấp cứu

Nếu như bệnh nhân gặp phải bất kì triệu chứng nào sau đây thì nên đến phòng cấp cứu gần nhất ngay:

  • Cơn đau ngực kéo dài hơn một vài phút
  • Khó thở
  • Ngất hoặc cảm giác sắp ngất

Biến chứng

Các biến chứng có thể gặp của nhịp nhanh thất bao gồm:

  • Ngất
  • Suy tim
  • Phù phổi
  • Huyết áp các cơ quan thấp
  • Suy cơ quan

Đối với một số người khi nhịp nhanh thất không được điều trị thì có thể dẫn đến ngưng tim và mạng sống bị đe dọa.

Tiên lượng

Nhịp nhanh thất thường cần được điều trị. Tiên lượng nhìn chung dành cho bệnh nhân có nhịp nhanh thất thì thường tốt nếu như được điều trị nhanh chóng.

Nếu bệnh nhân không điều trị, khả năng bị ngưng tim và mắc phải các bệnh nặng khác sẽ tăng cao.

Phòng ngừa

Bệnh tim là nguyên nhân thường gặp của nhịp nhanh thất.

Có một số thay đổi trong lối sống mà bệnh nhân có thể thực hiện để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm:

  • Tuân theo chế độ ăn cân bằng
  • Ăn ít thức ăn có nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
  • Hạn chế tiêu thụ thức uống có cồn
  • Hạn chế sử dụng đường
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Bỏ thuốc lá

Tóm tắt

Nhịp nhanh thất khiến cho tim đập nhanh vượt quá 100 lần 1 phút. Nhịp nhanh thất bắt đầu từ các tâm thất của tim và có thể gây ra nhiều triệu chứng, bao gồm cảm giác tim đập nhanh, chóng mặt, đau ngực, và khó thở.

Nhịp nhanh thất có thể được điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp tim, máy khử rung hoặc loại bỏ qua ống catheter.

Nhịp nhanh thất có thể không gây ra các biến chứng. Tuy nhiên, đối với một số người thì tình trạng này có thể làm nguy cơ mắc phải ngưng tim hay chết đột ngột cao hơn. Do đó, dù là trường hợp nào cũng nên đi khám và điều trị.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra nhịp nhanh thất là do có bệnh nền bệnh tim thiếu máu cục bộ. Bệnh nhân có thể giúp phòng ngừa bệnh tim bằng cách tuân theo chế độ ăn cân bằng, tập thể thao thường xuyên, tránh hút thuốc lá và dùng thức uống có cồn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top