Những thói quen gây hại đối với bệnh rung nhĩ

Để đạt được 2 mục tiêu điều trị này, bạn cần phải thận trọng xem xét lại các loại thực phẩm và thuốc mà mình đang sử dụng, vì nhiều loại thực phẩm và thuốc trước đây tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng nay có thể là một mối nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Từ những loại thuốc không cần kê đơn thông thường cho đến một vài loại rau xanh tốt cho sức khỏe, dưới đây là những mối nguy hiểm cho bệnh rung nhĩ.

Caffein và rung nhĩ

Một cốc cà phê vào buổi sáng có thể giúp bạn giữ được sự tỉnh táo, nhưng quá nhiều caffein có thể là yếu tố dẫn đến rung nhĩ, khiến tim bạn bị loạn nhịp thường xuyên hơn. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với những loại thuốc có chứa caffein, đồ uống năng lượng và các thực phẩm khác có chứa caffein. Những loại đồ uống năng lượng có khả năng làm chứng rung nhĩ nặng hơn hoặc diễn ra thường xuyên hơn, kể cả ở những người chưa bao giờ bị rung nhĩ trước đây. Nhưng cũng đừng quá lo lắng, khi bị rung nhĩ, quá nhiều caffein mới trở thành vấn đề của bạn, còn uống một vài ngụm latte với ít cà phê và nhiều sữa thì sẽ không sao cả.

 

Đồ uống có cồn có thể gây độc cho trái tim

Đồ uống có cồn và chứng rung nhĩ có thể là một sự phối hợp gây nguy hiểm. Quá nhiều  đồ uống có cồn, ví dụ như rượu, có tác dụng như một loại thuốc giảm đau với não, nhưng sẽ là một loại thuốc kích thích với trái tim. Tình trạng kích thích này có thể làm nặng hơn chứng rung nhĩ hoặc kích hoạt các cơn rung nhĩ. Đồ uống có cồn là một chất độc trực tiếp đối với cơ tim. Đôi khi, uống quá chén trong một thời gian ngắn có thể gây ra các cơn rung nhĩ ở những người trước đây chưa bao giờ được chẩn đoán mắc chứng rung nhĩ.

 

Thuốc cảm lạnh, thuốc dị ứng và rung nhĩ

Đối với nhiều người, các loại thuốc không kê đơn để chữa ngạt mũi và chảy nước mũi sẽ không gây ra vấn đề gì. Nhưng thuốc cảm lạnh/dị ứng và chứng rung nhĩ là một sự phối hợp không tốt. Khi sử dụng những loại thuốc này, cần phải đặc biệt thận trọng vì chúng có thể gây ra những đợt loạn nhịp tim thường xuyên hơn. Tất cả các loại thuốc có tác dụng giảm tiết dịch hoặc làm giãn khí quản hoặc phổi đều có tác dụng kích thích trực tiếp tới trái tim. Một số loại thuốc kích thích không cần kê đơn phổ biến cần phải thận trọng khi sử dụng bao gồm Actifed (chlorpheniramine và phenylephrine), Sudafed (pseudoephedrine), và Contac (acetaminophen, chlorpheniramine, và phenylephrine), mặc dù những loại thuốc khác cũng có thể gây nguy hiểm tương tự đối với chứng rung nhĩ. Trao đổi với bác sỹ trước khi uống bất cứ một loại thuốc không kê đơn nào nếu bạn mắc chứng rung nhĩ.

 

Rau có lá màu xanh ảnh hưởng đến cục máu đông

Ai có thể nghĩ rằng rau có lá màu xanh lại có thể có hại cho bạn chứ? Nhưng đúng là như vậy đấy. Một số loại rau có lá màu xanh có thể gây nguy hiểm cho bạn nếu bạn mắc chứng rung nhĩ. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc làm loãng máu như warfarin để điều trị chứng rung nhĩ và dự phòng đột quỵ, bạn nên kiểm soát chặt chẽ việc ăn một số loại rau có lá xanh như rau bina (rau cải bó xôi hay còn gọi là rau chân vịt) và cải xoăn, những loại rau có chứa rất nhiều vitamin K. Vitamin K có thể tương tác với tác dụng làm loãng máu của warfarin, do vậy, một số loại rau có lá xanh sẽ trở nên nguy hiểm cho bệnh nhân rung nhĩ. Nhưng bạn không cần phải từ bỏ vitamin K để kiểm soát chứng rung nhĩ. Điều quan trọng là bạn phải ăn cùng một lượng thực phẩm giàu vitamin K mỗi ngày. Bạn không nên không ăn bất cứ loại thực phẩm giàu vitamin K nào trong vòng 1 tháng, sau đó lại ăn một lượng lớn thực phẩm giàu vitamin K trong một vài ngày sau đó.

 

Thận trọng khi sử dụng vitamin và thực phẩm chức năng thảo mộc

Khi nghĩ về các loại thực phẩm chức năng không cần kê đơn, bạn thường cho rằng chúng không có hại gì. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng đến chứng rung nhĩ. Ví dụ như vitamin E, có tác dụng làm loãng máu do vậy, nếu bạn đã sử dụng các thuốc làm loãng máu rồi, hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng vitamin E. Cũng nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng bất cứ loại thảo mộc nào có tác dụng kích thích, ví dụ như ma hoàng, và cỏ St. John’s wort.

 

Luyện tập quá sức sẽ đặt một áp lực rất lớn lên trái tim

Với đa số những người bị rung nhĩ, luyện tập ở mức độ trung bình không phải là vấn đề và có thể giúp ích cho họ trong việc kiểm soát cân nặng cũng như cải thiện tâm trạng. Nhưng với một số người bị rung nhĩ, thì một số bài luyện tập đặc biệt ở mức độ khó có thể sẽ kích hoạt những cơn rung nhĩ. Những người này nên thật thận trong khi luyện tập quá nhiều, nhưng đa số việc luyện tập hàng ngày của mọi người đều không đủ nặng để ảnh hưởng đến chứng rung nhĩ. Nếu bạn nhận thấy rằng, tim mình thường đập với nhịp bất thường sau trong hoặc ngay sau khi luyện tập, hãy thảo luận với bác sỹ về cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng này, không để việc luyện tập trở thành mối nguy hại của chứng rung nhĩ.

 

Căng thẳng, lo âu và trầm cảm

Cảm xúc có thể đóng một vai trò nhất định trong những cơn rung nhĩ. Những người bị rung nhĩ và lo âu trầm cảm nặng thường sẽ có nhiều đợt rung nhĩ hơn, so với những người cũng bị rung nhĩ, nhưng ít khi cảm thấy lo âu và trầm cảm. Để làm giảm căng thẳng và giảm nguy cơ các đợt rung nhĩ xảy ra, hãy chú ý hơn đến cảm xúc của bạn và lên kế hoạch cho các hoạt động thư giãn mà bạn yêu thích. Nếu bạn căng thẳng, trầm cảm hoặc lo âu một cách quá nhiều, hãy trao đổi với các chuyên gia về cách làm giảm nhẹ gánh nặng về mặt cảm xúc của bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top