Một ngày, Tiến sĩ Steven Novella nhận được email của bố. Ông gửi cho con trai một bài viết lan truyền trên mạng Internet, nói về câu chuyện cây kim đã cứu sống nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nặng.
Tiến sĩ Novella là nhà thần kinh học thuộc Đại học Yale School of Medicine, một trường đại học danh giá hàng đầu nước Mỹ. Ông cũng là thành viên cao cấp, là giám đốc khoa học của chuyên ngành y học cơ bản thuộc Quỹ Giáo dục James Randi. Novella còn là chủ tịch hội đồng sáng lập của Ủy ban tìm hiểu những thông tin hoài nghi.
Nhưng bố đẻ của Novella lại rất tin tưởng vào câu chuyện cây kim đó.
Novella cùng các đồng nghiệp của ông ở Ủy ban tìm hiểu những thông tin hoài nghi, ngay lập tức bắt tay vào tìm hiểu bài viết. Và ông đã phải thốt lên rằng “Lại thêm một bằng chứng cho thấy Internet là con dao hai lưỡi”.
Bài viết mà Novella gọi là “thư rác huyền thoại”, được lan truyền một cách chóng mặt dưới nhiều hình thức. Ban đầu nó được spam qua thư điện tử, rồi được trang web không rõ nguồn gốc có tên là wonderfulinfo đăng lại. Tiếp đến là các trang blog chủ yếu ở châu Á tiếp tục đăng tải. Về sau nó lan đến các quốc gia phương Tây.
Nhóm của Novella đã kiểm tra kĩ, cho đến tận hôm nay, ngoài những trang mạng đăng một cách tào lao mà không có bộ lọc tin cậy, thì không một trang web uy tín nào đăng tải, không một tổ chức y khoa nào công nhận.
Bài viết khá dài, nhưng nội dung nói về câu chuyện cứu sống một giáo sư người Trung Quốc bị đột quỵ bằng cách dùng cây kim chích máu 10 đầu ngón tay và 2 bên dái tai. Hơn nửa bài viết hướng dẫn tỉ mỉ kĩ thuật chích máu. Phần còn lại khuyên không vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cho đến khi hết hẳn triệu chứng. Cuối bài viết có lời khuyến cáo người nhận tiếp tục gửi cho nhiều người khác nữa.
Novella đã bác bỏ toàn bộ nội dung của bài viết: “Nếu nhìn từ quan điểm y học, thì những nội dung của nó là hoàn toàn vô lí, đặc biệt gây nguy hiểm cho người bệnh nếu áp dụng”.
Bằng những lập luận dựa trên y học, Novella đã chỉ ra rằng, việc chích máu 10 đầu ngón tay và 2 bên dái tai không ngăn ngừa được đột quỵ, thậm chí còn gây hại cho bệnh nhân vì nguy cơ gây thiếu ô xy não. “Không có lí do gì để không di chuyển bệnh nhân đột quỵ. Con đường gập ghềnh không làm vỡ các mao mạch não, nhưng sựu chậm trễ sẽ làm chết tế bào não” – Tiến sĩ Novella đặc biệt lên án bài viết khuyên người thân ngồi quan sát chờ bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, khuyên không vận chuyển bệnh nhân đi viện vì lí do đường xóc làm vỡ các mao mạch trong não.
Novella nhấn mạnh: “Bệnh nhân đột quỵ thời gian là não. Đã có những chiến dịch y tế điều trị đột quỵ giống như cuộc tấn công não để bệnh nhân được cấp cứu càng sớm càng tốt. Vậy mà bài viết sai lệch một cách vô lí đã chống lại những nỗ lực ấy của chúng tôi”.
Với bệnh nhân đột quỵ, mỗi phút chậm trễ sẽ giết chết hàng tỉ Neuron thần kinh. Bởi vậy mà Novella nhấn mạnh: “Sử dụng thuốc tan huyết khối đường tĩnh mạch (t-PA) hay lấy cục máu đông, là những cách tốt nhất để cứu sống bệnh nhân, nhưng cũng chỉ có giá trị trong nững giờ đầu. Bất kì sự chậm trễ nào, bệnh nhân đều mất đi cơ hội sống”.
Vậy tại sao bài viết không chỉ tồn tại mà nó còn lan truyền mạnh mẽ và được nhiều người áp dụng? Theo Novella giải thích, thì trong số nhiều người đột quỵ, sẽ có không ít người thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA). Nếu căn cứ vào định nghĩa, bệnh nhân TIA sẽ hết triệu chứng hoàn toàn sau 24 giờ, đa số chỉ 10-15 phút; nên việc chích máu 10 đầu ngón tay và 2 bên dái tai chỉ là ngẫu nhiên tình cờ.
Sau tất cả, nhóm của Novella và những thành viên Ủy ban tìm hiểu những thông tin hoài nghi đã đi đến kết luận rằng, bài viết cây kim chích máu 10 đầu ngón tay và 2 bên dái tai, là một bài viết vô lí, đi ngược lại với những quan điểm y học, nó thực sự gây nguy hiểm cho người bệnh bởi sự trì hoãn không cho bệnh nhân tiếp cận với y tế.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh