Trị bệnh yếu tim như thế nào cho hiệu quả?

Nội dung

Yếu tim là thuật ngữ được nhiều người sử dụng khi nói về bệnh suy tim mà không biết rằng cách gọi này chưa chuẩn xác. Đây là là một trong những bệnh lí tim mạch nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong cao mà chúng ta cần chú ý. Bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin khái quát về căn bệnh này.

Suy tim là bệnh lí tim mạch phổ biến và thường gặp hiện nay.

 

Suy tim hay chúng ta vẫn quen gọi là bệnh yếu tim, là trạng thái bệnh lí trong đó lượng máu mà tim bơm ra trong một phút không đủ để đáp ứng với nhu cầu oxi của cơ thể trong mọi tình huống sinh hoạt của người bệnh. Điều này gây nhiều ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người bệnh, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc hoạt động mạnh, và ăn uống di chuyển …Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh suy tim sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ, trụy mạch…dẫn đến tử vong và đột tử. Vậy phải làm thế nào để phòng tránh và điều trị bệnh suy tim hiệu quả?

Chế độ ăn hợp lí và một lối sống lành mạnh giúp hạn chế tối đa nguy cơ gây bệnh và biến chứng của bệnh tim mạch.

 

Phương pháp điều trị bệnh suy tim

Nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh lí tim mạch (trong đó có suy tim) là do thói quen ăn uống, sinh hoạt; lối sống thiếu khoa học và sự chủ quan, thiếu hiểu biết về sức khỏe bản thân của người bệnh. Vì vậy, để điều trị bệnh suy tim hiệu quả phụ thuốc rất nhiều vào ý thức của người bệnh trong việc thay đổi lối sống lành mạnh; hạn chế tối đa nguy cơ gây bệnh và tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sỹ chuyên khoa. Theo các chuyên gia tim mạch của Mỹ, bệnh suy tim được chia thành 4 mức độ (1;2;3;4) dựa trên mức độ hoạt động thể lực và triệu chứng cơ năng của bệnh nhân. Với mỗi mức độ tương ứng, bác sỹ chuyên khoa sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp để thu được hiệu quả tốt nhất.

Để điều trị bệnh suy tim, sau khi thăm khám, chẩn đoán thực tế, bác sỹ có thể chỉ định cho người bệnh điều trị bằng các phương pháp sau:

1. Điều trị không dùng thuốc – đây là phương pháp áp dụng tốt cho cả 4 mức độ suy tim.

Với phương pháp này, người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lí kết hợp với chế độ ăn ít chất béo, ít đường và ít muối; uống ít nước và luôn giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng stress. Hạn chế thậm chí loại bỏ các nhân tố làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh như: rượu bia; thuốc lá; cà phê; chất kích thích…và giảm cân đối với người thừa cân, béo phì…

 

2. Điều trị dùng thuốc – Biện pháp này thường áp dụng với các trường hợp suy tim ở mức độ trung bình (độ 2 – 3).

Các loại thuốc thường dùng trong điều trị suy tim:

– Thuốc glucosid trợ tim: digoxin giúp làm tăng sức co bóp của tim, giảm nhịp tim.

– Thuốc lợi tiểu: giúp tăng cường sự đào thải nước tiểu làm giảm bớt khối lượng tuần hoàn vì thế làm giảm gánh nặng cho tim.

– Thuốc giãn mạch: làm giãn hệ tĩnh mạch và giãn động mạch vành.

– Thuốc chẹn beta giao cảm tác dụng làm chậm nhịp tim.

– Thuốc làm tăng sức co bóp cơ tim khác như các thuốc dopamine, dobutamine …

– Thuốc chống đông: heparin và các thuốc nhóm kháng vitamin K.

 

3. Điều trị can thiệp bằng phẫu thuật đối với các trường hợp suy tim nặng.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể sau khi thăm khám và chẩn đoán mà bác sỹ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phẫu thuật thích hợp nhất, thậm trí có thể là thay hoặc ghép tim.

Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tim mạch sẽ giúp làm chậm lại diễn tiến của bệnh. Bởi vậy, chúng ta nên tạo cho mình thói quen theo dõi và khám sức khỏe định kì để tầm soát, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Nếu nhận thấy có các dấu hiệu như: đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi, ho, phù…nên tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top