✴️ Rối loạn thần kinh tim

Rối loạn thần kinh tim là gì?

Rối loạn thần kinh tim còn được gọi là rối loạn thần kinh thực vật, cường giao cảm, rối loạn lo âu. Đây là tên gọi chung của tình trạng rối loạn nhịp tim (tim đập nhanh, bỏ nhịp, hồi hộp, trống ngực, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt…) không rõ nguyên nhân. Điểm đặc trưng của bệnh là không có tổn thương thực thể tại tim nhưng lại gây ra triệu chứng tương tự như các bệnh lý tim mạch khác. 

Lý giải về điểm khác biệt này, các chuyên gia cho biết hệ thần kinh thực vật bao gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Vai trò của hệ thần kinh này là kiểm soát các hoạt động của cơ thể như nhịp tim, thân nhiệt, nhịp thở, tiêu hóa, tiểu tiện… mà không cần sự điều khiển chủ động từ não bộ. Vì thế khi các dây thần kinh của hệ thần kinh thực vật bị tổn thương, nhịp tim cũng sẽ bị rối loạn.

Nguyên nhân bệnh rối loạn thần kinh tim

Rối loạn thần kinh tim có thể là biến chứng của một số bệnh hay do tác dụng phụ một số loại thuốc trên thần kinh tim. Một số nguyên nhân thường gặp gây rối loạn thần kinh tim là:

  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt. 
  • Các bệnh lý tự miễn chẳng hạn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Guillain – Barre. 
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư hoặc thuốc điều trị bệnh lý thần kinh.
  • Di truyền.
  • Căng thẳng, tổn thương tâm lý, stress trong thời gian dài.
  • Sử dụng rượu bia, thuốc lá, trà, cà phê nhiều.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn thần kinh tim

Rối loạn thần kinh tim gây ra một loạt các triệu chứng giống với nhiều bệnh lý tim mạch khác, chỉ có điều trên siêu âm tim, điện tâm đồ không thấy bất thường.

Các triệu chứng rối loạn thần kinh tim bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh, mạnh, cảm giác như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực kèm cảm giác hồi hộp, trống ngực.
  • Đau ngực âm ỉ kéo dài hoặc đau thắt trong thời gian ngắn. Triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột ở cả người già hay trẻ nhỏ.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu khi đứng lên. Người bệnh thấy choáng váng, khó giữ thăng bằng khi thay đổi tư thế..
  • Khó thở, thở nông, cảm giác hụt hơi, không thể hít thở thoải mái. Điều này khiến bệnh nhân có xu hướng ngồi ở nơi thoáng khí, rộng rãi, không thích chỗ đông người, chật chội.
  • Cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức đặc biệt là khi làm việc, tập thể dục.
  • Tay chân run, đổ mồ hôi, mất ngủ, hay lo lắng, bồn chồn.

Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh rối loạn thần kinh cao tuổi có thể bị tăng huyết áp nhẹ.

Rối loạn thần kinh tim có nguy hiểm không?

Phần lớn các trường hợp rối loạn thần kinh tim là lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và tâm lý của người mắc phải.

Người bệnh rối loạn thần kinh tim thường lo âu, căng thẳng, stress vì có triệu chứng nhưng đi khám không phát hiện ra bệnh. Một số người còn bị nói rằng bản thân đang giả vờ mắc bệnh hay bị bệnh tâm linh.

Rối loạn thần kinh tim có chữa được không?

Rối loạn thần kinh tim có thể điều trị được nhưng rất khó để chữa dứt điểm. Bởi bệnh phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tâm lý. Bất cứ khi nào căng thẳng, sang chấn tâm lý do bệnh tật, áp lực, cuộc sống gia đình không như ý… các triệu chứng bệnh cũng có thể xuất hiện trở lại.

Lời khuyên cho người bệnh là tuân thủ phác đồ điều trị rối loạn thần kinh tim của bác sĩ kết hợp sống tích cực lành mạnh và học cách quản lý cảm xúc của bản thân.

Dùng thuốc điều trị đúng hướng dẫn

Các thuốc điều trị triệu chứng rối loạn thần kinh tim có thể được kê khi người bệnh đã thay đổi lối sống nhưng không cải thiện. Một số loại thuốc hay được chỉ định là thuốc chẹn beta giao cảm và thuốc an thần.

Khi uống các thuốc này, bạn cần phải uống đúng liều, đúng thời điểm mà bác sĩ kê. Bởi việc tự ý thay đổi liều có thể gây ra phản ứng ngược khiến tình trạng rối loạn nhịp tim trầm trọng hơn hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ (co thắt phế quản).

 

Tập thể dục và ăn uống khoa học

Bạn hãy dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Các chuyên gia cho biết việc thực hiện các bài tập như đi bộ, đạp xe, bơi lội… thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức khỏe trái tim, giúp tim đập ổn định hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh rối loạn thần kinh tim nên ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C, vitamin B như trái cây họ cam quýt; các loại hạt, rau lá xanh và 1 tuần nên ăn từ 2-3 bữa cá mỗi tuần. Đặc biệt tránh ăn các thực phẩm dễ ảnh hưởng đến nhịp tim như đồ muối chua, nước có gas…

Một số thói quen lành mạnh tốt cho nhịp tim mà bạn cũng nên thực hiện là:

  • Không hút thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc
  • Không uống rượu bia, trà, cà phê và các chất kích thích khác.
  • Ngủ 6 – 8 tiếng mỗi ngày, không nên thức quá khuya.

Rối loạn thần kinh tim mặc dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng để điều trị hoàn toàn không phải là dễ. Tuân thủ lối sống lành mạnh và phác đồ điều trị hợp lý sẽ giúp cải thiện các triệu chứng bệnh nhanh chóng.

Tìm hiểu thêm: Rối loạn nhịp tim

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top