✴️ Chẩn đoán và điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

1. ĐỊNH NGHĨA

Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay (lateral epicondylitis) còn được gọi bằng một số tên khác như khuỷu tay của người chơi tennis (tennis elbow), khuỷu tay của người chèo thuyền. Tổn thương cơ bản là viêm chỗ bám của gân duỗi cổ tay quay, đặc trưng bởi triệu chứng đau tại vùng lồi cầu ngoài cánh tay.

Tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng khoảng 1-3% dân số với tuổi thường mắc từ   40-50. Hầu hết các trường hợp đều hồi phục thậm chí một số trường hợp không cần điều trị, chỉ cần nghỉ ngơi là khỏi; một số tái phát sau 6 tháng. Bệnh có thể kéo dài từ vài tuần, vài tháng hoặc hàng năm, trung bình từ 6 tháng đến 2 năm.

 

2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

Nguyên nhân gây bệnh thường do vận động quá mức của các cơ duỗi cổ tay và ngón tay, chủ yếu là cơ duỗi cổ tay quay ngắn hoặc do tình trạng căng giãn gây ra do  các động tác đối kháng ở tư thế ngửa của cổ tay. Các động tác lặp đi lặp lại hàng ngày trong một thời gian dài như chơi đàn, đan lát, thái thịt, xoay đấm cửa, vặn tua vit, chơi tennis, cầu lông... là nguyên nhân gây bệnh. Ngược lại, một người không quen công  việc đột nhiên thực hiện một động tác mạnh cũng có thể là nguyên nhân gây ra các chấn thương cho gân cơ (chẳng hạn một người không bao giờ hoặc rất ít khi sử dụng búa, khi có việc cần sử dụng búa sẽ dễ bị chấn thương). Các nghiên cứu trên đại thể và vi thể thấy có các vết rách giữa gân cơ duỗi chung và màng xương ở khu vực lồi cầu ngoài. Các vi chấn thương này có thể là hậu quả của một quá trình vận động quá mức của các cơ này. Tại vị trí bám của gân chứa tổ chức hạt xâm lấn vào mạc gân, tăng sinh mạch và phù nề và khi cắt bỏ tổ chức này thì hết triệu chứng.

 

3. CHẨN ĐOÁN

3.1. Triệu chứng lâm sàng

-   Đau ở vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay, có thể lan xuống cẳng tay và mặt mu của cổ tay. Đau xuất hiện tự nhiên hoặc khi làm một số động tác như duỗi cổ tay, lắc, nâng một vật, mở cửa... Giảm khả năng duỗi cổ bàn tay và khả năng cầm nắm. Đau có thể kéo dài vài tuần cho đến vài tháng.

-   Ấn tại lồi cầu hoặc cạnh lồi cầu ngoài xương cánh tay có điểm đau chói. Đôi khi có thể thấy sưng nhẹ tại chỗ.

-   Đau xuất hiện hoặc tăng lên khi thực hiện các động tác đối kháng ở tư thể duỗi cổ tay và ngửa bàn tay hoặc nâng vật nặng.

-   Các động tác vận động khớp khuỷu trong giới hạn bình thường.

3.2.Cận lâm sàng

Các xét nghiệm về viêm và Xquang khớp khuỷu tay bình thường.

Siêu âm gân cơ bằng đầu dò tần số cao (7,5-20MHz) hình ảnh tổn thương có thể thấy kích thước gân to hơn, giảm đậm độ siêu âm. Ngoài ra còn phát hiện đứt gân từng phần hoặc hoàn toàn, lắng đọng calci trong gân, vỏ xương tại vị trí bám của gân không đều và có hình ảnh tân sinh mạch máu trên siêu âm Doppler năng lượng.

3.3.Chẩn đoán xác định

Chủ yếu dựa vào lâm sàng: Bệnh nhân đau vùng khuỷu và có điểm đau chói khiấn tại vị trí bám tận của gân (lồi cầu ngoài xương cánh tay).

3.4.Chẩn đoán phân biệt

-   Thoái hóa khớp khuỷu

-   Viêm túi thanh dịch ở khuỷu tay

-   Bệnh lý rễ ở cột sống cổ (C6-C7)

-   Hội chứng đường hầm cổ tay

 

4. ĐIỀUTRỊ

4.1.Nguyên tắc điều trị

-   Tránh những động tác gây có thể gây nặng bệnh ( xem ở phần nguyên nhân gây bệnh).

-   Điều trị bảo tồn là chính.

-   Có thể cân nhắc phẫu thuật khi điều trị bảo tồn thất bại.

4.2.Điều trị cụ thể

-   Giáo dục bệnh nhân: nhằm giúp cho người bệnh hiểu rõ về bệnh, hạn chế và tránh các động tác có thể gây bệnh hoặc làm nặng bệnh. Khuyên bệnh nhân giảm các hoạt động duỗi mạnh và ngửa cổ tay.

-    Điều trị vật lý: Xoa bóp, điện phân, sóng ngắn, laser lạnh, băng chun hỗ trợ ở cẳng tay trong lao động, băng cẳng tay dưới khuỷu tay 2,5 -5cm để làm giảm sự căng cơ duỗi ở nơi bám vào lồi cầu.

-    Điều trị bằngthuốc:

+ Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Dùng dạng gel bôi tại chỗ (diclofenac, profenid) hoặc đường uống (diclofenac, piroxicam, meloxicam, celecoxib, etoricoxib…). Cần chú ý đến cơ địa người bệnh và các bệnh mạn tính sẵn có để lựa chọn thuốc cho phù hợp.

+  Có thể phối hợp thêm với thuốc giảm đau thông thường nếu có đau nhiều.

Tiêm corticosteroid tại chỗ: Khi có đau nặng hoặc đau dai dẳng, không đáp ứng với các thuốc nêu trên. Có thể dùng Methylprednisolone acetat (Depo-medrol) hoặc bethamethasone (Diprospan) 1/2ml tiêm tại chỗ. Chỉ nên tiêm một lần và nếu phải tiêm nhắc lại thì cách ít nhất 3 tháng. Phương pháp này có hiệu quả tốt tuy nhiên không bền vững. Tiêm nhiều lần có thể gây tổn thương chỗ bám của gân và có thể gây các biến chứng như teo da tại chỗ tiêm, nhiễm trùng, bạch biến… Luôn khuyến khích bệnh nhân hạn chế vận động để bảo tồn kết quả.

-   Điều trị phẫu thuật: Chỉ định khi các biện pháp điều trị nội khoa thất bại. Một số kỹ thuật được áp dụng như:

+ Cắt bỏ tổ chức mủn nát ở gốc của gân duỗi, giải phóng gân cơ duỗi từ mỏm lồi cầu.

+ Cắt gân cơ duỗi, kéo dài và tạo hình chữ Z để ngăn hoạt động của các cơ duỗi.

-  Một số phương pháp điều trị mới: tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân, tiêm hyaluronic acid, tiêm botulium to-xin A vào cơ duỗi ngón 3,4 làm liệt cơ duỗi nhằm hạn chế quá tải cho gân duỗi; băng glyceryl trinitrate... Tuy nhiên các phương pháp này vẫn còn đang tiếp tục được nghiên cứu.

 

5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

Bệnh lành tính, có một số trường hợp tự hồi phục không cần điều trị. Tuy nhiên đa số các trường hợp tiến triển kéo dài nhiều tuần có thể nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tình trạng viêm mạn tính hoặc có thể khỏi rồi lại tái phát, lâu dài dẫn đến thoái hóa, xơ hóa gân duỗi ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt.

 

6. PHÒNG BỆNH

Tránh các vận động quá tải, vận động đột ngột của gân cơ duỗi trong các hoạt động như chơi quần vợt, cầu lông, bóng bàn, chơi đàn, sử dụng tuốc nô vit, kìm búa, thái thịt, xoay của cổ tay, mang xách nặng

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top