Viêm động mạch là thuật ngữ chung dùng để chỉ tình trạng viêm ở những mạch máu đem máu từ tim đi đến các bộ phận khác trên cơ thể. Một bệnh khác cũng có liên quan đến bệnh này là viêm mạch - thuật ngữ chỉ viêm mạch máu nói chung, bao gồm cả động mạch và tĩnh mạch.
Viêm động mạch Takayasu ít khi gặp, đây là tình trạng viêm phá hủy các động mạch kích thước lớn và trung bình. Các động mạch thường bị ảnh hưởng là các nhánh của động mạch chủ (mạch máu chính đi ra từ tim), bao gồm các động mạch cung cấp máu đến cánh tay và di chuyển qua cổ để cung cấp máu cho não. Động mạch chủ cũng thường bị ảnh hưởng.
Ít gặp hơn, các động mạch cung cấp máu cho tim, ruột, thận và chân cũng có thể bị ảnh hưởng.
Viêm ở những động mạch lớn có thể khiến một phần thành mạch bị yếu đi và dãn ra, gây ra các túi phình mạch. Mạch máu có thể bị hẹp lại hoặc thậm chí là tắc nghẽn hoàn toàn.
Viêm động mạch Takayasu được đặt theo tên của bác sĩ Mikoto Takayasu, người đầu tiên mô tả bệnh lý này vào năm 1908.
Khoảng nửa số bệnh nhân viêm động mạch Takayasu sẽ có cảm giác bệnh chung chung. Các triệu chứng này bao gồm sốt không cao, phù nề các tuyến, thiếu máu, chóng mặt, chảy mồ hôi đêm, đau cơ và viêm khớp.
Những sự thay đổi xảy ra trong bệnh viêm động mạch Takayasu thường chậm, cho phép các tuần hoàn bàng hệ (những nhánh dẫn máu thay thế) phát triển. Những con đường dẫn máu mới này thường là những mạch máu nhỏ. Các mạch máu trong tuần hoàn bàng hệ có thể sẽ không mang được đủ máu như mạch máu bình thường.
Nhìn chung thì dòng máu phía sau vị trí bị hẹp hầu như luôn luôn đủ để cho các mô tồn tại được. Trong những trường hợp hiếm gặp, nếu như tuần hoàn bàng hệ không đủ thì các mô thông thường được cung cấp máu và oxy từ những mạch máu đó sẽ chết.
Hẹp mạch máu ở tay và chân có thể gây ra mệt mỏi, đau, hoặc buốt do lượng máu cung cấp bị giảm, đặc biệt là khi thực hiện các hoạt động như gội đầu, tập thể dục, hoặc đi bộ. Thường thì sự giảm lượng máu không gây ra các tình trạng như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Ở một số bệnh nhân, lượng máu đến ruột non bị giảm có thể gây ra đau bụng, đặc biệt là sau những bữa ăn.
Giảm lượng máu đến thận có thể gây tăng huyết áp nhưng hiếm khi gây ra suy thận.
Một số bệnh nhân bị viêm mạch Takayasu hầu như không có triệu chứng gì. Bệnh chỉ được phát hiện khi được các bác sĩ đo huyết áp và nhận thấy được chỉ số bất thường ở trong 1 hoặc 2 cánh tay. Tương tự, các bác sĩ cũng có thể phát hiện cường độ mạch ở tại cổ tay, cổ hay bẹn không bằng nhau hoặc mạch bị mất ở một bên.
Hiện vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác gây bệnh.
Viêm động mạch Takayasu thường hay gặp ở những bệnh nhân nữ châu Á trẻ tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn ở mọi độ tuổi và chủng tộc. Vào lúc được chẩn đoán, các bệnh nhân thường ở trong độ tuổi 15 và 35.
Chẩn đoán dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm:
Chú ý: Với hầu hết các dạng viêm mạch máu khác, sinh thiết vùng bị thương có thể xác nhận được tình trạng viêm mạch máu. Thực hiện sinh thiết là biện pháp phù hợp khi những vùng bị tổn thương dễ dàng tiếp cận, ví dụ như ở da. Tuy nhiên, khi các mạch máu lớn bị ảnh hưởng, sinh thiết thường không phải là lựa chọn phù hợp vì có thể có những nguy cơ liên quan đến phẫu thuật.
Corticosteroid, thường được gọi là steroid, là biện pháp điều trị thường dùng nhất cho bệnh viêm động mạch Takayasu. Steroid hoạt động trong vòng vài giờ sau khi dùng liều đầu tiên. Thường thì thuốc này rất có hiệu quả nhưng đối với một số người thì nó chỉ có một phần hiệu quả mà thôi.
Khi bệnh được kiểm soát, bác sĩ sẽ cho hạ liều prednisone (một loại steroid) một cách chậm rãi để có thể duy trì được hiệu quả và làm giảm lại các tác dụng phụ. Đối với một số người, triệu chứng sẽ không quay lại khi thực hiện giảm liều dần dần.
Khi giảm liều thuốc, khoảng một nửa các bệnh nhân sẽ có xuất hiện triệu chứng trở lại hoặc bệnh tiến triển thêm. Điều này khiến cho các nhà nghiên cứu phải cố gắng tìm kiếm các phương pháp điều trị khác để làm thuyên giảm được bệnh cảnh. Trong các thuốc đã được thử nghiệm thì có một loại thuốc có được vài tín hiệu thành công, loại thuốc này là nhóm thuốc ức chế miễn dịch, ví dụ như thuốc methotrexate.
Khi được dùng chung với prednisone để điều trị bệnh viêm động mạch Takayasu, 50% số bệnh nhân đã từng bị tái phát đạt được tình trạng thuyên giảm và có thể hạ liều prednisone dần dần. Nhìn chung, khoảng 25% số bệnh nhân sẽ không thể kiểm soát được bệnh hoàn toàn nếu như không được dùng các thuốc trên. Điều này cho thấy được mức độ quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu để tìm ra được các phương pháp điều trị tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn cho bệnh viêm động mạch Takayasu và các bệnh viêm mạch khác.
Nhiều bệnh nhân viêm động mạch Takayasu có tăng huyết áp. Kiểm soát huyết áp cẩn thận rất quan trọng. Điều trị tăng huyết áp không đúng có thể gây ra đột quỵ, bệnh tim hoặc suy thận. Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần được nong mạch máu bằng bóng hoặc phẫu thuật bắc cầu để hồi phục lại được sự tưới máu của thận. Việc điều trị này có thể làm huyết áp bình thường lại mà không cần sử dụng thuốc.
Một vài bệnh nhân có thể bị yếu liệt người vì mạch máu đến các bộ phận đó bị hẹp, ví dụ như ở chân, tay. Phẫu thuật bắc cầu có thể điều trị được vấn đề này. Các phình mạch máu cũng có thể phẫu thuật điều trị.
Tại Mỹ và Nhật Bản, bệnh viêm động mạch Takayasu có tỷ lệ tử vong là 3% đối với các bệnh nhân mắc bệnh trung bình 5 năm. Số liệu khả quan đó là nhờ vào việc phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Nhưng số liệu ở những nơi khác trên thế giới thì không được tích cực bằng, có lẽ là do bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Viêm động mạch Takayasu là một bệnh có thể chữa trị được và hầu hết các bệnh nhân đều có cải thiện tốt. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn phải đương đầu với các hậu quả của bệnh này, có thể là yếu người hoặc ít gặp hơn là liệt hoàn toàn cơ thể. Bệnh nhân cần tái khám thường xuyên do các thuốc điều trị bệnh có nhiều tác dụng phụ cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh