Tất tần tật thông tin về bệnh cao huyết áp

Nội dung

Bệnh cao huyết áp hiếm khi có triệu chứng đáng chú ý, tuy nhiên nếu chủ quan không điều trị sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh thận, đột quỵ hoặc mất trí nhớ. Dưới đây là tất tần tật thông tin về bệnh cao huyết áp bạn đọc nên tham khảo để có cách phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe hiệu quả.

 

Cao huyết áp là gì?

Cao huyết áp hay tăng huyết áp là một bệnh mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao.

 

Cao huyết áp hay tăng huyết áp là một bệnh mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao. Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim, tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch. Có nhiều quy chuẩn khác nhau về khoảng bình thường của huyết áp. Cụ thể huyết áp lúc nghỉ thông thường nằm trong khoảng 100-140mmHg huyết áp tâm thu và 60-90mmHg huyết áp tâm trương. Bệnh nhân bị cao huyết áp khi đo huyết áp của bệnh nhân thường xuyên thấy cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.

 

Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp

Tăng huyết áp thứ phát: huyết áp tăng cao thường gặp trong các trường hợp như:

  • Bệnh thận: viêm thận mạn, viêm thận cấp, suy thận, thận đa nang, ứ nước bể thận, u tăng tiết renin …
  • Nguyên nhân nội tiết: hội chứng Conn, hội chứng Cushing, phì đại tuyến thượng thận bẩm sinh, u tủy thượng thận: gây ra cơn tăng huyết áp sau đó huyết áp tự trở lại bình thường, tăng calci máu, cường tuyến giáp, bệnh to đầu chi.
  • Bệnh tim mạch: hẹp đoạn xuống quai động mạch chủ: tăng huyết áp chi trên, chi dưới huyết áp lại thấp hơn, hở van động mạch chủ: huyết áp tối đa tăng, huyết áp tối thiểu giảm.
  • Một số nguyên nhân khác: nhiễm độc thai nghén, bệnh tăng hồng cầu; nguyên nhân thần kinh(nhiễm toan hô hấp); do thuốc: sử dụng thuốc corticoid kéo dài, thuốc tránh thai… cũng khiến huyết áp tăng cao.

 

Tăng huyết áp nguyên phát (cao huyết áp vô căn)

Một số yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng tới bệnh tăng huyết áp: do hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường, người cao tuổi trên 60 tuổi dễ bị tăng huyết áp, nam giới hoặc nữ giới đã mãn kinh, nghiện rượu bia, béo phì, ít vận động cơ thể hoạt động thể chất …

 

Bệnh cao huyết áp ở người già và người trẻ khác nhau như thế nào?

Nguy cơ bị cao huyết áp tăng dần theo độ tuổi.

 

Bệnh tăng huyết áp ở người trẻ có đến 70% là không có triệu chứng điển hình như nhức đầu, chóng mặt… và thường được phát hiện tình cờ trong những đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân đến khám bệnh vì lý do khác.

Tăng huyết áp ở người trẻ thường bị cao số huyết áp tâm trương, ví dụ 120/95mmHg, trong khi tăng huyết áp ở người cao tuổi thường là tăng số huyết áp tâm thu, ví dụ 170/80mmHg.

Dấu hiệu không điển hình của bệnh tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp…

Ngoài ra, ở người trẻ bị tăng huyết áp thì tỉ lệ rối loạn chức năng tình dục cao gấp 2,5 lần so với người không bị tăng huyết áp. Tỉ lệ này còn cao hơn khi người trẻ bị tăng huyết áp kèm theo các bệnh khác như đái tháo đường, bệnh lý thận mạn…

Khác với người già, các yếu tố cản trở việc điều trị tăng huyết áp ở người trẻ xuất phát từ tâm lý không chấp nhận mình bị tăng huyết áp vì cảm thấy cơ thể khỏe mạnh bình thường, tâm lý che giấu bệnh chính vì thế mà người trẻ dễ gặp phải biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

 

Phòng ngừa và điều trị

Giảm cân nếu bị béo phì là một trong những biện pháp giúp phòng ngừa và điều trị bệnh cao huyết áp.

 

Một số biện pháp đơn giản giúp làm giảm huyết áp có thể tham khảo:

  • Giảm cân nếu bị béo phì
  • Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống hàng ngày
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ăn uống lành mạnh
  • Hạn chế uống rượu, bia
  • Bỏ hút thuốc lá

Với những trường hợp huyết áp tăng quá cao, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ cho tới khi huyết áp trở lại mức bình thường. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân cao huyết áp thay đổi lối sống và đôi khi sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp.

 

Xử trí đúng cách khi huyết áp cao đột ngột

Khi bị tăng huyết áp đột ngột cần phải xử trí kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. Ngay sau đó, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám chữa trị.

  • Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi tại chỗ, hít thở sâu, thả lỏng cơ thể.
  • Nếu có máy đo huyết áp cá nhân, đo ngay cho người bệnh, huyết áp cao trên 180mmHg nếu có viên hạ huyết áp nhanh dạng nhỏ giọt dưới lưỡi thì nhỏ luôn, nếu không có thì sử dụng thuốc viên hạ huyết áp.

Trường hợp chỉ số huyết áp từ 200mmHg trở lên, nếu trong nhà có thuốc lợi tiểu thì cho uống kèm luôn.

Trường hợp không có thuốc tây thì cho người bệnh uống nước rau cần tây, nước râu ngô, nước rau họ cải hoặc các loại nước có tác dụng lợi tiểu. Ngoài ra, để hạ huyết áp có thể bấm vào các huyệt sau:

  • Day huyệt ấn đường:Dùng ngón tay trỏ hoặc giữa bấm day huyệt ấn đường khoảng 30 lần.
  • Vuốt trán:Dùng hai ngón tay cái hoặc ngón trỏ vuốt từ giữa trán sang hai bên cuối huyệt thái dương khoảng 30 lần.
  • Chải tóc:5 ngón tay hơi mở, ấp vào tóc phía trước rồi chải dần về phía sau gáy, làm khoảng 30 lần.
  • Day huyệt thái dương:Dùng hai ngón tay cái hoặc ngón giữa day vào huyệt thái dương khoảng 50 lần.
  • Xoa huyệt dũng tuyền: Dùng tay xoa xát mạnh lòng bàn chân xoa nhanh dần cho đến khi lòng bàn chân nóng lên thì thôi.

 

Huyết áp cao làm sao để kiểm soát?

Để làm giảm huyết áp cao, hỗ trợ điều trị tránh tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột gây biến chứng đột quỵ cho người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý trong chế độ ăn uống như sau:

  • Ăn nhạt: Ăn mặn sẽ gây tăng huyết áp. Vì vậy, người bệnh nên ăn nhạt vừa phải, lượng muối cần đủ trong chế độ ăn uống cho bệnh cao huyết áp trong một ngày nên từ khoảng 5 đến 6 gam (kể cả muối trong thức ăn).
  • Bỏ rượu, thuốc lá. Tránh căng thẳng thần kinh quá mức. Khi làm việc căng thẳng, nên nghỉ ngơi tránh bị stress.
  • Giữ trọng lượng cơ thể ở mức bình thường, hạn chế chất bột đường, không nên ăn quá nhiều trứng, đồ chiên xào, không ăn quá nhiều mỡ động vật, không ăn các phủ tạng động vật
  • Ngoài ra nên ăn nhiều rau xanh, chất xơ và chú ý tăng cường vận động thể lực vừa sức để giảm bớt trọng lượng.
  • Vận động thể dục thể thao vừa sức thường xuyên 15-30 phút mỗi ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top