✴️ Tăng huyết áp không ổn định là gì?

Nội dung

Tăng huyết áp không ổn định là khi huyết áp của bạn thường xuyên dao động giữa mức bình thường và cao. Mặc dù huyết áp bình thường có thể thay đổi trong ngày nhưng với bệnh tăng huyết áp không ổn định, huyết áp dao động đột ngột hơn.

Bài viết này nói về định nghĩa tăng huyết áp không ổn định, các triệu chứng có thể gặp phải, nguyên nhân, cách điều trị và giúp phòng ngừa bệnh, khi nào nên đi khám bác sĩ.

 

Tăng huyết áp không ổn định là gì?

Từ không ổn định chỉ một cái gì đó có thể thay đổi nhanh chóng và tự phát.

Tăng huyết áp nghĩa là huyết áp từ 130/80mmHg trở lên.

Tăng huyết áp không ổn định là khi huyết áp của bạn không giữ ở mức bình thường nhưng cũng không cao liên tục.

 

Triệu chứng

Mặc dù không phải ai bị chứng tăng huyết áp không ổn định cũng có triệu chứng, bạn có thể:

  • Ù tai;

  • Đau đầu;

  • Chóng mặt;

  • Đỏ mặt;

  • Suy nhược hoặc hôn mê.

 

Nguyên nhân

Lo âu và căng thẳng có thể gây tăng huyết áp không ổn định. Một ví dụ về tình tuống có thể gây tăng huyết áp có thể là bạn vừa nhận được một số tin xấu hoặc có thể đang chờ kết quả thi.

Nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến huyết áp như:

  • Tuổi tác;

  • Ăn quá mặn;

  • Tiêu thụ quá nhiều caffeine;

  • Dùng một số loại thuốc;

  • Uống rượu bia;

  • Sử dụng ma túy.

 

Các tình trạng tương tự

Có một số tình trạng khác tương tự chứng tăng huyết áp không ổn định trong đó huyết áp dao động vượt quá các thông số bình thường.

Tăng huyết áp áo choàng trắng

Tăng huyết áp áo choàng trắng (WCH) là một tình trạng mà huyết áp dao động trong môi trường y tế. Ví dụ, huyết áp có thể chỉ tăng khi bạn đang khám với bác sĩ.

Nếu một người bị WCH, các kết quả đo huyết áp mà bác sĩ thực hiện có thể không phản ánh chính xác huyết áp đúng của người đó.

Tăng huyết áp ẩn giấu

Ngược lại với tăng huyết áp áo choàng trắng là tăng huyết áp ẩn giấu, một tình trạng mà chỉ số đo huyết áp tại môi trường y tế thì bình thường nhưng có thể cao hơn vào những thời điểm khác.

Ở chứng tăng huyết áp ẩn giấu, chỉ số huyết áp mà nhân viên y tế đo được có thể thấp hơn huyết áp trung bình thực tế của người đó.

Tăng huyết áp kịch phát

Một tình trạng tương tự với tăng huyết áp không ổn định là tăng huyết áp kịch phát. Tình trạng này có thể khiến huyết áp của bạn dao động đột ngột giữa mức bình thường và cao.

Theo một bài báo năm 2009, trong khi tăng huyết áp không ổn định thường là một tình huống cụ thể, thường do các sự kiện căng thẳng, còn tăng huyết áp kịch phát dường như xảy ra ngẫu nhiên.

Ngoài ra, tăng huyết áp không ổn định có thể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng, trong khi tăng huyết áp kịch phát thường biểu hiện với các triệu chứng gồm:

  • Đau đầu;

  • Đỏ mặt;

  • Sức khỏe yếu;

  • Đánh trống ngực;

  • Sợ chết hoặc đột quỵ;

  • Khó thở.

Bài viết cho rằng tăng huyết áp kịch phát có liên quan đến những cảm xúc bị kìm nén có thể liên hệ đến chấn thương tinh thần nghiêm trọng trước đó. Bài viết cũng lưu ý rằng một số người bị tăng huyết áp kịch phát có thể dễ bị kìm hãm cảm xúc của mình.

Trong khoảng 2% các trường hợp bị tăng huyết áp kịch phát, nguyên nhân có liên quan đến một khối u được gọi là u tủy tuyến thượng thận.

Các tình trạng tương tự

 

Điều trị

Hiện chưa có cách điều trị chuyên biệt cho chứng tăng huyết áp không ổn định.

Thay vào đó, các chuyên gia y tế có thể tập trung vào việc giúp người bệnh giảm bớt lo lắng và căng thẳng theo tình huống cụ thể.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc chống lo âu ngắn hạn để người bệnh chỉ sử dụng khi họ đang có các triệu chứng lo âu.

Thuốc này bao gồm:

  • Alprazolam (Xanax);

  • Clonazepam (Klonopin);

  • Diazepam (Valium);

  • Lorazepam (Ativan).

Những thuốc này thường giúp giảm bớt các triệu chứng lo lắng trong vòng một giờ nhưng không thích hợp với việc dùng lâu dài vì chúng trở nên kém hiệu quả hơn nếu sử dụng thường xuyên hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng những loại thuốc này cũng có thể gây nghiện nếu bạn sử dụng chúng lâu hơn 4 tuần. Do đó, thuốc chỉ được dùng ngắn hạn.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống lo âu dài hạn mà bạn có thể dùng hàng ngày để giúp ngăn ngừa lo lắng, gồm:

  • Sertraline (Zoloft);

  • Paroxetine (Paxil);

  • Escitalopram (Lexapro);

  • Citalopram (Celexa).

Những người bị tăng huyết áp không ổn định nên trang bị một máy đo huyết áp để sử dụng tại nhà.

Điều này có thể đặc biệt có ích với những người bị tăng huyết áp áo choàng trắng, vì họ có thể đo huyết áp chính xác định kỳ mà không cần đến gặp bác sĩ.

 

Biến chứng

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy mối tương quan giữa tăng huyết áp không ổn định và khả năng tăng nguy cơ tim mạch, như:

  • Mắc bệnh mạch vành;

  • Đột quỵ;

  • Suy tim.

 

Chẩn đoán

Không có tiêu chuẩn để chẩn đoán tăng huyết áp không ổn định.

Những người có sự dao động huyết áp một cách bình thường và không có ngưỡng ổn định để trở thành tăng huyết áp không ổn định.

Nếu bạn bị tăng huyết áp áo choàng trắng cùng với tăng huyết áp không ổn định, bác sĩ có thể nghĩ đến bạn bị tăng huyết áp liên tục chứ không phải tăng huyết áp không ổn định.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có thể bị cao huyết áp, họ có thể đề nghị sử dụng máy đo huyết áp tại nhà để đo các chỉ số thường xuyên.

Nếu các chỉ số đo thường cho thấy huyết áp của bạn nằm trong giới hạn bình thường, bác sĩ có thể kiểm tra thêm để loại trừ tăng huyết áp.

Bác sĩ có thể đề nghị bạn theo dõi huyết áp lưu động trong 24 giờ để kiểm tra xem bạn có đang bị huyết áp không ổn định hay không.

Bạn theo dõi bằng cách đeo một thiết bị nhỏ ghi lại nhiều thông tin từ cơ thể, như thời gian ngủ, thời gian ăn và thời gian tập thể dục. Cách này có thể cung cấp cho bác sĩ cái nhìn tốt hơn về cách huyết áp của bạn dao động trong một ngày.

 

Phòng ngừa

Nếu bạn đang tìm cách giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp không ổn định thì nên:

  • Cố gắng kiểm soát mức độ căng thằng của mình, tránh các tình huống căng thẳng hoặc học cách kiểm soát chúng hiệu quả hơn;

  • Kiểm soát mức độ lo lắng bằng cách thiền và các kỹ thuật thư giãn khác hoặc dùng thuốc;

  • Bỏ hút thuốc lá;

  • Hạn chế lượng muối tiêu thụ;

  • Hạn chế uống rượu bia;

  • Tránh sử dụng một số loại thuốc kê toa hoặc ma túy.

Nếu bạn bị tăng huyết áp áo choàng trắng, bạn có thể thử giảm căng thẳng liên quan đến việc thăm khám với bác sĩ để cảm thấy bình tĩnh và thư giãn trước khi bác sĩ đo huyết áp.

 

Tổng quan

Khi huyết áp của bạn tăng do tăng huyết áp không ổn định, bạn thường sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì, ngoài các triệu chứng tiềm ẩn đi kèm.

Huyết áp của bạn có thể sẽ trở lại mức bình thường sau một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy tăng huyết áp không ổn định không được điều trị trong thời gian dài có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.

 

Khi nào cần khám bác sĩ

Bởi vì tăng huyết áp không ổn định không được điều trị có thể tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe và vì tình trạng này có thể khó phát hiện, quan trọng là bạn phải kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Bác sĩ có thể kiểm tra huyết áp của bạn hoặc bạn có thể mua máy đo huyết áp tại nhà để tự kiểm tra thường xuyên.

 

Tóm tắt

Ngay cả mức tăng huyết áp tạm thời cũng có thể tác động tiêu cực đến cơ thể.

Mức tăng thường xuyên có thể gây căng thẳng cho tim và do đó làm tăng nguy cơ tử vong. Đó là lý do tại sao mọi người phải theo dõi huyết áp của mình và tìm cách điều trị nếu nó trên mức bình thường.

Vì tăng huyết áp không ổn định thường do lo lắng gây ra, nên mọi người phải kiểm soát sự lo âu tốt nhất có thể. Các phương pháp điểu trị tại nhà như thiền có thể có ích và bạn cũng nên cân nhắc việc đi khám bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top