✴️ Hẹp van động mạch chủ

Nội dung

Hẹp van động mạch chủ (HC) là nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn đường tống máu của thất trái. Các nguyên nhân khác bao gồm hẹp dưới van động mạch chủ do màng xơ, hẹp dưới van động mạch chủ do cơ tim phì đại và hẹp trên van động mạch chủ.

 

I. Triệu chứng lâm sàng .

1.   Triệu chứng cơ năng: thường chỉ gặp khi hẹp van ĐMC mức độ nặng.

Đau ngực: do tăng tiêu thụ ôxy cơ tim trong khi cung cấp ôxy cho cơ tim bị giảm hoặc do xơ vữa mạch vành.

Choáng váng, ngất: do tắc nghẽn cố định đường tống máu thất trái và giảm khả năng tăng cung lượng tim.

Biểu hiện của suy tim: do rối loạn chức năng tâm thu hoặc chức năng tâm trương.

2. Triệu chứng thực thể:

Bắt mạch: triệu chứng nổi bật của HC là mạch cảnh nẩy yếu và trễ.

Sờ: thấy mỏm tim đập rộng, lan tỏa nếu thất trái phì đại nhưng chưa lớn hẳn.

Nghe tim: các tiếng bệnh lý chính bao gồm:

+ Thổi tâm thu tống máu: ở phía trên bên phải xương ức, lan lên cổ, đạt cường độ cao nhất vào đầu-giữa tâm thu.

+ Tiếng T1: nói chung không thay đổi khi HC, tuy nhiên nếu chức năng tâm thu thất trái rối loạn nặng và tăng áp lực cuối tâm trương thất trái, âm sắc T1 giảm do hiện tượng đóng sớm và giảm lực tác động đóng van hai lá.

+ Ngoài ra, có thể gặp các tiếng thổi của hở van ĐMC do hẹp thường đi kèm hở van. Hiện tượng Gallevardin xảy ra trong một số trường hợp hẹp van ĐMC nặng, vôi hoá: thành phần âm sắc cao của tiếng thổi lại lan xuống mỏm tim, dễ lẫn với tiếng thổi của hở van hai lá kèm theo.

Nhịp tim nhanh lúc nghỉ ở bệnh nhân HC nặng là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng cung lượng tim giảm thấp.

 

II. Cận lâm sàng:

a. Điện tâm đồ: thường có dày nhĩ trái  ,phì đại thất trái . Rối loạn nhịp ít khi xảy ra, chủ yếu ở giai đoạn cuối và đa số là rung nhĩ, nhất là khi có kèm bệnh van hai lá. Bloc nhĩ thất có thể gặp khi có ápxe vòng van biến chứng của viêm nội tâm mạc.

b. Xquang ngực: ít có giá trị chẩn đoán do hình ảnh có thể hoàn toàn bình thường.

c. Siêu âm Doppler tim: siêu âm Doppler tim là phương pháp được lựa chọn để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nặng của hẹp chủ.

d. Siêu âm tim qua thực quản:

e. Siêu âm gắng sức: nhằm phân biệt những trường hợp hẹp van ĐMC thực sự có rối loạn chức năng tâm thu thất trái nặng (nên chênh áp qua van thấp) với những trường hợp giả hẹp.

f. Thông tim: Áp dụng tại cơ sở có Tim mạch can thiệp.

 

III. Điều trị:        

Lựa chọn biện pháp điều trị: cốt lõi của điều trị hẹp van ĐMC nặng là phẫu thuật thay van ĐMC. Nói chung phẫu thuật ưu tiên cho những bệnh nhân đã có triệu chứng cơ năng.

1. Điều trị nội khoa: Bắt buộc phải điều trị kháng sinh dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

- Với bệnh nhân chưa có triệu chứng cơ năng: (diện tích lỗ van ĐMC > 1,0 cm2) điều trị có mục đích phòng tiên phát bệnh lý động mạch vành, duy trì nhịp xoang và khống chế huyết áp..

- Điều trị suy tim: Nhằm vào việc kiểm soát cân bằng dịch để giảm ứ huyết phối, thường bằng thuốc lợi tiểu.

- Tránh dùng các thuốc giãn mạch cho bệnh nhân hẹp chủ đơn thuần.

- Thuốc giãn mạch chỉ là biện pháp điều trị tạm thời trước khi mổ làm cầu nối chủ vành.

- Đối với bệnh nhân hẹp van ĐMC nặng và chức năng thất trái rối loạn nặng, có chênh áp qua van ĐMC thấpcần áp dụng các kỹ thuật can thiệp hoặc phẫu thuật thay van

2. Điều trị can thiệp: áp dụng đối với cơ sở có Tim mạch can thiệp.

- Đặt bóng trong động mạch chủ (IABP).

- Nong van động mạch chủ bằng bóng qua da.

3. Điều trị ngoại khoa: Áp dụng tại cơ sở có trung tâm mổ tim.

Thay van động mạch chủ cơ học hoặc sinh học.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top