✴️ Viêm cơ tim là gì?

1. Viêm cơ tim là gì?

Viêm cơ tim được định nghĩa là tình trạng viêm cơ tim một phần hoặc toàn bộ gây ra bởi các bệnh lý nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng. Tỷ lệ mắc viêm cơ tim chưa được thống kê chính xác do sự khác biệt về chính sách, hệ thống y tế giữa các quốc gia. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy tỷ lệ mắc viêm cơ tim là 22/100.000 người, trên thế giới có khoảng 1,5 triệu bệnh nhân viêm cơ tim. Bệnh có thể biểu hiện dưới dạng cấp, bán cấp hoặc mạn tính. Viêm cơ tim có thể xảy ra đồng thời với các bệnh cơ tim khác và có thể là tác dụng phụ trong diễn biến lâm sàng của bệnh lý khác.

Dựa theo nguyên nhân gây bệnh, viêm cơ tim gồm một số thể sau:

  • Viêm cơ tim do virus: Đây là thể viêm cơ tim phổ biến nhất. Một số virus có thể gây viêm cơ tim gồm Coxsackie B, CMV, Dengue, Epstein – Barr,…
  • Viêm cơ tim do vi khuẩn: Rickettsia, Treponema pallidum, Leptospira, N. meningitidis, Tropheryma whippelii, Legionella, Salmonella, Psittacosis, Streptococcus,… là một số vi khuẩn gây viêm cơ tim thường gặp
  • Viêm cơ tim do ký sinh trùng: Bệnh lây truyền qua trung gian là bọ rệp thuộc loài Triatoma.
  • Viêm cơ tim do nấm: Đây là thể tương đối hiếm gặp, chủ yếu gặp ở bệnh nhân có bệnh lý ác tính, người đang hóa trị, dùng steroid hoặc đang sử dụng các liệu pháp ức chế miễn dịch. Một số nấm được cho là có liên quan đến viêm cơ tim gồm Actinomyces, Aspergillus, Candida, Cryptococcus, Histoplasma.
  • Viêm cơ tim do nhiễm độc và chuyển hóa: Rất nhiều loại thuốc, chất hóa học, tác nhân vật lý có thể gây viêm cơ tim. Một số trong đó có thể kể đến như Anthracyclines, Cocain, Catecholamine,… Sự thiếu hụt Taurine và Carnitine cũng được cho là có liên quan đến viêm cơ tim.
  • Viêm cơ tim do phản ứng quá mẫn của cơ thể: Đây là phản ứng tự nhiên của miễn dịch tim do dùng thuốc. Tình trạng này có thể gây suy tim rất nhanh, thậm chí là tử vong nhưng rất hiếm gặp trên lâm sàng. Các loại thuốc có thể dẫn đến viêm cơ tim gồm kháng sinh, thuốc chống động kinh, thuốc chống lao, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc lợi tiểu,…

Cơ tim bị viêm qua hai cơ chế nhiễm độc cơ tim trực tiếp hoặc do đáp ứng miễn dịch. Hiện nay, hầu hết các tài liệu về cơ chế bệnh sinh viêm cơ tim tập trung vào nguyên nhân do virus và miễn dịch trên động vật trong phòng thí nghiệm. Sự tiến triển từ viêm cơ tim cấp tính đến mạn tính tính có thể được đơn giản hóa thành một quá trình ba giai đoạn. Các tổn thương cấp tính dẫn đến tổn thương tim, tiếp xúc với các kháng nguyên nội bào như myosin tim và kích hoạt hệ thống miễn dịch bẩm sinh. Qua nhiều tuần, khả năng miễn dịch đặc hiệu được trung gian bởi tế bào lympho T cùng các kháng thể chống lại mầm bệnh và các biểu mô tim nội sinh tương tự gây ra tình trạng viêm mạnh. Ở hầu hết các bệnh nhân,nếu  mầm bệnh được loại bỏ và điều hòa được các phản ứng miễn dịch thì bệnh để lại ít di chứng hơn. Tuy nhiên, nếu virus không bị loại bỏ sẽ gây ra tổn thương tế bào cơ dai dẳng và tình trạng viêm đặc hiệu ở tim có thể vẫn tồn tại do nhận biết nhầm các kháng nguyên nội sinh của tim là các thực thể gây bệnh. Từ đó, gây ra bệnh cơ tim mạn tính.

  

2. Triệu chứng của bệnh viêm cơ tim

Triệu chứng của viêm cơ tim rất đa dạng. Bệnh nhân có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì hoặc có các biểu hiện rầm rộ. Các triệu chứng phổ biến thường gặp của viêm cơ tim gồm:

  • Đau ngực, cảm giác tức, khó chịu vùng ngực
  • Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp
  • Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi. Khó thở tăng lên khi vận động hoặc làm việc nặng
  • Mệt mỏi
  • Phù cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân
  • Sốt cao 39 – 41 độ.
  • Có thể có ngất, tụt huyết áp, tay chân lạnh, khó thở liên tục trong trường hợp nghiêm trọng. 
  • Các dấu hiệu khác: Đau đầu, đau cơ, nhức mỏi cơ thể, đau họng, tiêu chảy. 

 

3. Ai có nguy cơ bị viêm cơ tim?

Viêm cơ tim có thể gặp ở bất kỳ ai, độ tuổi nào, từ trẻ em đến người cao tuổi. Thường gặp hơn cả là bệnh nhân trong nhóm 20 -40 tuổi, trong đó nam chiếm tỷ lệ cao hơn nữ. Ngoài ra, còn có một số nhóm đối tượng đặc biệt có nguy cơ nhiều hơn như:

  • Người bị suy giảm miễn dịch: Cơ thể giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng đề kháng với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, trong đó có viêm cơ tim. Người bị suy giảm miễn dịch thường do nhiễm HIV, điều trị ức chế miễn dịch do nhiễm HIV, đang điều trị ức chế miễn dịch, mắc bệnh ung thư, mắc bệnh tự miễn,…
  • Người có tiền sử nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm có khả năng gây viêm cơ tim.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Trẻ mới sinh hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị nhiễm trùng làm tăng nguy cơ mắc viêm cơ tim.

 

4. Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm cơ tim

Viêm cơ tim giai đoạn đầu thường không có triệu chứng điển hình, rõ ràng nên rất khó phát hiện sớm. Bệnh nhân viêm cơ tim sớm thường chỉ cảm thấy mệt mỏi, khó thở đơn thuần nên thường bị nhầm với tình trạng mệt mỏi do lao động quá sức, cảm cúm thông thường. Vì vậy nên người bệnh thường hay chủ quan và bỏ qua giai đoạn tốt nhất để điều trị bệnh.

Khi viêm cơ tim tiến triển nặng hơn sẽ gây ra nhiều triệu chứng với mức độ và tần suất lớn hơn. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà có thể gây ra các triệu chứng khác nhau. Ở giai đoạn này, người bệnh viêm cơ tim có nguy cơ tử vong rất cao do nhiều biến chứng như:

  • Rối loạn nhịp tim: Viêm cơ tim làm tổn thương các cơ dẫn đến rối loạn hoạt động của tim gây ra bất thường nhịp tim, điển hình nhất là nhịp tim nhanh.
  • Đột quỵ: Cơ tim bị tổn thương khiến khả năng tống máu của tim bị suy giảm. Máu ứ đọng tại tim có nguy cơ hình thành huyết khối. Các huyết khối di chuyển đến các mạch máu nhỏ và gây tắc nghẽn mạch máu. Nếu mạch máu não bị tắc nghẽn sẽ gây ra tình trạng đột quỵ, người bệnh có nguy cơ tử vong chỉ sau ít phút.
  • Nhồi máu cơ tim: Tương tự như đột quỵ, huyết khối làm tắc nghẽn mạch vành có thể gây nhồi máu cơ tim và tử vong.
  • Suy tim: Tình trạng nhiễm trùng không được xử lý khiến cơ tim bị tổn thương nghiêm trọng và gây ra suy tim cấp hoặc tổn thương mô tim không hồi phục. 

 

5. Các chỉ số lâm sàng và cận lâm sàng với bệnh viêm cơ tim

Viêm cơ tim được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

Triệu chứng lâm sàng

  • Bệnh nhân có các triệu chứng đau ngực, sốt, khó thở, mệt mỏi, đau cơ, có tiền sử nhiễm trùng,…
  • Tiếng tim mờ – đây là dấu hiệu phát hiện sớm viêm cơ tim cấp.
  • Tiếng ngựa phi – cảnh báo cơ tim đã bị tổn thương nặng.
  • Huyết áp hạ.
  • Nhịp tim nhanh
  • Mạch đập yếu.

Cận lâm sàng

  • Siêu âm tim: Buồng tim giãn, phì đại từng vùng, giảm động toàn bộ, EF dưới 50%, tràn dịch màng tim.
  • Điện tim: Nhịp xoang, đoạn ST-T có sự thay đổi nhưng không đặc hiệu, ST chênh lên hoặc sóng Q bệnh lý. Có rối loạn nhịp tim.
  • XQuang ngực thẳng: Có thấy thấy bóng tim to, phổi mờ, 
  • Scintigraphy: Không có sự phục hồi thiếu máu do phân bố mạch vành trong thì tưới máu.
  • Cộng hưởng từ hạt nhân (MNR): Tăng tín hiệu T2 trong pha phục hồi ngược, đọng thuốc đối quang sau tiêm gadolinium-DTPA.
  • Chụp mạch vành không thấy tổn thương, rất ít trường hợp xuất hiện hẹp mạch vành
  • Giải phẫu bệnh: Tìm thấy gen virus trên PCA.
  • Xét nghiệm máu:
    • Marker viêm không đặc hiệu như ESR, CPR tăng.
    • Bạch cầu tăng.
    • Nồng độ các cytokines TNFꭤ, IL1ᵝ, IL 10 tăng.
    • Troponin, CK-MB  tăng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top