✴️ Rung thất là tình trạng gì?

Nội dung

Rung thất có thể bị nhầm lẫn với rung nhĩ. Cả 2 bệnh lí đều có nhịp tim bất thường, tuy nhiên mỗi bệnh lí là do ảnh hưởng của phần khác nhau của tim (tâm nhĩ và tâm thất).

Rung nhĩ cũng có thể gây ra các bệnh lí tim mạch nguy hiểm, tuy nhiên thường xảy ra sau 1 thời gian dài (mạn tính), bản thân rung nhĩ thường không đe dọa tính mạng tức thời.

1. ĐIỀU TRỊ

Tại phòng cấp cứu, mục tiêu phục hồi tưới máu tới các cơ quan nhanh nhất có thể, đặc biệt là não bộ. Bệnh nhân cũng cần được điều trị để giảm nguy cơ tái phát tối đa.

Điều trị cấp cứu bao gồm hồi sức tim phổi và sử dụng máy khử rung tim.

Hồi sức tim phổi CPR

Hồi sức tim phổi cơ bản với mục tiêu phục hồi tưới máu đi khắp cơ thể. Và thao tác này hoàn toàn có thể được thực hiện bởi những ai đã qua đào tạo.

Trước đây thì CRP bao gồm việc nhấn ngực 30 lần và 2 lần hô hấp nhân tạo.

Theo các hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ công bố năm 2008 thì việc hô hấp nhân tạo có thể không cần thiết.

Thay vào đó thì người hỗ trợ nên nhấn ngực khoảng 2 lần mỗi giây, nghĩa là khoảng 100-120 lần/ phút. Và vùng ngực phải trở về vị trí bình thường giữa 2 lần nhấn ngực. Một khi bắt đầu nhấn ngực thì quá trình này cần được thực hiện liên tục cho tới khi nhân viên cấp cứu đến hoặc có máy khử rung tim sẵn sàng.

Hồi sức tim phổi sớm và sử dụng máy khử rung làm tăng khả năng sống của người bệnh.

Sử dụng máy khử rung

Máy khử rung có thể sử dụng kết hợp với CPR. Thiết bị này phóng dòng điện qua vùng ngực của bệnh nhân. Với mục tiêu sốc nhịp tim trở về nhịp bình thường. Cú sốc điện ban đầu có thể làm ngưng tim, nhưng cũng ngưng nhịp bất thường và phục hồi lại hoạt động bình thường.

Ở một số nước có máy khử rung tim ở nơi công cộng như sân bay, nhà ga chính hoặc trạm xe buýt, trung tâm thương mại hoặc các vị trí tập trung nhiều người để mọi người có thể sử dụng. Sẽ có hướng dẫn bằng giọng nói trên máy để gần như bất kì ai cũng có thể sử dụng được thiết bị này.

2. NGUYÊN NHÂN

Khi tim chúng ta đập, các dòng điện gây ra sự co bóp của cơ tim phải đi theo trình tự đặc biệt. Nếu như có bất kì bất thường nào trên con đường này sẽ gây ra nhịp tim mất thường hoặc rối loạn nhịp tim.

Khi cơ của 4 buồng tim co bóp sẽ gây ra 1 nhịp tim. Trong thời gian 1 nhịp tim thì các buồng tim đóng lại và đẩy máu đi ra khỏi buồng theo đường thoát.

Trong 1 nhịp tim, cơ ở tâm nhĩ, là 2 buồng tim nhỏ ở trên, co lại và đẩy máu đầy vào 2 buồng tâm thất ở dưới đang dãn ra.

Sự co thắt của tâm nhĩ diễn ra khi nút xoang, một nhóm nhỏ các tế bào trong tâm nhĩ phải, phát ra một xung điện làm cho tâm nhĩ phải và trái co lại.

Xung điện tiếp tục đến trung tâm của tim, đến nút nhĩ thất. Nút này nằm trên đường đi giữa tâm nhĩ và tâm thất. Từ nút nhĩ thất, xung động đi qua tâm thất, làm cho chúng co lại.

Kết quả là, máu được bơm ra khỏi tim và đi vào cơ thể.

3. TRIỆU CHỨNG

Các dấu hiệu phổ biến nhất của rung thất là đột ngột ngã quỵ hoặc ngất xỉu, vì các cơ và não đã ngừng nhận máu từ tim.

Khoảng một giờ trước khi bị rung thất, một số người gặp phải:

  • Chóng mặt;
  • Buồn nôn;
  • Đau ở ngực;
  • Nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim nhanh và đánh trống ngực.

4. RUNG THẤT VÀ RUNG NHĨ

Tâm nhĩ trái và phải tạo thành hai ngăn trên của tim, và tâm thất trái và phải tạo thành hai ngăn dưới. Cùng với nhau, tất cả bốn khoang bơm máu đi khắp cơ thể cũng như nhận lại máu về.

Khi tâm nhĩ, hai buồng trên co lại với tốc độ cao quá mức và không đều, bệnh nhân bị rung nhĩ (AFib). Khi hai buồng dưới đập không đều và rung, bệnh nhân bị rung thất (VFib). Cả hai đều tạo ra nhịp tim không đều.

Rung thất là do bất thường của dòng điện trong tim. Làm cho tâm thất co bóp không đều và không hiệu quả dẫn tới hầu như không bơm máu đi khắp cơ thể được. Kết quả là những nhịp co bóp của tim không hiệu quả. Máu ngừng cung cấp đi khắp cơ thể và các cơ quan quan trọng, bao gồm não.

Một bệnh nhân bị rung thất thường sẽ mất ý thức rất nhanh và cần được hỗ trợ y tế khẩn cấp ngay lập tức, bao gồm cả hồi sức tim phổi (CPR).

Nếu CPR được thực hiện cho đến khi được khử rung tim để trở về nhịp bình thường, cơ hội sống sót của bệnh nhân sẽ cao hơn.

Rung nhĩ và rung thất: cái nào nguy hiểm hơn?

Rung thất nghiêm trọng hơn rất nhiều so với rung nhĩ. Rung thất thường để lại hậu quả mất ý thức và tử vong, bởi vì rối loạn nhịp thất có thể gây gián đoạn bơm máu đi khắp cơ thể hoặc làm cho tim không có khả năng cung cấp máu nhiều oxy.

Rung thất có thể gây ra đột tử do vấn đề tim mạch, một trong những vấn đề gây ra khoảng 300.000 ca tử vong mỗi năm ở Hoa Kỳ. Bệnh lí này có thể gây ra tử vong tức thì, và nó có thể xảy ra ở cả những người khỏe mạnh.

5. YẾU TỐ NGUY CƠ

Những yếu tố nguy cơ sau đây có liên quan tới rung thất:

  • Tiền căn rung thất;
  • Có tiền căn nhồi máu cơ tim;
  • Có bệnh lí cơ tim;
  • Sử dụng chất gây nghiện;
  • Bệnh tim bẩm sinh;
  • Điện giật hoặc các chấn thương khác gây tổn thương cơ tim.

Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra rung thất.

Mối liên hệ giữa nhịp nhanh thất và rung thất như thế nào?

Rung thất thường bắt đầu với nhịp nhanh thất.

Nhịp nhanh thất là một nhịp tim nhanh bất thường bắt nguồn từ tâm thất. Nó xảy ra khi các xung điện bất thường di chuyển xung quanh vết sẹo do nhồi máu cơ tim trước đó gây ra. Nó cũng xảy ra ở những bệnh nhân có một số khiếm khuyết ở tim.

Nhịp nhanh thất có thể xuất hiện và biến mất khoảng 30 giây sau đó mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Đây được gọi là nhịp nhanh thất không duy trì.

Nếu nó tiếp tục diễn ra trong hơn 30 giây có thể gây ra đánh trống ngực, chóng mặt hoặc mất ý thức. Nếu không được điều trị, nhịp nhanh thất có thể dẫn đến rung thất.

Xem thêm: Chẩn đoán và phòng ngừa rung thất

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top