1. Tổng quan
U đại tràng lành tính là nhóm tổn thương mô học phát triển trong lòng hoặc thành đại tràng mà không có đặc tính xâm lấn hay di căn. Mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, một số dạng u lành tính có nguy cơ tiến triển ác tính nếu không được phát hiện và theo dõi phù hợp.
Đa phần polyp đại tràng là bệnh lành tính
2. Phân loại u đại tràng lành tính
U đại tràng lành tính được chia thành hai nhóm chính:
U niêm mạc: thường gặp nhất là u tuyến (polyp tuyến).
U thành đại tràng: ít gặp hơn, phát sinh từ các thành phần mô liên kết như:
U mỡ
U xơ
U cơ
U mạch máu
3. Đặc điểm lâm sàng của một số loại u lành tính đại tràng
3.1. Polyp đại tràng
Hầu hết các polyp đại tràng là tổn thương lành tính, thường khu trú ở phần xa đại tràng.
Có thể đơn độc hoặc đa polyp.
Triệu chứng lâm sàng: thay đổi tùy thuộc vào số lượng, vị trí và kích thước. Biểu hiện phổ biến gồm: rối loạn đại tiện, đau bụng, xuất huyết tiêu hóa dưới (phân nhầy máu).
Chẩn đoán: Nội soi đại tràng là phương pháp chính, đồng thời có thể sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp trong quá trình nội soi.
3.2. U mỡ đại tràng
Chiếm khoảng 1–10% các u lành tính của đại tràng.
Vị trí: lớp dưới niêm mạc; kích thước đa dạng.
Triệu chứng: không điển hình; đôi khi biểu hiện bằng rối loạn tiêu hóa, đại tiện ra máu hoặc phân nhầy.
Chẩn đoán: thường phát hiện tình cờ qua nội soi hoặc chẩn đoán hình ảnh.
3.3. U xơ đại tràng
Bản chất lành tính, ít gặp.
Thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu.
3.4. U cơ đại tràng
Phát sinh từ lớp cơ thành đại tràng.
Bề mặt trơn nhẵn, ít gây triệu chứng. Tuy nhiên, khối u có thể gây lồng ruột, chảy máu, hoặc hiếm gặp hơn là chuyển dạng ác tính.
Chẩn đoán: nội soi, sinh thiết và mô bệnh học.
3.5. U mạch máu đại tràng
Hiếm gặp; triệu chứng chính là chảy máu tiêu hóa từng đợt hoặc dữ dội sau đại tiện.
Chẩn đoán: nội soi đại tràng kết hợp với chẩn đoán hình ảnh mạch máu.
4. Phân biệt u đại tràng lành tính và ác tính
5. Chẩn đoán u đại tràng lành tính
Nội soi đại tràng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiêu chuẩn giúp phát hiện sớm các tổn thương bất thường trong lòng đại tràng. Trong quá trình nội soi, có thể tiến hành sinh thiết để xác định bản chất mô học của khối u.
Chẩn đoán hình ảnh bổ trợ: cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI) có thể hỗ trợ đánh giá tổn thương ngoài lòng đại tràng hoặc nghi ngờ u ở thành đại tràng.
6. Định hướng điều trị và theo dõi
Phần lớn các u đại tràng lành tính không cần can thiệp nếu không gây triệu chứng hoặc có nguy cơ tiến triển thấp.
Polyp đại tràng có kích thước >10mm, hình thái nghi ngờ (như polyp không cuống, bề mặt xù xì, tăng sinh nhanh) cần được cắt bỏ và xét nghiệm mô học.
Trường hợp u thành đại tràng (như u mỡ, u cơ) nếu có triệu chứng hoặc nghi ngờ ác tính, sẽ được chỉ định phẫu thuật bóc tách.
Bệnh nhân sau cắt u hoặc có nguy cơ cao cần được theo dõi nội soi định kỳ theo khuyến cáo.
7. Khuyến cáo
Mặc dù u đại tràng lành tính thường không đe dọa tính mạng, người bệnh không nên chủ quan. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và nội soi đại tràng đóng vai trò quan trọng trong phát hiện sớm tổn thương, đặc biệt trong nhóm có nguy cơ cao như: người trên 50 tuổi, tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng, bệnh viêm đại tràng mạn tính, v.v.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp