Bệnh tim là từ để chỉ chung các bệnh lý gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch của cơ thể. Có nhiều loại bệnh tim khác nhau, và chúng ảnh hưởng đến tim và hệ thống mạch máu theo nhiều cách khác nhau.
TRIỆU CHỨNG
Các triệu chứng của bệnh tim phụ thuộc vào loại bệnh mà bệnh nhân mắc phải. Ngoài ra một số bệnh tim còn có thể không biểu hiện triệu chứng nào.
Dù vậy thì những triệu chứng sau đây cũng có thể gợi ý một bệnh tim:
- Đau thắt ngực
- Khó thở
- Mệt mỏi và cảm giác xây xẩm
- Phù do bị ứ đọng dịch
Ở trẻ em, những triệu chứng của dị tật tim bẩm sinh có thể có triệu chứng tím, hoặc da có màu xanh và không thể tập thể dục.
Một vài triệu chứng có thể gợi ý một cơn đau tim bao gồm:
- Đau ngực
- Không thở nổi
- Tim đập mạnh
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Ra mồ hôi
- Đau tay, hàm, lưng hoặc chân
- Cảm giác mắc nghẹn
- Phù mắt cá chân
- Mệt mỏi
- Rối loạn nhịp tim
Cơn đau tim có thể dẫn đến ngưng tim và toàn bộ cơ thể sẽ dừng hoạt động. Bệnh nhân cần được cấp cứu ngay khi có triệu chứng của cơn đau tim.
Nếu như xảy ra ngưng tim, bệnh nhân cần được:
- Cấp cứu ngay
- Hồi sức tim-phổi ngay
- Cần được shock điện khử rung ngay nếu như có máy
NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ
Bệnh tim xảy ra khi có:
- Tổn thương toàn bộ hay một phần tim
- Các vấn đề ở những mạch máu đi đến hoặc đi ra từ tim
- Không đủ oxy và dinh dưỡng đến tim
- Vấn đề về nhịp tim
Trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể do di truyền. Tuy nhiên, các yếu tố về lối sống và bệnh khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc phải. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Tăng huyết áp
- Nồng độ cholesterol cao
- Hút thuốc lá
- Sử dụng rượu bia nhiều
- Thừa cân và béo phì
- Đái tháo đường
- Có tiền căn gia đình về bệnh tim
- Chế độ ăn
- Tuổi tác
- Đã từng bị tiền sản giật khi mang thai
- Không vận động nhiều
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
- Lo âu và stress nhiều
- Hở van tim
Hiệp hội y tế thế giới (WHO) cũng đề cập đến sự nghèo khó và stress là hai yếu tố chính góp phần vào việc làm tăng tỷ lệ bệnh tim mạch trên toàn thế giới.
ĐIỀU TRỊ
Biện pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào loại bệnh tim mắc phải, nhưng nhìn chung cũng sẽ có những biện pháp giống nhau như thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và phẫu thuật.
Thuốc
Có nhiều loại thuốc được dùng để điều trị bệnh tim, như:
- Kháng đông: Thuốc có tác dụng phòng ngừa huyết khối, bao gồm các thuốc như warfarin (Coumadin) và thuốc kháng đông dạng uống như dabigatran, rivaoxaban và apixaban.
- Kháng tiểu cầu: Gồm các thuốc như aspirin, chúng cũng có tác dụng ngăn chặn huyết khối.
- Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin: Có tác dụng giúp điều trị suy tim và tăng huyết áp bằng cơ chế làm giãn mạch máu. Lisinopril là một ví dụ.
- Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II: Những thuốc này cũng giúp kiểm soát huyết áp. Losartan là một ví dụ.
- Ức chế thụ thể neprilysin Angiotensin: Có tác dụng làm giảm tải lượng của tim và làm gián đoạn các đường dẫn truyền hóa học có khả năng làm suy yếu tim.
- Chẹn Beta: Metoprolol và các thuốc cùng nhóm có thể làm giảm nhịp tim và huyết áp. Thuốc cũng được dùng để điều trị rối loạn nhịp tim và đau thắt ngực.
- Thuốc chẹn kênh calci: Có tác dụng làm giảm huyết áp và ngăn ngừa rối loạn nhịp tim bằng cách làm giảm sức co bóp của tim và làm giãn mạch máu. Một đại diện của nhóm này là diltiazem (Cardizem).
- Thuốc giảm Cholestrerol: Các loại statin như atorvastatin (Lipitor), và các nhóm thuốc khác có thể giúp làm giảm lượng lipoprotein cholesterol tải trọng thấp trong cơ thể.
- Digitalis: Các loại thuốc như digoxin có thể làm tăng sức co bóp của tim. Chúng cũng có thể giúp điều trị suy tim và rối loạn nhịp tim.
- Lợi tiểu: Các loại thuốc này làm giảm tải lượng của tim, hạ huyết áp và loại bỏ lượng nước thừa ra khỏi cơ thể. Một ví dụ của nhóm này là Furosemide (Lasix).
- Thuốc giãn mạch: Những thuốc này giúp làm hạ huyết áp. Cơ chế của chúng là tác động vào mạch máu và làm giãn mạch. Nytroglycerin là một ví dụ. Những loại thuốc này có thể giúp làm giảm cơn đau ngực.
Bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp tùy vào từng bệnh nhân.
Đôi khi tác dụng phụ có thể xảy ra. Nếu như có thì nên cân nhắc lựa chọn lại thuốc điều trị.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể giúp điều trị các tắc nghẽn và các bệnh tim khi thuốc không hiệu quả.
Một số loại phẫu thuật thường gặp bao gồm:
- Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành: Giúp cho máu có thể chảy đến được vị trí tim tổn thương khi mạch vành bị tắc. Đây là dạng phẫu thuật thường gặp nhất. Các bác sĩ sẽ sử dụng các mạch máu ở một vị trí khác trên cơ thể để sửa chữa mạch vành bị tắc.
- Chụp hình mạch vành: Kỹ thuật này có thể giúp mở rộng các mạch vành bị hẹp hoặc tắc. Kỹ thuật thường được thực hiện cùng với việc đặt stent - một ống dạng lưới thép cho phép máu lưu thông dễ dàng hơn.
- Thay thế hoặc sửa chữa van: Van bị lỗi có thể được sửa chữa hoặc thay thế.
- Phẫu thuật sửa chữa khiếm khuyết: Các dị tật bẩm sinh của tim, phình mạch máu và một số vấn đề khác có thể được phẫu thuật để sửa chữa.
- Cấy ghép thiết bị: Máy tạo nhịp, bóng catheter, và một số thiết bị khác có thể giúp điều hòa nhịp tim và trợ giúp cho dòng máu.
- Liệu pháp laser: Tái tưới máu bằng tia laser xuyên cơ tim có thể giúp điều trị đau thắt ngực.
- Phẫu thuật mê cung: Bác sĩ phẫu thuật có thể tạo nên các đường dẫn tín hiệu điện mới và giúp điều trị rung nhĩ.
PHÒNG NGỪA
Một số biện pháp thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim:
- Chế độ ăn cân bằng: Lựa chọn một chế độ ăn lành mạnh đối với tim, giàu xơ và ưu tiên dùng các hạt ngũ cốc cũng như trái cây tươi và rau củ. Chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn DASH là những lựa chọn tốt cho sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng các thực phẩm đóng hộp và hạn chế tiêu thụ các chất béo, muối và đường thêm vào cũng mang lại lợi ích tốt.
- Tập thể dục thường xuyên: Có thể giúp cải thiện sức mạnh cho tim và hệ tuần hoàn, làm giảm cholesterol và duy trì huyết áp. Một người bình thường nên tập thể dục khoảng 150 phút/ tuần.
- Duy trì cân nặng ở mức trung bình: Chỉ số BMI khỏe mạnh nằm ở mức 20-25.
- Bỏ hoặc tránh hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ lớn đối với sức khỏe tim và hệ tuần hoàn.
- Hạn chế sử dụng rượu bia: Nữ giới không nên dùng quá một khẩu phần thông thường trong một ngày và nam giới không quá hai.
- Kiểm soát các bệnh lý nền: Nên điều trị các bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch như tăng huyết áp, béo phì và đái tháo đường.
Thực hiện các cách trên có thể làm tăng tổng trạng sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim cũng như các biến chứng của nó.
TIÊN LƯỢNG
Bệnh tim là một vấn đề sức khỏe thường gặp.
Có nhiều loại bệnh tim, một số có nguồn gốc di truyền và không thể phòng ngừa.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác thì bệnh nhân có thể thực hiện nhiều phương pháp để ngăn ngừa bệnh tim cùng các biến chứng của nó. Các phương pháp này bao gồm: có một chế độ ăn khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, và nên đi khám ngay khi phát hiện triệu chứng của bệnh tim.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp