Đánh trống ngực là cảm giác tim đập mạnh bất thường, dồn dập, có cảm giác như tim bỏ nhịp, nhịp tim đập không đều. Trải qua các cơn đánh trống ngực có thể khiến bạn thấy rất khó chịu, lo lắng. Trong một số trường hợp, đánh trống ngực có thể xảy ra sau khi ăn. Nguyên nhân có thể là do tác động của một số thực phẩm, đồ uống nhất định.
Hạn chế các loại thực phẩm này có thể giúp bạn ngăn ngừa các cơn đánh trống ngực khó chịu:
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bổ sung quá nhiều caffeine (từ cà phê, nước tăng lực, nước có gas…) có thể kích hoạt cơn đánh trống ngực, góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn nhịp tim như ngoại tâm thu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ uống 1 - 2 cốc cà phê/ngày sẽ không làm tăng nguy cơ đánh trống ngực. Tuy nhiên, do khả năng hấp thụ caffeine của mỗi người là khác nhau, bạn vẫn nên tìm cách cắt giảm các loại đồ uống có nhiều caffeine, đặc biệt là cà phê và các loại nước tăng lực để ngăn tình trạng tim đập loạn nhịp.
Nếu không thể từ bỏ ly cà phê mỗi buổi sáng, ít nhất bạn nên chú ý uống đủ nước sau khi uống cà phê. Nguyên nhân là bởi caffeine có tác dụng lợi tiểu, có thể gây mất nước cho cơ thể. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây kích hoạt cơn đánh trống ngực.
Ngoài các loại đồ uống có nhiều caffeine, bạn cũng nên cẩn thận với chocolate. Dù lượng caffeine trong chocolate thấp hơn nhiều so với cà phê, nhưng chúng lại chứa nhiều đường và có thể góp phần kích hoạt cơn đánh trống ngực sau khi ăn, đặc biệt khi bạn ăn nhiều chocolate cùng lúc.
Như vừa đề cập ở trên, ăn nhiều đường cũng có thể là nguyên nhân gây đánh trống ngực sau khi ăn. Nguyên nhân là bởi ăn quá nhiều đường khiến cơ thể giải phóng các hormone làm tăng nhịp tim như epinephrine hoặc adrenaline.
Theo Hướng dẫn Chế độ ăn uống 2015 - 2020 (Mỹ), bạn không nên bổ sung quá 10% lượng calorie mình cần hàng ngày từ đường. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không nên ăn quá 50gr (hay 12 thìa cà phê) đường/ngày.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ thậm chí còn đưa ra khuyến cáo thấp hơn. Theo đó, nam giới không nên ăn quá 36gr (tương đương với 9 thìa cà phê) đường/ngày, nữ giới không nên ăn quá 25gr (tương đương với 6 thìa cà phê) đường/ngày.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo uống nhiều hơn 5 - 7 ly rượu, bia trong 1 tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ, một dạng rối loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm. Trên thực tế, các loại đồ uống có cồn được đánh giá là tác nhân phổ biến nhất gây kích hoạt cơn đánh trống ngực sau khi ăn.
Tốt hơn hết, nam giới không uống quá 2 ly đồ uống có cồn trong 1 ngày, nữ giới không uống quá 1 ly đồ uống có cồn trong 1 ngày. Lưu ý: 1 ly đồ uống có cồn tương đương với 1 ly rượu vang 148ml, 44ml rượu hoặc 355ml bia.
Các thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế có thể góp phần gây đánh trống ngực. Nguyên nhân là bởi carbohydrate tinh chế có thể dễ dàng bị phân hủy thành đường glucose trong quá trình tiêu hóa. Kết quả là các thực phẩm này có thể khiến đường huyết tăng lên nhanh chóng và có thể ảnh hưởng xấu tới nhịp tim.
Do đó, bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế như bánh ngọt, bánh mì trắng… Thay vào đó, hãy chuyển sang ăn các thực phẩm giàu carbohydrate phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt.
Tyramine là một enzyme có nhiều trong các thực phẩm như phô mai ủ lâu (aged cheese), rượu vang đỏ, các loại thịt nguội, bắp cải muối (sauerkraut) và xì dầu. Nồng độ tyramine tăng cao có thể làm tăng huyết áp, gây tim đập nhanh, đánh trống ngực sau khi ăn.
Cắt giảm các thực phẩm, đồ uống nói trên có thể giúp bạn ổn định nhịp tim, ngăn ngừa tình trạng đánh trống ngực sau khi ăn và giúp phòng ngừa các bệnh rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh