✴️ Hút đờm qua ống nội khí quản bằng catheter

Nội dung

I.   ĐẠI CƯƠNG

  • Hút dịch nội khí quản (NKQ) là loại bỏ các chất dịch xuất tiết ra từ khí, phế quản, giúp làm thông thoáng ống nội khí quản và các khí, phế quản.
  • Hút dịch NKQ kín là hút bằng sonde hút kín. Sonde ống thông hút kín được đựng trong một túi kín vô trùng, một đầu gắn trực tiếp với hệ thống dây máy thở và ống NKQ của người bệnh nên khi hút dịch nội khí quản ngưòi bệnh vẫn đảm bảo 100% thời gian thở máy. Nên làm giảm nguy cơ thiếu oxy máu và nguy cơ nhiễm khuẩn phổi tại bệnh viện.

 

II.   CHỈ ĐỊNH

  • Thấy có đờm trong ống nội khí quản.
  • Nghe phổi có ran ứ đọng.
  • Di động lồng ngực kém hoặc không di động.
  • SpO2 giảm hoặc CO2 tăng
  • Trước khi rút ống nội khí quản cho người bệnh.
  • Lấy bệnh phẩm đờm để xét nghiệm.
  • Bệnh nhi thở máy cao tần (HFO).

 

III.   CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định tuyệt đối

 

IV.   CHUẨN BỊ

1.   Người thực hiện: Điều dưỡng trang phục theo quy định

2.   Phương tiện

2.1.   Dụng cụ vô khuẩn

  • Sonde hút kín vô trùng phù hợp kích cỡ ống NKQ: 01 bộ đường kính ngoài của ống hút không vượt quá ½ đường kính trong của ống nội khí quản).

     + Ông NKQ số 3 – 4 tương đương sonde hút số 6 Fr

     + Ông NKQ số 4.5 – 5 tương đương sonde hút số 8Fr

     + Ông NKQ số   ≥ 6 tương đương sonde hút số10 – 12 Fr

  • Bơm tiêm 10ml: 01
  • Dung dịch NaCL 0,9%
  • Hộp bông cồn, gạc
  • Khay quả đậu

2.2.   Dụng cụ sạch

  • Máy hút điện hoặc hệ thống hút trung tâm có bình dung dịch khử khuẩn
  • Bóng ampu, mask phù hợp với người bệnh
  • Dây nối và nguồn oxy
  • Máy đo độ bão hòa oxy, ống nghe
  • Găng tay chăm sóc
  • Dung dịch sát trùng nhanh

3.   Bệnh nhi

  • Đạt trẻ nằm ngửa, đầu cao 30 độ
  • Kiểm tra lại vị trí ống NKQ, cố định lại nếu cần
  • Nếu bệnh nhi có ứ đọng nhiều đờm, dịch có thể thay đổi tư thế kết hợp vỗ dung trước khi hút.

4.   Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án, giấy theo dõi bệnh nhi thở máy đầy đủ theo quy định.

 

V.   CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1.   Kiểm tra hồ sơ

2.   Kiểm tra bệnh án

3.   Thực hiện kỹ thuật : Thực hiện bởi 1 điều dưỡng

  • Rửa tay thường quy
  • Trước khi hút tăng FiO2 lên10-20% so với chỉ số FiO2 cài đặt ban đầu, tối thiểu 30 giây – 1 phút. Trường hợp đặc biệt có thể tăng lên 100%.
  • Sát trùng và nối sonde hút với máy hút, kiểm tra cài đặt áp lực máy hút
  • Sát trùng tay, đi găng chăm sóc
  • Xoay van hút ở cuối sonde hút 180 độ để mở
  • Một tay giữ đầu chữ y, một tay đưa sonde vào ống NKQ qua bao nilon chiều dài sonde đưa vào bằng chiều dài ống NKQ .
  • Ấn van hút để hút dịch, vừa ấn hút liên tục vừa kéo từ từ sonde hút ra ngoài kéo sonde hút thẳng ra, không làm xoắn sonde .
  • Nếu trường hợp dịch đặc có thể bơm 0,25- 0,5ml nước muối 0,9% vào ống nhựa ở đầu ống sonde và hút lặp lại đến khi hết dịch
  • Sau khi hút hết dịch, rút ống sonde ra hết chiều dài bao nilon
  • Làm sạch sonde hút 1 tay bơm nước muối 0,9% qua ống nhựa ở đầu ống sonde đồng thời 1 tay ấn van hút ở cuối sonde để hút đến khi sạch ống sonde)
  • Tháo sonde ra khỏi máy hút
  • Xoay van hút 180 độ để khóa.
  • Hút dịch miệng mũi nếu có hoặc vệ sinh khoang miệng cho BN
  • Thu dọn dụng cụ, rửa tay, ghi hồ sơ.

​​​​​​​

VI.   THEO DÕI

  1. Sau khi hút xong kiểm tra lại vị trí ống nội khí quản, nghe thông khí phổi hai bên để đánh giá hiệu quả hút đờm.
  2. Đặt người bệnh ở tư thế thích hợp.
  3. Đánh giá tình trạng người bệnh trong và sau khi hút về màu sắc da, nhịp thở, nhịp tim, độ bão hòa oxy.
  4. Giảm dần chỉ số FiO2 trên máy thở về chỉ số cài đặt ban đầu khi người bệnh đã ổn định, SpO2 đã cải thiện tốt hơn.
  5. Đánh giá số lượng, màu sắc, tính  chất  dịch  xuất  tiết, nếu thấy bất  thường báo bác sĩ
  6. Vệ sinh catheter hút kín sạch sẽ sau mỗi lần hút, thay đổi catheter 3 ngày/lần.

 Lưu ý

  • Trong khi hút nếu thấy người bệnh tím tái và SpO2 giảm thì phải ngừng hút, bóp bóng và kiểm tra ống NKQcó bị tuột không bằng cách nghe thông khí phổi hai bên.
  • Nếu tuột ống NKQ thì phải bóp bóng qua mask và báo bác sỹ
  • Nếu đang hút mà bệnh nhi có nôn trớ thì ngừng hút, đặt nằm nghiêng một bên và hút mũi miệng cho bệnh nhi.

​​​​​​​

VII.   TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Tuột ống nội khí quản → Đặt lại ống
  • Tổn thương niêm mạc khí, phế quản.
  • Loạn nhịp
  • Co thắt phế quản.
  • Tăng, hạ huyết áp.
  • Tăng áp lực nội sọ.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.
  • Sang chấn tâm lý.
  • Phòng tránh
  • Thực hiện đúng các bước trong quy trình, đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, theo dõi sát tình trạng của người bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top