✴️ Phân biệt đau tim và đột quỵ

Nội dung

Đau timđột quỵ đều là những tình trạng có khả năng đe dọa đến tính mạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Cả hai đều có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho các cơ quan quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và thậm chí gây tử vong.

Mặc dù đau tim và đột quỵ có một số điểm chung như các triệu chứng, nhưng phương pháp điều trị và quá trình phục hồi của chúng sẽ khác nhau. Trong bài viết này sẽ đưa thêm thông tin về những khác biệt này - có vai trò rất quan trọng để xác định cũng như kiểm soát đột quỵ và đau tim.

Triệu chứng đau tim

Việc nắm được các dấu hiệu cảnh báo đau tim và đột quỵ là rất quan trọng. Cần đến ngay các cơ sở y tế nếu có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện.

Đau ngực là một trong những triệu chứng dễ nhận biết nhất của cơn đau tim. Mặc dù đây là triệu chứng phổ biến nhất, vẫn có một số người trải qua cơn đau tim có rất ít cảm giác đau ngực. Các triệu chứng khác có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim bao gồm:

  • Cảm giác đau nhói, co thắt trong ngực;
  • Đau ở hàm, cổ, cánh tay, lưng hoặc dạ dày;
  • Cảm thấy khó thở;
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu;
  • Mồ hôi lạnh;
  • Buồn nôn hoặc nôn.

Phụ nữ có nhiều khả năng hơn nam giới xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, khó thở và đau quai hàm khi bị đau tim.

           các triệu chứng của đau tim

Triệu chứng đột quỵ

Có hai loại đột quỵ: thiếu máu cục bộ và xuất huyết. Hầu hết những người bị đột quỵ đều do thiếu máu cục bộ. Huyết khối ở một trong các mạch máu não thường gây ra tình trạng tắc nghẽn gây thiếu máu cục bộ.

Trường hợp thiếu máu cục bộ do xuất huyết thường do động mạch vỡ gây ra.

Đột quỵ có thể nhanh chóng làm tổn thương tế bào não, dẫn đến tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong. Đột quỵ bắt đầu một cách nhanh chóng thường không có cảnh báo, các triệu chứng này bao gồm:

  • Rủ xuống một bên hoặc không thể cử động một bên mặt;
  • Yếu hoặc tê ở một cánh tay, trong đó người bị đột quỵ không thể nâng cả hai cánh tay ra bên cạnh;
  • Nói chậm hoặc nói khó hay không thể lặp lại những từ hoặc câu đơn giản một cách rõ ràng;
  • Giảm thị lực ở một mắt;
  • Mất thăng bằng, té ngã thường xuyên hoặc chóng mặt.

Một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hay đột quỵ nhỏ, tạo ra các triệu chứng rất giống với đột quỵ nhưng chỉ kéo dài trong vài phút. TIA thường không gây tổn thương vĩnh viễn cho tế bào não. Tuy nhiên, không nên chủ quan vì sẽ có khoảng 4 trong 10 người bị TIA sẽ mắc đột quỵ. Bất cứ ai gặp các triệu chứng đột quỵ nên gặp bác sĩ ngay lập tức, ngay cả khi họ đã trở lại trạng thái bình thường.

Nguyên nhân

Xơ vữa động mạch gây ra sự tích tụ mảng bám, hạn chế lưu thông máu và làm cứng các mạch máu. Đây là nguyên nhân gây ra phần lớn các cơn đột quỵ và đau tim.

Theo thời gian, các mảng bám có thể cứng lại và bong ra, khiến huyết khối hình thành chặn dòng mạch máu làm thiếu oxy đến các cơ quan của cơ thể.

Trong hầu hết các cơn đau tim, huyết khối chặn dòng máu ở động mạch vành - một trong những mạch máu của tim. Khi đó, một phần của cơ tim nhanh chóng mất đi nguồn cung cấp máu và có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Tương tự, hầu hết các cơn đột quỵ là do tắc nghẽn mạch máu ở não.

Điều trị

Các động mạch bị tắc, huyết khối có thể gây ra cả cơn đau tim và đột quỵ. Vì vậy, cách điều trị của chúng có thể giống nhau ở một số phương pháp. Trong cả hai tình trạng, bác sĩ có thể cho dùng thuốc giúp làm tan huyết khối và khôi phục lưu lượng máu đến cơ quan bị ảnh hưởng.

Cần giải quyết huyết khối càng sớm càng tốt sau khi các triệu chứng xuất hiện, hoặc ít nhất là trong vài giờ đầu sau khi khởi phát.

Thông qua can thiệp nội mạch cũng có thể loại bỏ bất kỳ huyết khối trong động mạch vành hoặc động mạch cảnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể được thực hiện thủ thuật này. Nếu phẫu thuật này được áp dụng, nên thực hiện càng sớm càng tốt sau khi các triệu chứng và tình trạng được xác định rõ ràng.

          phân biệt đột quỵ và đau tim

Hồi phục

Một số loại thuốc có thể hỗ trợ sau đột quỵ hoặc đau tim nhằm mục đích:

  • Giảm sự tích tụ mảng bám trong các động mạch;
  • Hạ huyết áp hoặc mức cholesterol;
  • Giảm tỉ lệ hình thành huyết khối.

Mặc dù một số loại thuốc điều trị đau tim và đột quỵ có thể giống nhau, các phương pháp điều trị khác nhau có thể mang lại hiệu quả cho từng tình trạng.

Những người bị đau tim có thể được kê các loại thuốc cụ thể giúp giảm áp lực cho tim, ngăn ngừa tổn thương tim nặng hơn và giảm các cơn đau tức ngực.

Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn, vì vậy bác sĩ có thể chọn kê đơn thuốc để giúp điều chỉnh lượng đường trong máu để kiểm soát nguy cơ gia tăng này. Nhiều trường hợp đột quỵ và đau tim là do sự tích tụ mảng bám bên trong động mạch. Vì vậy, cần có những biện pháp thay đổi lối sống, bao gồm:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh cho tim;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Bỏ hút thuốc;
  • Duy trì cân nặng.

Những thay đổi này có thể giúp cơ thể phục hồi sau đột quỵ hoặc đau tim và giảm nguy cơ mắc bệnh khác cũng như tăng cường sức khỏe nói chung. Yếu tố quan trọng nhất để phục hồi tốt sau cơn đau tim hoặc đột quỵ là điều trị càng sớm càng tốt.

Sự khác biệt trong trị liệu

Phục hồi sau các cơn đau tim và đột quỵ cần kết hợp nhiều biện pháp hồi chức năng hoặc vật lý trị liệu khác nhau. Loại trị liệu và mục tiêu điều trị thường khá khác nhau giữa hai tình trạng.

Trị liệu sau cơn đau tim

Sau cơn đau tim cần có các biện pháp nhằm phục hồi chức năng của tim. Phục hồi chức năng tim thường bao gồm:

  • Tập thể dục: Phục hồi chức năng bằng các bài tập thể dục phù hợp, tốt cho sức khỏe dưới sự hướng dẫn và giám sát của các chuyên gia.
  • Thay đổi các thói quen sinh hoạt: Bao gồm xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bỏ hút thuốc và kiểm soát các yếu tố nguy cơ đau tim.
  • Giảm căng thẳng: Tìm cách kiểm soát căng thẳng có thể giúp cải thiện sức khỏe của tim.

Trị liệu sau đột quỵ

Trị liệu sau đột quỵ có phần khác với phục hồi chức năng sau cơn đau tim. Nếu xuất hiện tổn thương não trong khi đột quỵ, trị liệu có thể gồm nhiều bài tập khác nhau để giúp người bệnh lấy lại các chức năng thể chất và tâm lý trước đó. Hầu hết các cơn đột quỵ gây ra một trong những biến chứng có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn sau:

  • Vấn đề với vận động hoặc tê liệt ở một số khu vực của cơ thể;
  • Khó nuốt;
  • Thay đổi hành vi hoặc cảm xúc;
  • Các vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ;
  • Khó khăn trong việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ;
  • Nhu động ruột hoặc tiểu tiện không tự chủ;
  • Thay đổi về thị giác, vị giác hoặc khứu giác.

Tổng kết

Đau tim và đột quỵ có nhiều biểu hiện tương tự nhau, nhưng mỗi tình trạng đòi hỏi sự chăm sóc và theo dõi khác nhau.Tuy không thể ngăn chặn một cách hoàn toàn nhưng việc có một lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe có thể giúp giảm thiểu rủi ro của các tình trạng đe dọa đến tính mạng này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top