✴️ Nội soi khí phế quản hút đờm

Nội dung

I.   ĐẠI CƯƠNG

Nội soi khí phế quản hút đờm là thủ thuật dùng một ống soi phế quản  (ống mềm hoặc ống cứng đưa vào đường hô hấp dưới để hút rửa đờm nhầy giải phóng đường thở.

 

II.   CHỈ ĐỊNH

  • Xẹp phổi do chất xuất tiết bít tắc phế quản.
  • Áp xe phổi giai đoạn ộc mủ.
  • Giãn phế quản giai đoạn bội nhiễm.
  • Ứ đọng đờm do ho khạc kém (nhược cơ, bại não…)

 

III.   CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Không có chống chỉ định tuyệt đối, tuy nhiên cần cân nhắc trong những trường hợp sau:

  • Suy hô hấp nặng.
  • Suy tim nặng.
  • Rối loạn đông máu có nguy cơ chảy máu.

 

IV.   CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ

1.   Người thực hiện

Bác sĩ, kỹ thuật viên, kíp gây mê

2.   Phương tiện

  • Phòng nội soi: được trang bị hệ thống oxy, máy gây mê, đầy đủ các phương tiện cấp cứu theo cơ số.
  • Dàn máy nội soi hoạt động tốt (gồm màn hình, đầu nhận tín hiệu, nguồn sáng, máy hút, phương tiện lưu hình ảnh).
  • Ống soi các kích cỡ phù hợp với lứa tuổi người bệnh.
  • Mask có lỗ, sonde hút nội khí quản đủ cỡ, bơm tiêm 5ml, 10ml,
  • Dung dịch rửa: Natriclorua 0,9% (ngâm ấm khi nhiệt độ phòng thấp)
  • Bình đựng dịch rửa xét nghiệm.
  • Thuốc gây mê, gây tê, dịch truyền, thuốc cấp cứu theo cơ số.

3.   Người bệnh

  • Giải thích cho gia đình người bệnh về lý do soi phế quản, các tai biến có thể xảy ra khi gây mê,
  • Gia đình người bệnh viết giấy cam đoan đồng ý gây mê và làm thủ thuật
  • Người bệnh đã có đủ các xét nghiệm cơ bản: Công thức máu, X-quang phổi, đông máu cơ bản.
  • Khai thác tiền sử các bệnh lý khác: bệnh tim mạch, dị ứng, vv…
  • Người bệnh nhịn ăn hoàn toàn trước khi nội soi phế quản 4- 8 giờ
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch.

4.   Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của BYT

 

V.   CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  1. Kiểm tra hồ sơ
  2. Kiểm tra người bệnh
    • Tình trạng toàn thân
    • Thời gian nhịn ăn
    • Đánh giá sơ bộ vùng hút rửa trên lâm sàng và phim chụp phổi.
  3.    Thực hiện kỹ thuật
  • Người bệnh nằm ở tư thế ngửa cổ trên bàn soi hoặc giường cấp cứu.
  • Theo dõi liên tục nhịp tim, huyết áp, SpO2. Khi cần thiết, cung cấp oxy hoặc hô hấp hỗ trợ .
  • Tiền mê hoặc gây mê toàn thân tùy từng trường hợp.
  • Gây tê tại chỗ bằng lidocain 2%: 0,35ml/kg
  • Đưa ống nội soi mềm qua đường mũi, họng (có canul miệng) hoặc ống nội khí quản qua thanh môn, khí quản đến phế quản. Đành giá sơ bộ khí phế quản, hút đờm, bơm rửa phế quản. Bơm rửa natriclorua 0,9% 1,5ml/kg chia 3 lần. Nếu dịch nhầy quánh đặc không hút rửa bằng ống mềm được cần soi ống cứng bơm hút rửa bằng sonde hút. Lấy dịch rửa làm xét nghiệm.

​​​​​​​

VI.   THEO DÕI

  • Theo dõi liên tục khó thở, SpO2, mạch, tinh thần đến khi trẻ tỉnh hẳn
  • Ghi nhận xét diễn biến quá trình soi, ghi kết quả nội soi phế quản.
  • Bàn giao người bệnh và tiếp tục theo dõi sát người bệnh tại phòng.

​​​​​​​​​​​​​​

VII.  TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Tổn thương răng (đối với ống nội soi cứng)
  • Các tai biến do sử dụng thuốc mê và gây tê toàn thân
  • Co thắt, phù nề đường thở: khí dung, corticoid
  • Chảy máu đường thở: Adrenalin
  • Suy hô hấp: hỗ trợ hô hấp nhân tạo
  • Ngừng thở, ngừng tim: Hô hấp nhân tạo, xoa tim ngoài lồng ngực, adrenalin, hồi sức tích cực.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top