Thiếu máu cơ tim là tình trạng lượng máu đến nuôi tim bị suy giảm, khiến cho tim không tiếp nhận đủ lượng oxy cần thiết.
Để hạn chế các triệu chứng đau tức ngực do thiếu máu cơ tim, cũng như ngăn ngừa các biến chứng đau tim, đột quỵ do xơ vữa động mạch, người bệnh thiếu máu cơ tim cần chú ý chọn thực phẩm theo một số tiêu chí sau:
- Không làm tăng cholesterol “xấu” LDL, giảm cholesterol “tốt” HDL trong máu.
- Không làm mảng xơ vữa động mạch phát triển.
- Không ảnh hưởng xấu đến các thuốc chống đông máu hoặc các thuốc điều trị khác đang được chỉ định.
- Không gây tăng đường huyết, huyết áp - 2 yếu tố nguy cơ dẫn đến đau tim, đột quỵ.
Để đảm bảo các tiêu chí trên, người bệnh thiếu máu cơ tim không nên ăn các thực phẩm sau:
Chất béo “xấu” gồm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. 2 loại chất béo này có thể làm tăng hàm lượng cholesterol “xấu” LDL, giảm cholesterol “tốt” HDL trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người bệnh thiếu máu cơ tim.
Do đó, bạn nên hạn chế các thực phẩm giàu chất béo “xấu” như mỡ, da động vật, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, các loại thịt chế biến sẵn, đồ hộp, các món chiên rán nhiều dầu mỡ…
Các loại thịt đỏ (như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu…) thường chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol nên có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ với người bệnh thiếu máu cơ tim.
Các loại nước ngọt thường chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo màu và đặc biệt là các chất kích thích như caffeine. Những chất kích thích này không chỉ làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu mà còn có thể dẫn đến tăng huyết áp, tăng mức độ co thắt mạch máu, từ đó khiến bệnh thiếu máu cơ tim dễ chuyển thành suy tim và đột quỵ.
Các chất kích thích như rượu, bia, cà phê… đều có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tim mạch, làm suy giảm sức khỏe của người bệnh thiếu máu cơ tim. Các loại đồ uống trên có chứa chất kích thích thần kinh tim, làm tăng nồng độ triglyceride, thúc đẩy quá trình xơ vữa mạch và khiến cơn đau thắt ngực diễn ra thường xuyên hơn, từ đó làm gia tăng các biến chứng và tỷ lệ tử vong do tim mạch.
Một vài người bệnh thiếu máu cơ tim phải dùng các loại thuốc chống đông máu để ngăn ngừa đau tim, đột quỵ. Trong trường hợp này, bạn nên hạn chế các thực phẩm giàu vitamin K như cà chua, ớt, cà rốt, súp lơ trắng, dưa leo, khoai tây, khoai lang, bí đao, rau diếp…
Nguyên nhân là bởi vitamin K có thể khiến thuốc chống đông giảm hoạt tính, giảm hiệu quả và có thể dẫn tới hình thành cục máu đông.
Ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, gây tổn thương mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim, bệnh mạch vành và đột quỵ. Hiệp hội Tim mạch (Mỹ) khuyến cáo người bệnh tim mạch nói chung, người bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng nên ăn ít hơn 1.500mg natri/ngày.
Các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội... không chỉ chứa nhiều chất béo “xấu” mà còn chứa rất nhiều muối. Do đó, người bị thiếu máu cơ tim nên hạn chế ăn các thực phẩm này.
Các loại đường hấp thu nhanh trong bánh kẹo, nước ngọt, ngũ cốc tinh chế (như gạo trắng, bánh mì trắng…) chính là “khắc tinh” của người bệnh thiếu máu cơ tim. Theo đó, các loại đường tinh luyện vừa làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, vừa khiến cho tình trạng xơ vữa động mạch diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt là đối với những người đã có bệnh nền đái tháo đường.
Mặc dù không cần kiêng hoàn toàn, nhưng bạn cũng cần hạn chế tổng lượng chất bột đường trong ngày không nên vượt quá 500gr.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh