✴️ Điều trị xuất huyết tiêu hóa do ung thư (gastrointestinal bleeding in cancer patient)

 Phải khẩn trương và theo nguyên tắc hồi sức tích cực (bù thể tích, bù máu, nâng huyết áp)

Phối hợp cầm máu và điều trị nguyên nhân, cụ thể:

- Các động tác cấp cứu cơ bản:

+ Đặt bệnh nhân nằm tư thế đầu thấp.

+ Thở oxy 2-6l/phút, đặt nội khí quản nếu bệnh nhân có nguy cơ trào ngược vào phổi, suy hô hấp hoặc rối loạn ý thức.

+ Đặt 2 đường truyền tĩnh mạch đủ lớn và chắc chắn, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) nếu bệnh nhân có suy tim.

+ Đặt sonde tiểu theo dõi lượng nước tiểu.

+ Đặt sonde dạ dày rửa sạch máu trong dạ dày nếu XHTH trên.

+ Làm điện tim cấp nếu bệnh nhân người cao tuổi, bệnh lý mạch vành…

- Hồi phục thể tích và chống sốc:

+ Truyền dung dịch NaCl 0,9%, Ringerlactat hoặc các dung dịch cao phân tử (heastril, genlafuldin…) trong khi chờ lĩnh máu, hạn chế dùng Glucose 5% vì ít có tác dụng bù thể tích lòng mạch.

+ Số lượng và tốc độ truyền dịch phụ thuộc vào mức độ mất máu và tình trạng tim mạch bệnh nhân. Mục đích đưa bệnh nhân thoát sốc (HATĐ > 90mmHg, nước tiểu > 30ml/giờ, hết kích thích vật vã).

+ Cần theo dõi mạch, huyết áp, nghe phổi, đo CVP (áp lực tĩnh mạch trung tâm), theo dõi nước tiểu…

-Truyền máu:

+ Truyền máu trong trường hợp chảy máu nặng và tiến triển: đưa huyết động về ổn định và Hct > 25% (> 30% đối với người già, bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, suy hô hấp…).

+ Truyền huyết tương tươi đông lạnh trong trường hợp có rối loạn đông máu, lệ prothrombin < 30%, truyền khối tiểu cầu nếu tiểu cầu < 50.000/mm3, hay gặp trong ung thư gan trên bệnh nhân có xơ gan nặng.

- Điều trị cầm máu theo nguyên nhân:

+ Nội soi can thiệp:

  • Tiêm xơ cầm máu tại chỗ (rượu nguyên chất, polodocanon…), tiêm thuốc co mạch tại chỗ (adrenalin 1mg) trong trường hợp chảy máu tiêu hóa do ung thư dạ dày ruột, ung thư đại trực tràng.
  • Tiêm xơ cấp cứu hoặc thắt mạch bằng vòng cao su trong trường hợp chảy máu do giãn vỡ phình tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân ung thư gan có xơ gan, phối hợp đặt sonde có bóng chèn Sengstaken Blake More tương đối hiệu quả, tuy nhiên chỉ có tính chất tạm thời.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng can thiệp nếu chảy máu đường mật.

+ Điều trị nội khoa:

  • Truyền thuốc ức chế bài tiết dịch như: Omeprazol, Pantopzazol 80mg/24h… hoặc Rannitidin, cimetidin… truyền nước lạnh qua sonde dạ dày trong trường hợp chảy máu do ung thư dạ dày.
  • Truyền thuốc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa như: Vassopresin 0,1-0,8 UI/ hiệu quả cầm máu trong 60-80% trường hợp, hoặc Somatostatin (Somatin 3mg) tiêm 0,25mg sau đó pha với NaCl 0,9% truyền tĩnh mạch 6mg/24h trong 3-5 ngày. Phối hợp uống thuốc chẹn beta giao cảm (propranolon, betaloc…).

+ Chụp động mạch can thiệp cầm máu: gây tắc mạch chọn lọc bằng gel gelatin, truyền trực tiếp vasopresin vào động mạch chảy máu.

+ Phẫu thuật loại bỏ khối u:

  • Phẫu thuật cắt đoạn thực quản tạo hình trong ung thư thực quản.
  • Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày một phần hay toàn phần trong ung thư dạ dày ruột.
  • Cắt bỏ khối u đường mật nối mật ruột trong ung thư đường mật.
  • Cắt bỏ đoạn đại trực tràng có khối u trong ung thư đại trực tràng…
  • Phẫu thuật nối cửa chủ trong trường hợp vỡ tĩnh mạch thực quản trong ung thư gan có xơ gan, cầm máu được 95%, tuy nhiên nguy cơ tử vong cao và bệnh não gan.

+ Phối hợp điều trị xạ trị hoặc hóa chất toàn thân khi tình trạng bệnh nhân ổn định.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top